Để thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao trong tỉnh

04:09, 30/09/2021

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" giai đoạn 2021-2030 do UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành trong tháng 7/2021. 

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021-2030 do UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành trong tháng 7/2021. 
 
Cần có thêm nhiều giải thể thao trong học đường nhằm phát triển toàn diện về trí lực lẫn thể chất cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết mục thi đấu tại giải Aerobic các Câu lạc bộ toàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng  phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức trong tháng 11/2020
Cần có thêm nhiều giải thể thao trong học đường nhằm phát triển toàn diện về trí lực lẫn thể chất cho học sinh. Trong ảnh: Một tiết mục thi đấu tại giải Aerobic các Câu lạc bộ toàn tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tổ chức trong tháng 11/2020
 
ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG
 
Trước nhất, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần tiếp tục phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các đoàn thể và người dân trong tỉnh về Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thể dục thể thao (TDTT); ban hành và triển khai chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của các đơn vị, địa phương đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn và nhu cầu luyện tập TDTT của Nhân dân.
 
Theo đó, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tổ chức tốt Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân và các hoạt động TDTT trong dịp tháng 3, nhằm tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc luyện tập TDTT nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, phòng, chống bệnh tật, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần hàng năm. Đồng thời, vận động mọi người dân lựa chọn môn thể thao thích hợp, cách thức luyện tập phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, giới tính, vùng miền, tình trạng sức khỏe để duy trì nề nếp, thói quen thường xuyên luyện tập hằng ngày.
 
Ngành chức năng tỉnh và các đơn vị liên quan cũng cần xây dựng mạng lưới hướng dẫn toàn dân tập luyện TDTT đúng cách. Cụ thể, đó là việc xây dựng, phổ biến tài liệu, tranh ảnh, video clip hướng dẫn kiến thức cũng như luyện tập TDTT; hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật các môn thể thao từ đơn giản đến nâng cao; hướng dẫn các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh, an toàn, phòng chống tai nạn, chấn thương khi tập luyện.
 
•  ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA TDTT 
 
Hằng năm, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về hướng dẫn tập luyện TDTT nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên, giáo viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên đảm bảo chuyên môn và nghiệp vụ cho các ngành, đoàn thể, các đơn vị, xã, phường, trường học; chú ý phát triển các mô hình nhóm, câu lạc bộ TDTT cấp cơ sở; phát triển các mô hình xã hội hóa thể thao với các đơn vị, cá nhân cung cấp các cơ sở phục vụ tập luyện TDTT, nhằm đa dạng hóa các loại hình tập luyện; tăng cường vận động các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và tổ chức các loại hình hướng dẫn tập luyện TDTT phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương. 
 
Tỉnh cũng có chính sách ưu tiên, thu hút các nguồn lực xã hội hóa cho phát triển phong trào TDTT trong tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tổ chức các dịch vụ tập luyện, thi đấu TDTT.
 
•  PHÁT TRIỂN TDTT Ở CƠ SỞ 
 
Một vấn đề quan trọng khác, đó là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cần chú ý triển khai các chương trình, kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp về hướng dẫn tổ chức, phát triển các hoạt động TDTT trong khối cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trong nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh thiếu nhi, người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên và khối cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh.
 
Tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng triển khai cuộc vận động này trong công tác gia đình của tỉnh hiện nay, nhằm phát huy vai trò gương mẫu, tích cực của các thành viên trong từng gia đình tham gia tập luyện TDTT, xây dựng gia đình thể thao; khuyến khích các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư kinh phí, trang phục, dụng cụ, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên được vui chơi giải trí, rèn luyện thể chất, tập luyện thi đấu các môn thể thao. 
 
Qua đó, từng năm các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các địa phương nhất là khối xã, phường, các trường học cần tổ chức các hội thi, giải thi đấu các môn thể thao, tổ chức tốt Đại hội TDTT, nhằm thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT đơn vị và địa phương mình; chú ý tổ chức các cuộc thi văn hóa thể thao trong vùng dân tộc thiểu số, gắn với việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian.
 
Các địa phương trong tỉnh cần củng cố và phát triển hệ thống thiết chế về TDTT quần chúng ở cấp cơ sở. Cần xây dựng các mô hình điểm về cơ sở vật chất, về tổ chức hoạt động TDTT tại các thôn, buôn, tổ dân phố và tại xã, phường, thị trấn; kiện toàn bộ máy TDTT các cấp.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng như các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chú ý xây dựng và nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, cách thức triển khai hay, hiệu quả về sự hoạt động của các cơ sở, các câu lạc bộ, các mô hình xã hội hóa TDTT, nhất là ở cấp cơ sở; khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình, có đóng góp thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động và phát triển phong trào TDTT của tỉnh.
 
•  TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA CÁC CẤP ỦY ĐẢNG
 
Điều quan trọng, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, các cấp, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tập trung nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới về nội dung, cách thức triển khai Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2021 - 2030 đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Các địa phương, ngành Giáo dục và Đào tạo, Quân đội, Công an cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển TDTT giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2045.
 
Ngành chức năng tỉnh cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất cơ chế, chính sách về lĩnh vực TDTT đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới; kịp thời tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, đề án, chương trình hành động trong lĩnh vực TDTT; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm nâng cao khả năng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động TDTT, phát huy nguồn lực và khả năng sáng tạo trong Nhân dân. 
 
VIẾT TRỌNG