Bóng đá Lâm Đồng: Bao giờ trở lại ngày xưa?

06:11, 21/11/2021

(LĐ online) - "Cơn lốc cao nguyên" ngày nào với những cái tên Hồng Hải, Trương Văn Tâm, Ngô Việt Trung, Thanh Nhàn, Tiến Danh…

(LĐ online) - “Cơn lốc cao nguyên” ngày nào với những cái tên Hồng Hải, Trương Văn Tâm, Ngô Việt Trung, Thanh Nhàn, Tiến Danh… khi nhắc lại vẫn khiến trái tim người hâm mộ không khỏi sôi sục, bồi hồi. Tình yêu bóng đá không hề đổi thay, ý chí chiến đấu vẫn trường tồn, nhưng tìm đâu để thấy tương lai rạng rỡ của đội bóng mang tên Lâm Đồng?
 
Đội bóng Lâm Đồng thập niên 90
Đội bóng Lâm Đồng thập niên 90
 
•  MỘT THỜI HOÀNG KIM
 
Không ồn ào, đao to búa lớn, với tất cả nỗ lực, nhiệt huyết và tình yêu mãnh liệt dành cho bóng đá, các tuyển thủ Lâm Đồng đã bao lần chọc thủng lưới đội bạn, mang về vinh quang cho miền đất cao nguyên. Có thể nói, đội bóng Cao nguyên Lâm Viên trải qua không ít thăng trầm nhưng điều làm người ta nhớ mãi chính là khoảng thời gian huy hoàng trong thập niên 90, sau khi bóng đá Lâm Đồng thăng hạng A1 (hạng cao nhất của bóng đá Việt Nam). Thời điểm ấy, đội bóng đá Lâm Đồng là bất khả chiến bại trên sân nhà và được người người ưu ái tặng cho cái tên “cơn lốc cao nguyên”. Không có bất kỳ đội bóng nào đến với “thánh địa” Đà Lạt có thể mang chiến thắng trở về, kể cả những đội mạnh nhất của Việt Nam như Câu lạc bộ Quân đội, Cảng Sài Gòn, Công An TP Hồ Chí Minh… Mưa phủ trắng trời, khí thế chiến đấu của các cầu thủ Lâm Đồng càng dâng cao. Biến khó khăn thành lợi thế, các cầu thủ trong đội bóng như “hổ mọc thêm cánh”, cộng thêm lối đá mạnh mẽ, giàu thể lực, đội Lâm Đồng càng nhanh chóng áp đảo đội bạn, phá tung mọi chiến thuật của đối phương. 
 
Tiếng lành đồn xa, sau khi giành được Huy chương đồng hạng 3 tại mùa giải V-league năm 1997, bóng đá Lâm Đồng càng được nhiều người biết đến. Không những trong tỉnh, người hâm mộ ngoài tỉnh cũng được chinh phục bởi tinh thần thể thao mạnh mẽ của đội bóng. Năm 1998, khi đội bóng Lâm Đồng tham gia thi đấu tại sân nhà Đà Lạt, từng đoàn xe biển số 85 (Ninh Thuận) nối đuôi nhau kéo đến sân vận động để có thể tận mắt chứng kiến những “người hùng cao nguyên”. Khán đài đông đúc, nhộn nhịp, khán giả hò reo ngợp trời, không khí bóng đá chưa bao giờ “máu lửa” đến vậy.
 
Trận đấu giữa đội tuyển Lâm Đồng và Công An Hà Nội năm 1996, khán giả đông đúc ngợp trời
Trận đấu giữa đội tuyển Lâm Đồng và Công An Hà Nội năm 1996, khán giả đông đúc ngợp trời
 
“Cảm giác đó “đã” lắm. Mỗi khi nhớ lại, lòng tôi vẫn chưa hết sung sướng. Tôi hy vọng lớp trẻ sau này tiếp tục phát huy tinh thần thể thao, nỗ lực phấn đấu để đưa bóng đá Lâm Đồng đến đỉnh cao”, Trương Văn Tâm - Cựu tuyển thủ Lâm Đồng, Cựu tuyển thủ Quốc gia chia sẻ khi nhắc về trận thắng Đồng Tháp 2 - 0 ở vòng 14 giải Vô địch Quốc gia năm 1997. Ở trận đấu này, ngay tại sân nhà Đà Lạt, dưới sự chứng kiến của HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam bấy giờ là ông Colin Murphy, cầu thủ Trương Văn Tâm đã xuất sắc “xé toang” lưới đội bạn, mang về 1 bàn thắng cho Lâm Đồng. Sau trận đấu, Trương Văn Tâm vinh dự được gọi vào đội Dự tuyển Việt Nam chuẩn bị cho Sea Games 1997.
 
•  TRỞ LẠI “CƠN LỐC” NGÀY XƯA, PHẢI ĐẾN BAO GIỜ?
 
Vinh quang là thế nhưng tất cả những điều đó đều gói gọn trong 2 chữ “đã từng”. Đội bóng Lâm Đồng từ năm 1999 - 2000 trở đi đã thay đổi quá nhiều. “Cơn lốc” ngày xưa dần chìm vào quên lãng, thay vào đó là đội bóng cứ mãi lận đận ở hạng nhì. Năm 2011, bóng đá Lâm Đồng lại được thăng hạng nhất, mang đến tín hiệu vui cho bao người hâm mộ trong tỉnh. Tuy nhiên, mới chỉ sau 2 mùa giải, “cơn lốc cao nguyên” cứ ngỡ đã quay trở lại lại vụt tan biến. Một lần nữa, “cơn lốc” ngày nào để lại bao nuối tiếc trong lòng người yêu bóng đá. 
 
