18 tuổi và chiếc cúp vô địch Grand Slam

05:09, 16/09/2021

Có rất nhiều giấc mơ khi bạn 18 tuổi - ngưỡng tuổi trước cánh cửa cuộc đời rộng mở...

Có rất nhiều giấc mơ khi bạn 18 tuổi - ngưỡng tuổi trước cánh cửa cuộc đời rộng mở. Nhưng mơ vô địch tại một giải quần vợt tầm cỡ thế giới đối với một VĐV chưa tên tuổi gì thì đúng là hoang đường. Vậy mà có một tay vợt vào hàng “tay mơ” đã làm được, đó là Emma Raducanu.
 
Emma Raducanu cùng chiếc Cúp vô địch US Open. Ảnh: Internet
Emma Raducanu cùng chiếc Cúp vô địch US Open. Ảnh: Internet
 
Vẫn là một kịch bản quen thuộc tại các giải quần vợt lớn thế giới Grand Slam lâu nay, và giải Quần vợt Mỹ mở rộng - US Open vừa kết thúc cuối tuần vừa rồi cũng không phải là ngoại lệ.
 
Đó là sự ổn định của làng quần vợt nam và “bất định” của làng quần vợt nữ. Với các tay vợt nam, đánh gì thì đánh, chơi gì thì chơi, cuối cùng các tay vợt tốp đầu xếp hạng giống của bảng nam vẫn lần lượt vượt qua các đối thủ để vào các vòng trong, vào tứ kết, vào bán kết và rồi chung kết. Có thể phong độ lên xuống bất thường tùy vào thời điểm và tùy vào từng tay vợt, nhưng khi cần, đẳng cấp luôn cất lên tiếng nói của nó. 
 
Trong khi đó với bảng nữ, đó là sự trồi sụt cho từng giải. Từ khi ngôi sao Serena Williams - người từng thống trị làng quần vợt thế giới trong nhiều năm, “đi lấy chồng rồi sinh con đẻ cái” quần vợt nữ rơi vào thế giới “bất định”. Vui là cứ mỗi giải Grand Slam lại có một khuôn mặt mới lên ngôi; có ngôi sao giữ được phong độ một vài giải, nhưng cũng có không ít các ngôi sao đó cứ mờ dần, lặn sâu, mất hút đâu đó trên bảng ngân hà xếp hạng.
 
Bảng nam của US Open vừa rồi chơi ở trận chung kết không ai khác mà chính là 2 tay vợt xếp hạt giống số 1 và số 2 của giải. Đó là tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic người Serbia và tay vợt số 2 thế giới Daniil Medvedev - người Nga. Chỉ có một điều đáng tiếc trong trận chung kết này chính là sự thất bại của tay vợt số 1 Djokovic. Đơn giản vì nếu thắng trận đấu cuối cùng này, Novak Djokovic sẽ lập nên một kỷ lục của đời thi đấu mình khi giành được cú ăn tư, ẵm trọn cả 4 chiếc cúp vô địch Grand Slam danh giá trong năm nay. Trước đó, trong năm tay vợt này đã có cú ăn ba khi đưa về nhà cả 3 chiếc cúp vô địch của Australian Open của Úc, Rolland Garros của Pháp và Wimbledon của Anh. Có lẽ cày ải trong năm nhiều quá nên trong trận cuối này anh đuối sức, tuy nhiên vinh quang cũng nên chia sẻ cho người khác hưởng chút chứ không lẽ một mình cứ tóm lấy mãi.
 
Nhưng với Daniil Medvedev, đây là một kết quả rất xứng đáng. Vì anh đã chơi hay trong cả giải đấu, và đây đã là lần thứ ba anh vào đến trận chung kết của các giải Grand Slam. Cả 2 lần trước, một lần tại US Open năm 2019, một lần tại Australian Open 2021 năm nay, tay vợt người Nga này đều chạm trán với Novak Djokovic và đều thua. “Sự bất quá tam”, có lẽ trong lần thứ 3 đối mặt này Medvedev đã tìm được cách hóa giải lối chơi lì lợm của tay vợt người Serbia này. Điều đáng nói nhất ở đây, chiến thắng của tay vợt 25 tuổi này (sinh 1996) đã mang đến sự khích lệ và động viên rất lớn cho thế hệ quần vợt kế tiếp (gồm những tay vợt trẻ như Stefanos Tsitsipas, người Hy Lạp, sinh 1998; như Alexander Zverev, người Đức, sinh 1997; như Matteo Berrettini, người Ý, sinh 1996; như Dominic Thiem, người Áo, sinh 1993…) tiếp tục vươn lên. 
 
Nhưng đáng nói nhất tại US Open năm nay chính là trận chung kết đơn nữ đầy ấn tượng của 2 VĐV đều sinh năm 2002, đều là “tay mơ” trong làng quần vợt thế giới. Có thể nói trước đó chẳng ai biết nhiều đến 2 tay vợt hàng nhóc tì này, rồi đột ngột họ bùng sáng, như một trận lở tuyết trên núi cao, như một trận nước lũ tràn bờ chẳng ai cản nổi, họ làm một mạch tiến thẳng đến trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong đời mình. Đó là Leylah Annie Fernandez, người Canada và Emma Raducanu, người Anh. 
 
