Lặng lẽ bóng hình những ''người cha''

06:01, 16/01/2022
(LĐ online) - Phía sau “tấm màn” vinh quang của những vận động viên không chỉ là mồ hôi, nước mắt mà còn là bao tâm huyết, hy sinh của những huấn luyện viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng. Họ vừa là thầy, là bạn và trên tất cả, họ là những “người cha” theo một cách rất khác biệt. Bởi lẽ, những huấn luyện viên ấy đã dành tất cả đam mê và công sức để trau dồi nên một thế hệ trẻ tài năng. Bên cạnh đó là những câu chuyện chẳng mấy ai hiểu được.
 
Huấn luyện viên chăm lo việc học hành và sinh hoạt cho vận động viên ngay tại nhà của mình
Huấn luyện viên chăm lo việc học hành và sinh hoạt cho vận động viên ngay tại nhà của mình
 
• HƠN CẢ MỘT NGƯỜI THẦY
 
Có những câu chuyện chỉ người trong cuộc mới có thể nhìn thấu. Không hô hào chiến công, không than vãn khi thất bại, huấn luyện viên các bộ môn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng vẫn từng ngày âm thầm dẫn lối cho các lớp vận động viên từ nhỏ đến lớn. Từ đào tạo chuyên môn, dạy dỗ những vấn đề về sinh hoạt và lối sống cho đến cả việc rèn giũa phẩm chất đạo đức của vận động viên, tất cả đều ghi dấu bóng hình của người thầy - cách gọi gần gũi mà thường ngày các vận động viên dành cho những huấn luyện viên của mình. 5 năm, 10 năm, 15 năm và có thể hơn thế nữa, đó là khoảng thời gian mà các thầy đã dành ra để đào tạo mỗi học sinh ở bất kỳ bộ môn nào. Và dĩ nhiên, suốt khoảng thời gian ấy, trách nhiệm, sự quan tâm, lo lắng và công sức đều không thể đặt lên bàn cân để đo lường hay đong đếm được. Nói một cách khác, tất cả những điều ấy đều là vô giá.
 
Không dừng lại ở đó, vượt qua cả trọng trách của người thầy, các huấn luyện viên còn đảm đương vị trí của một người cha. Việc các vận động viên nhỏ và trẻ tuổi cùng sống và sinh hoạt tại nhà của huấn luyện viên dường như đã trở thành câu chuyện rất đỗi bình thường đối với thể thao Lâm Đồng. Theo ông Hồ Trung Thùy - Trưởng phòng Đào tạo và Huấn luyện, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn tỉnh Lâm Đồng, hiện nay, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, phần lớn gia đình các em lại ở các huyện. Vì vậy, ngoài những em sinh hoạt tập thể tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng, một số em phải ăn, ở tại nhà huấn luyện viên. “Một phần là vì trách nhiệm, một phần vì mình thương các em nên phải lo lắng chu toàn. Mình cũng đã làm cha, mới chỉ nghĩ đến cảnh các em nhỏ 6, 7 tuổi vừa học, vừa tập luyện, lại vừa phải tự chăm sóc bản thân, mình không chịu được. Học sinh cũng như con mình, vì vậy, dù có vất vả, mình cũng chấp nhận, thay cha mẹ chăm lo cho các em. Có thể các em không thành công về chuyên môn nhưng chắc chắn các em phải thành người”, ông Thùy chia sẻ.
 
Huấn luyện viên trực tiếp sơ cứu và chăm sóc vận động viên chấn thương
Huấn luyện viên trực tiếp sơ cứu và chăm sóc vận động viên chấn thương
 
Đối với một số bộ môn như cầu lông, cử tạ…, vận động viên phải tập luyện và sinh hoạt tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh (TP Từ Sơn, Bắc Ninh). Huấn luyện viên cũng trực tiếp phụ trách việc đào tạo, đảm bảo các em tập luyện một cách tốt nhất; đồng thời, chăm sóc cho cuộc sống xa nhà của vận động viên. Ông Nguyễn Văn Thưởng - Huấn luyện viên trưởng đội tuyển cử tạ Lâm Đồng cho biết, việc hiểu và nắm bắt được tâm lý vận động viên là điều hết sức quan trọng trong việc đào tạo cũng như dạy dỗ các em. Vì vậy, với mỗi em học sinh khác nhau phải có cách chỉ dạy khác nhau, có thể mềm mỏng hoặc cứng rắn tùy từng trường hợp. Hơn nữa, tuổi các em còn nhỏ, lại sống xa gia đình, chỉ có thầy mới có thể nhanh chóng giải quyết khó khăn hay giúp các em giãi bày tâm sự ngay khi các em cần. Đặc biệt, khi các em ốm đau và cần một điểm tựa vững chắc thì người thầy chính là điểm tựa ấy. Bên cạnh việc giúp đỡ, hỗ trợ vận động viên, các huấn luyện viên vẫn luôn thường xuyên liên lạc với gia đình nhằm động viên, khích lệ phụ huynh tin tưởng, an tâm hơn.
 
