Đầu xuân trò chuyện với võ sư ngoại quốc

07:02, 19/02/2022
(LĐ online) - Bertrand Michell Guigues (53 tuổi, người Thụy Sĩ) là võ sư đã và đang dạy môn võ truyền thống châu Á cho các nước Ý, Pháp, Hồng Kông, Srilanca, Ấn Độ, Việt Nam… Nhân chuyến về quê vợ ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), ông đã dành một buổi sáng tâm sự về những gam màu tối sáng trong nghề võ của mình.
 
Võ sư Michell và tủ sách võ thuật của mình
Võ sư Michell và tủ sách võ thuật của mình
 
Mùng sáu tết năm nay, tôi tình cờ gặp một trung niên ngoại quốc đang đi đường roi võ Bình Định tại nhà 1 người bạn ở thôn Ánh Mai (xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc). Tuy đường roi của ông không mạnh mẽ dứt khoát nhưng uyển chuyển nhẹ nhàng, bên cạnh ông một chiếc máy đang ghi hình. Thấy tôi đường đột đứng xem, ông dừng roi, chào xã giao bằng tiếng Việt rất tình cảm. 
 
Michell không biết tiếng Việt, nhưng sử dụng tiếng Anh khá lưu loát mang đặc âm sắc Pháp. Khi được hỏi vì sao xuất thân từ châu Âu lại trở thành võ sư dạy võ truyền thống châu Á, ông trả lời vui vẻ theo phong cách của người Pháp: “Mình sinh ra và lớn lên ở Thụy Sĩ, học chuyên ngành hội họa. Nhân tiện về vẽ tranh ở Miến Điện và Thái Lan, nhìn các đền chùa mang dáng vẻ huyền bí rất gần gũi giữa con người với thiên nhiên, thế là mình mang giá đứng vẽ những mái chùa uốn lượn đầy rong rêu và các tượng Phật xưa một cách say sưa. Cho đến một ngày nọ, thấy các nhà sư dạy võ cho các tu sĩ, giữa vườn cây tĩnh lặng, các nhà sư trẻ vung tay như gió, thỉnh thoảng bay đá nhẹ nhàng dứt khoát đầy tính quyền thuật (Martial Art). Tôi tò mò đến mức trân trọng, rồi xin thọ giáo hết chùa này đến chùa khác, dần dần trở thành một võ sư dạy lại các tu sĩ các chùa ở châu Á. Trong quá trình tập luyện, ngoài việc tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân các bài quyền cước, tôi thường ghi hình lại để tìm ra những thiếu xót trong di chuyển, bớt đi những động tác thừa và thiếu để ra đòn chắc chắn nhằm mục đích hoàn thiện thêm việc dạy và học dần dần trở thành nhà nghiên cứu, giới thiệu võ truyền thống của châu Á cho các tạp chí quyền thuật châu Âu”.
 
“Ông vừa đi đòn roi Phượng Hoàng của võ Bình Định và ghi hình lại các thế đòn Vovinam, ông đánh giá 2 môn võ chính của Việt Nam như thế nào?” Tôi hỏi. “Võ Bình Định là môn võ tuyệt vời, trong đó pha trộn khá nhiều võ thiếu lâm (Kung fu) của Trung Quốc nhưng được chọn lọc thành môn võ riêng biệt của người Việt cũng giống như tách chữ Hán pha trộn thành chữ Nôm thời nhà Hồ. Điều đó cũng rất tốt, vì võ thuật cũng là tài sản của nhân loại ở thời đại 4.0. Theo sử sách để lại, ngày xưa vào nữa cuối thế kỷ thứ XVI, các sĩ phu Tây Sơn ở Bình Định xuất thân từ con nhà võ nên họ đã lấy quyền thuật và nghĩa khí của Tây Sơn kết hợp với tinh thần ái quốc của người Việt đã đánh bại quân Xiêm và quân Thanh bảo vệ sơn hà xã tắc. Còn về Vovinam, đây là một môn võ đặc biệt vừa kết hợp nhuần nhuyễn giữa võ thuật và thể thao. Tuy là một môn võ được dạy nhiều nước trên thế giới nhưng qua tiếp cận, phân tích tôi nhận ra Vovinam thiên về biểu diễn và luyện tập sức khỏe như một môn thể thao (Sport) nhiều hơn, ví dụ như các động tác bay đá, kẹp cổ, đòn roi… Dù hiện nay, Vovinam được dạy nhiền nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những nơi tôi đến ở Việt Nam, các võ đường này rất ít, thay vào đó là các lớp Teakwondo dạy theo các trường học phổ thông. Giá như cả Vovinam và võ Bình Định trở thành môn võ Việt được dạy trong các trường học thì hay hơn, điều ấy môn võ chúng ta có thể trở nên sức mạnh thương hiệu trên thế giới” - Michell giọng trở nên buồn buồn. “Tuy nhiên, xu thế hiện nay, võ thuật trên các nước, nơi tôi từng dạy dần dần trở nên hoang vắng. Ngày trước, một võ đường có vài trăm võ sinh, một lớp học có vài chục võ sinh nay chỉ còn lại rất ít, nhất là Hồng Kông, thanh niên tại nơi đây suốt ngày ôm điện thoại thông minh, họ không còn mặn mòi về võ thuật, những võ đường mất dần, thay vào đó là các phòng tập thể hình (Gym). Võ thuật là một môn thể thao đa năng, nó dạy cho học viên rèn luyện một thân thể khỏe mạnh và phương pháp làm người, điều ấy sẽ làm cho võ sinh hoàn thiện hơn so với rèn luyện thể hình”.
 
Chia tay Michell, ông dẫn tôi vào thăm các dụng cụ mô hình đao kiếm bằng gỗ và kim loại dùng để tập luyện ở đẳng cấp cao mà ông đã sưu tầm ở các nước châu Á. Ông chép miệng: “ Đây là chứng tích của một đời người say mê võ thuật, không biết sau này các con tôi có giữ được không!”. Được biết, vợ của Michell là 1 võ sĩ đai đen Taekwondo người Việt ở Bảo Lộc. Đôi võ sư này có 2 đứa con, mỗi lần nói chuyện với mẹ, chúng nó nói tiếng Việt và nói với bố bằng tiếng Pháp. Hiện nay, gia đình Michell đang sinh sống ở Bảo Lộc.
 
Ghi chép TRẦN ĐẠI