Người góp sức cho phong trào học bơi tại Đức Trọng

05:10, 13/10/2022
Một đôi vợ chồng ở huyện Đức Trọng đã bỏ tiền xây bể bơi trên đất nhà và dạy cho hằng nghìn học sinh nơi đây biết bơi.
 
Anh Cao Tấn Dũng và chị Hoàng Nhật Lan trong hồ dạy bơi của mình
Anh Cao Tấn Dũng và chị Hoàng Nhật Lan trong hồ dạy bơi của mình
 
Đó là vợ chồng anh Cao Tấn Dũng và chị Hoàng Nhật Lan, hiện đang sinh sống tại thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng. Anh Dũng sinh 1984, quê ở Đồng Tháp, học Giáo dục thể chất tại Trường Đại học Thể dục thể thao (TDTT) TP Hồ Chí Minh, ra trường ở lại làm việc tại thành phố này. Còn chị Hoàng Nhật Lan, cũng sinh 1984, người Liên Nghĩa, Đức Trọng, lại học ở Trường Đại học Đà Lạt, ra trường cũng làm việc ở thành phố hoa. Cả hai gặp và quen nhau trong một chuyến anh Dũng lên Đà Lạt làm việc cho một đơn vị, rồi cưới nhau, anh theo chị về sống tại quê vợ từ năm 2009.
 
Anh kể, ngày ra trường, anh được nhận dạy hợp đồng Giáo dục thể chất cho nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh. Khi về quê vợ, anh vẫn sinh sống bằng nghề đi dạy, lúc này là đi dạy bơi khoảng 7 năm tại Đà Lạt. 
 
Địa điểm anh dạy bơi tại Đà Lạt là các khách sạn lớn có bể bơi. Các khách sạn này tổ chức các khóa dạy bơi cho học sinh nhiều lứa tuổi có nhu cầu và sau đó thuê huấn luyện viên để dạy, anh là một trong những người đi dạy như vậy. Cứ sáng sáng, anh lại đi xe máy từ Đức Trọng lên Đà Lạt, đi dạy, cả ngày trên này, chiều về lại Đức Trọng. 
 
HLV Cao Tấn Dũng cùng các VĐV giành huy chương tại Giải Bơi học sinh toàn tỉnh 2022
HLV Cao Tấn Dũng cùng các VĐV giành huy chương tại Giải Bơi học sinh toàn tỉnh 2022
 
Theo anh Dũng, các lớp học bơi này thường tổ chức quanh năm, đông nhất là vào dịp hè. Nhiều bậc phụ huynh muốn con mình an toàn khi tiếp xúc với nước nên tìm đến đăng ký cho con em theo học. Các nhà tổ chức ở khách sạn khi thấy đủ số học viên để tổ chức lớp là gọi huấn luyện viên. Học viên chủ yếu là học sinh tiểu học hay trung học cơ sở.
 
Sau một thời gian dài dạy trên Đà Lạt, anh Dũng lại được thuê để dạy bơi cho một hồ bơi tại thị trấn Liên Nghĩa, sau đó thêm một số trường học có bể bơi di động trong huyện cũng mời. “Lúc đầu, cứ nghĩ trên Đà Lạt mới có nhiều học viên nhưng khi dạy bơi ở Liên Nghĩa thì thấy nhu cầu học bơi của học sinh địa phương cũng rất cao, không chỉ học sinh trong thị trấn mà còn có không ít các gia đình từ các xã xung quanh cũng đưa con mình đến học”, anh Dũng cho biết. 
 
Khi đi dạy bơi ở Liên Nghĩa, một ý nghĩ vẫn thường đến với anh rằng “sao mình không xây một hồ bơi ngay trên đất của gia đình để dạy bơi cho các học sinh?”.
 
Năm 2019, sau một thời gian cân nhắc, vợ chồng anh Dũng - chị Lan đã quyết định đầu tư xây hồ bơi trên đất của gia đình. Hồ bơi này rộng 6 m, dài 15 m, theo tiêu chuẩn cho dạy và học bơi. Là người có kinh nghiệm về dạy bơi, vợ chồng anh chị đầu tư một cách bài bản và cẩn thận, từ thiết kế bể bơi, mua trang thiết bị lọc nước tốt, đầu tư hệ thống giếng khoan với bể lọc cung cấp nước cho bể bơi, xây dựng mái che. Tổng số tiền hoàn thiện hồ bơi khoảng 800 triệu đồng, vợ chồng phải vay thêm từ người thân, gia đình. 
 
“Thiết kế hồ bơi phải lấy an toàn làm tiêu chí hàng đầu. Hồ ở nhà xây có đáy bằng, phù hợp cho người mới học bơi, không tạo độ dốc lớn để học viên khi học không bị vấp, không hụt chân; nước được xử lý sạch, đáp ứng theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Trong vận hành hồ cũng vậy, luôn đặt an toàn lên hàng đầu, khi học viên vào bể, luôn có 4 HLV đứng ở 4 góc hồ quan sát, hễ có gì bất trắc là ứng cứu ngay”, anh Dũng nói.
 