•  CÓ NHỮNG SỰ HY SINH NHƯ THẾ!
 
Nỗi lo của các huấn luyện viên nói riêng và cũng là thực trạng hiện nay của thể thao Lâm Đồng nói chung chính là tình trạng “chảy máu nhân tài”. “Sau quá trình đào tạo khá dài, phần lớn các vận động viên rời đi vì nhiều lý do. Một số em thay đổi định hướng khi bước vào trung học phổ thông, một số vận động viên đồng bào dân tộc thiểu số từ bỏ thể thao để vun vén hạnh phúc gia đình hoặc phụ huynh muốn con em tập luyện ở những câu lạc bộ có điều kiện tốt hơn… Có thể nói rằng công sức của người thầy đến lúc hái quả đều bị gạt bỏ”, ông Hồ Trung Thùy - Trưởng phòng Huấn luyện và Đào tạo chia sẻ. Nhưng không vì thế mà các huấn luyện viên từ bỏ, bởi lẽ đối với các thầy, việc trở thành huấn luyện viên thể thao cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh đổi nhiều thứ.
 
Từng được các huấn luyện viên đào tạo và giúp đỡ, anh Chế Nguyên (23 tuổi) giờ đây đã theo đuổi con đường trở thành huấn luyện viên
Từng được các huấn luyện viên đào tạo và giúp đỡ, anh Chế Nguyên (23 tuổi) giờ đây đã theo đuổi con đường trở thành huấn luyện viên
 
Trong thế giới thể thao, thắng thua là lẽ thường tình. Dẫu thắng hay thua, các huấn luyện viên vẫn luôn là người sát cánh cùng vận động viên. Chính vì vậy, áp lực đè nặng trên vai người huấn luyện viên là không hề nhỏ. Vận động viên đấu chính, đấu phụ hay dự bị là câu hỏi muôn thuở mà phụ huynh dành cho các thầy. Hơn thế nữa, những khi vận động viên chưa thể mang về thành tích cao thì ngay khoảnh khắc ấy, tất cả mũi tên đều chĩa về phía người huấn luyện viên. Ngậm đắng nuốt cay, các thầy vẫn dìu dắt các em cùng vượt qua và tiếp tục cuộc hành trình đi đến đỉnh cao. 
 
Là những người giữ lửa và truyền lửa đam mê, các huấn luyện viên sẵn sàng bỏ những giờ dạy thêm hay làm kinh tế bên ngoài, tăng thu nhập cá nhân để dành trọn thời gian cho vận động viên của mình. Có thể khẳng định rằng đam mê chính là động lực mạnh mẽ nhất để các thầy vững bước trên con đường thể thao gian nan. Thầy Đoàn Quốc Việt - Huấn luyện viên phụ trách đội trẻ bóng đá Lâm Đồng, người đã gắn bó với nghề huấn luyện viên suốt 22 năm chia sẻ: Đam mê mà! Không bao giờ từ bỏ được. Thầy xuất thân cũng từ vận động viên nên hơn bao giờ hết, thầy hiểu được những gì mà các vận động viên phải trải qua. Kinh nghiệm là vốn quý báu. Chính vì vậy, thầy sẽ không ngừng cống hiến để đào tạo và truyền đạt kinh nghiệm, giúp thể thao Lâm Đồng ngày một tốt hơn.
 
Câu chữ chỉ là công cụ truyền đạt, không thể diễn đạt hết tâm huyết và công sức của những huấn luyện viên, bởi chúng là vô giá. Hy vọng các huấn luyện viên thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục cống hiến, truyền lửa đam mê để đưa thể thao Lâm Đồng đến đỉnh cao. 
 
TIỂU QUYÊN