Sinh ở Montreal, Quebec, Canada, có cha là người Ecuador và mẹ người Philippines, Leylah Annie Fernandez thừa hưởng truyền thống thể thao của cha mình vốn là một cựu cầu thủ bóng đá. Leylah tập chơi quần vợt từ nhỏ và chỉ bắt đầu vào chơi chuyên nghiệp cách đây 2 năm, trong bảng thành tích của mình cô gái cũng chẳng có gì nhiều để mọi người chú ý. 
 
Nhưng tại giải Mỹ mở rộng năm nay, Leylah Annie Fernandez đã làm làng quần vợt nữ thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bình tĩnh, khôn ngoan, công thủ toàn diện trên sân, cô đã khiến hàng loạt ngôi sao lớn phải ngậm ngùi chia tay với giải, trong đó có Naomi Osaka - người Nhật, đương kim vô địch US Open 2020 và là hạt giống số 3 của giải bị loại tại vòng ba; có tay vợt người Đức Angelique Kerber - cựu số 1 thế giới và 3 lần giành vô địch Grand Slam bị loại tại vòng bốn; có Elina Svitolina – tay vợt hạt giống số 5 của giải, người Ukraina, bị loại tại tứ kết. Ngay cả tay vợt Aryna Sabalenka - người Belarus vốn chơi rất hay ở giải đấu này cũng bị Laylah cho gác vợt trong trận bán kết. 
 
Tuy về nhì, thua Emma Raducanu trong trận đấu cuối cùng của giải, nhưng Leylah Annie Fernandez đã lập nên kỳ tích cho bản thân mình, khiến cả thế giới quần vợt phải ghi nhận. Đây là lần thứ ba trong kỷ nguyên mở của US Open một tay vợt nữ không được xếp hạt giống có thể đánh bại cả 3 trong 5 tay vợt hạt giống trong tốp 5 của giải. Có thể nói một tương lai sáng lạn đang chờ đợi cô gái sinh 2002 này phía trước.
 
Còn với Emma Raducanu, chỉ mới 18 tuổi trong năm nay (cùng sinh năm 2002 nhưng nhỏ hơn Leylah Fernadez 2 tháng tuổi) cũng chơi ấn tượng không kém khi làm một mạch từ vòng loại đến trận chung kết.
 
Mang quốc tịch Anh nhưng Emma Raducanu sinh tại Toronto, Canada, là con gái của một gia đình có cha là người gốc Romania, mẹ là người Trung Quốc. Cha mẹ của Emma Raducanu làm việc trong lĩnh vực tài chính nên mang cô con gái nhỏ của mình sang Anh từ lúc 2 tuổi. Emma bắt đầu chơi quần vợt khi lên 5. Cho đến nay cô vẫn mang 2 quốc tịch Anh và Canada.
 
Như nhiều tay vợt trẻ khác, Emma đi lên từ các giải trẻ, gia nhập làng quần vợt chuyên nghiệp từ năm 2018, tuy nhiên thành tích cũng chẳng gì nhiều. Năm 2021 có thể coi là một năm lịch sử của tay vợt này khi cô nhờ suất đặc cách để được chơi tại Wimbledon – giải Grand Slam đầu tiên của đời mình. Tuy nhiên, cô cũng đã vào đến tận vòng 4 trước khi bỏ cuộc vì lí do sức khỏe và trở thành tay vợt nữ người Anh trẻ nhất vào đến vòng 4 Wimbledon trong kỷ nguyên mở rộng. Chính nhờ thành tích này, cô đã từ vị trí 338 vượt lên 185 trong bảng xếp hạng thế giới.
 
Tại US Open năm nay, Emma đã nhẹ nhàng vượt qua 3 đối thủ ở vòng loại để được vào vòng đấu chính. Tại vòng đấu chính này, cô đã lần lượt hạ các đối thủ có lối chơi rất khó chịu, trong đó có Belinda Bencic and Maria Sakkari trên đường vào bán kết và chung kết. Tại trận chung kết cô vượt qua tay vợt trẻ cùng năm sinh với mình Leylah Annie Fernandez để bước lên bục vinh quang. 
 
Nhờ thành tích vô địch US Open này, Emma Raducanu đã làm một bước nhảy vọt hơn 100 bậc trong bảng xếp hạng thế giới, lên vị trí thứ 23 hiện nay. Cùng đó, một loạt kỷ lục đã được lập ra bởi cô gái này, trong đó có danh hiệu tay vợt nữ trẻ nhất trong kỷ nguyên mở của US Open chỉ mới có 2 lần dự giải Grand Slam đã thẳng tiến đến danh hiệu vô địch mà chẳng thua hiệp đấu nào. Tính từ năm 1977, khi tay vợt nữ Virginia Wade của Anh giành được danh hiệu vô địch Grand Slam, thì đến nay nước Anh mới có thêm một tay vợt nữ khác lập lại thành tích này.
 
18 tuổi, Emma Raducanu đã hiện thực hóa được giấc mơ giành Grand Slam của mình. Với số tiền thưởng 2,5 triệu USD, Emma đã thành triệu phú và là một ngôi sao lấp lánh. Hãy để xem ngôi sao này sẽ tiến đến đâu trong sự nghiệp chơi quần vợt của mình thời gian đến?
 
VIẾT TRỌNG