Sau một thời gian thi công, hồ bơi của gia đình anh chị được vào sử dụng vào cuối năm 2019. Ngay lập tức, hồ bơi đã thu hút đông đảo học viên đến đăng ký các khóa học bơi, chủ yếu là học sinh ở các trường học trong vùng, nơi anh Dũng đã từng được mời đến để dạy bơi, có cả các học viên mới là những người lớn tuổi trong vùng đến học bơi để trị liệu hay chữa bệnh. 
 
Anh Dũng cho biết, các lớp học bơi cơ bản ở đây có giá từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng, kéo dài trong vòng 12 buổi, mỗi buổi tập kéo dài 1 giờ 30 phút. Thường các lớp cơ bản này dạy kỹ thuật bơi ếch, đầu tiên sẽ dạy cho học viên làm quen với nước, tập thở dưới nước, tập thả nổi rồi tiếp đến là kỹ thuật tay, kỹ thuật chân, các động tác tay chân phối hợp.. 
 
“Tùy theo khả năng của mỗi học viên để dạy cho từng ngày, nhưng thông thường các học sinh, nhất là học sinh bậc tiểu học thường học rất nhanh, đến buổi thứ 7 - 8 đã có khoảng 90% học viên bơi được”, anh Dũng cho biết. 
 
Sau khóa học cơ bản, học viên đã biết bơi nên theo anh Dũng, có thể tiếp tục học ở các lớp bơi nâng cao hơn như bơi bướm, bơi sải, bơi ngửa, lặn cùng các kỹ thuật dành cho thi đấu trong các giải bơi như kỹ thuật xuất phát, kỹ thuật quay đầu. Lớp nâng cao này cũng kéo dài 12 buổi, mỗi buổi từ 1 giờ đến 1 giờ 30 phút, hướng dẫn viên sẽ tùy theo khả năng của từng người để chọn cách dạy phù hợp nhất. 
 
Cho đến cuối năm 2019, dù Hồ bơi 72 (lấy tên theo địa chỉ nhà 72 đường Cô Bắc, thị trấn Liên Nghĩa của anh chị) nằm khá xa trung tâm thị trấn Liên Nghĩa nhưng đã có đến 200 - 300 học viên theo học bơi. Nơi đây, cùng với một một hồ bơi lớn khác trên địa bàn là Hồ bơi Dona, đã trở thành những địa chỉ dạy bơi chủ lực phục vụ cho công tác phòng, chống đuối nước trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa và huyện Đức Trọng. 
 
Để thu hút học viên, anh Dũng chị Lan đã tổ chức giải bơi nội bộ hằng năm. Không chỉ tổ chức vui, có tiệc đứng, giải còn có phần thưởng cho người thắng cuộc là các tấm vé học bơi cho người thân, bạn bè học viên.  
 
Sau gần 2 năm đóng cửa vì tác động của dịch bệnh COVID-19, Hồ bơi 72 gần đây mới mở cửa trở lại, tuy nhiên ngay sau khi mở cửa lượng học viên đã tăng lên rất nhanh. Chỉ riêng trong dịp hè vừa rồi đã có khoảng 500 người đến học bơi nơi đây, chủ yếu là học sinh các trường học trên địa bàn.
 
Và dù mới hoạt động với thời gian không lâu nhưng rất nhiều học viên của Hồ bơi 72 đã giành được thành tích tại các giải bơi lội của tỉnh. Điển hình như tại Giải bơi Học sinh toàn tỉnh được Sở Giáo dục Đào tạo Lâm Đồng phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức trong tháng 7/2022 vừa qua tại Đức Trọng, trong số 28 huy chương mà đoàn Đức Trọng giành được thì đã có 23 huy chương thuộc về các học viên được anh Dũng huấn luyện.
 
Không dừng lại với một hồ chuyên dạy bơi, anh Dũng chị Lan cho biết sắp đến, gia đình anh chị sẽ tiếp tục đầu tư khoảng 2 tỷ đồng để xây dựng thêm một hồ bơi khác. Hồ bơi mới này sẽ được xây ngoài trời theo kiểu hồ bơi vô cực, nhìn ra phía sau nhà bao quát cả một vùng ruộng vườn rất đẹp. “Hồ xây trong nhà vừa rồi chỉ theo kích thước hồ để dạy bơi, còn hồ này rộng hơn và dài hơn, là hồ nước mặn vì áp dụng công nghệ điện phân muối, rất an toàn cho người bơi. Khi hoàn tất có thể dùng để dạy bơi và tổ chức các giải thi đấu”, chị Lan cho biết.
 
VIẾT TRỌNG