Cầu thủ U17, U18 Lâm Đồng tập luyện trên sân cỏ nhân tạo
Cầu thủ U17, U18 Lâm Đồng tập luyện trên sân cỏ nhân tạo
 
Nỗi lòng đội bóng cao nguyên đâu mấy ai hiểu được. Cơ sở vật chất, con người… đối với bóng đá Lâm Đồng như mê cung không lối thoát và lối ra duy nhất chỉ có thể là sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân. Cho đến thời điểm hiện tại, đội bóng vẫn phải luyện tập tại sân cỏ nhân tạo. Ông Nguyễn Văn Tuyển - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Lâm Đồng cho biết: Chưa kể đến cảm giác ra sân khi thi đấu tại sân cỏ khác một trời một vực, với ý chí và nỗ lực, các cầu thủ hoàn toàn có thể rèn luyện tốt nhưng tập luyện với sân cỏ nhân tạo về lâu dài ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe đội bóng
 
Có những khán giả không tìm hiểu sâu về bóng đá nhưng cũng lờ mờ nhận ra rằng từ không gian cho đến tốc độ bóng, đường chuyền, độ ma sát… đối với sân cỏ và sân nhân tạo đều tạo ra khác biệt. “Cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở hiện nay của các cầu thủ Lâm Đồng còn nhiều hạn chế”, ông Đoàn Quốc Việt - HLV phụ trách đội trẻ cho biết. Một chi tiết nhỏ nhưng có lẽ khiến không ít người nhói lòng, không có bếp ăn tập thể, nơi sinh hoạt chưa thể đảm bảo, chỗ ăn, chỗ ở của các cầu thủ đều là chỗ thuê mướn. Chi phí để chi trả, săn sóc đội bóng đều phải đem ra cân đo đong đếm từng ngày. Đều là cầu thủ, đều cống hiến cho màu cờ sắc áo, dẫu thắng hay thua, các cầu thủ cũng không thể nhận được phần thưởng mà đáng ra mình được có, vậy thử hỏi động lực đâu để tiếp tục thi đấu? 
 
Các cầu thủ U17, U18 - “Hạt giống” của bóng đá Lâm Đồng
Các cầu thủ U17, U18 - “Hạt giống” của bóng đá Lâm Đồng
 
Từ trước đến nay, dù ở giai đoạn nào, đội bóng Lâm Đồng cũng có những cầu thủ người đồng bào - đặc sản của đội bóng miền cao. Những cái tên Ha Thin, Ha Si, K’ Brèo… không những mang lại cho người hâm mộ cảm giác gần gũi mà còn là hình ảnh khỏe khoắn, dẻo dai của những chàng trai núi rừng. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuyển, các cầu thủ người đồng bào đá rất tốt nhưng vì nhiều lý do, một số cầu thủ bỏ lại nghiệp bóng đá giữa chừng, có thể là tìm thấy một công việc có đãi ngộ tốt hơn hay bắt đầu tìm kiếm tổ ấm cho chính mình. Cứ như vậy, người đến rồi lại đi, không biết đến bao giờ đội bóng Lâm Đồng có thể thực sự ổn định…Khó khăn là thế nhưng bằng tình yêu và niềm đam mê bóng đá luôn rực cháy trong tim, các cầu thủ, các huấn luyện viên luôn cùng nhau san sẻ, không ngừng tập luyện, nỗ lực phấn đấu với hy vọng Lâm Đồng có thể mang “cơn lốc cao nguyên” quay trở lại. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng từng ngày. Ngoài công việc tập luyện cùng đội tuyển, chúng tôi cũng không ngừng bồi dưỡng chuyên môn cho các lứa cầu thủ U17, U18” - ông Nguyễn Văn Tuyển chia sẻ. Các cầu thủ U17, U18 Lâm Đồng đến nay đều được xem là “hạt giống” của bóng đá Lâm Đồng. Nếu được chăm sóc đầy đủ trong điều kiện tốt, các em sẽ “nảy mầm”, trở thành những cây xanh giàu sức sống mãnh liệt, mang đến vẻ vang cho bóng đá địa phương.
 
Sân vận động 20.000 chỗ ngồi đang gần hoàn tất tại Khu liên hợp Văn hóa Thể thao tỉnh Lâm Đồng đã nhóm lên một tia hy vọng đối với đội bóng Lâm Đồng. Trong tương lai, đội bóng sẽ có được cơ sở vật chất tốt hơn, có được sân cỏ để tập luyện mà không cần lo lắng về sức khỏe hay chuyên môn, nơi ăn, chốn ở có lẽ cũng cải thiện được phần nào.
 
Ông Nguyễn Viết Xuân (55 tuổi) - người đã dành tình yêu cho bóng đá Lâm Đồng từ thuở còn là sinh viên ngồi trên giảng đường đại học tâm sự: Theo chân đội bóng qua bao nhiêu thế hệ, vui mừng có, tiếc nuối có, hụt hẫng cũng có, nhưng mình luôn dành trọn tình yêu cho bóng đá Lâm Đồng. Sau này, mặc dù Lâm Đồng đá ở hạng nhì nhưng mình vẫn luôn theo dõi, cổ vũ cho đội bóng. Mình cũng mong muốn các nhà tài trợ đầu tư để đội có thể thăng hạng, thi đấu cùng các tỉnh bạn và người hâm mộ như mình lại có thể được thưởng thức những “món ăn tinh thần” từ đội bóng Lâm Đồng.
 
Hy vọng tương lai không xa sẽ có những nhà tài trợ, nhà đầu tư hỗ trợ để bóng đá Lâm Đồng vụt sáng 1 lần nữa, quay trở lại với cái tên “cơn lốc cao nguyên” ngày nào.
 
TIỂU QUYÊN