World Cup 2022: Bóng đá châu Á - Nỗ lực thôi chưa đủ

07:11, 30/11/2022
(LĐ online) - Đã từng có hy vọng, đã từng có những mộng mơ nhưng nay, hiện thực phũ phàng đang đến với các đội bóng châu Á. Đó là "chiếc áo” World Cup vẫn còn quá rộng với châu lục đông dân nhất thế giới.
 
Thất bại của Iran trước Mỹ khiến người hâm mộ châu Á dần hết mơ mộng. Ảnh: Internet
Thất bại của Iran trước Mỹ khiến người hâm mộ châu Á dần hết mơ mộng. Ảnh: Internet
 
Người ta thường nói, không ai đánh thuế giấc mơ. Điều này xuất phát từ những mộng mơ trong cuộc sống. Khi con người không có đủ đầy, họ mơ về cuộc sống sung túc. Và khi thiếu thốn bất cứ điều gì đó, họ mơ có được, chinh phục nó.
 
Bóng đá cũng vậy. Nó là phần trong cuộc sống. Tất nhiên, khi giấc mơ không đánh thuế, chúng ta có thể mơ cao, mơ xa với những hoài bão, giấc mộng lớn. Thực tế, cách đây 20 năm, khi lần đầu tiên World Cup về với châu Á, không một ai có thể ngờ đến, trong bối cảnh khoảng cách, trình độ quá chênh lệch với các khu vực khác, Hàn Quốc lại lọt đến bán kết.
 
Tròn 2 thập kỷ, sân chơi bóng đá lớn nhất hành tinh trở lại với châu Á, ở mảnh đất đầy nắng, cát Qatar, tất cả lại mơ giấc mơ lớn. Đó là các đại diện của châu lục chủ nhà sẽ cất vang tiếng hát, giòn tan giữa sự sa hoa, công trình kiến trúc đồ sộ, không tưởng tại Doha.
 
Niềm tin đó có cơ sở khi châu Á đang xích lại gần với thế giới. Những năm qua, tầng tầng lớp lớp các ngôi sao khu vực đã chinh phục các giải vô địch hàng đầu thế giới ở châu Âu. Từ Nakamura, Hidetosi Nakata, Park Ji Sung, Shinji Kagawa... cho đến lứa cầu thủ hiện tại như Son Heung Min, Sardar Azmoun, Mehdi Taremi, Takumi Minamino, Kim Min Jae... 
 
Họ đã làm tự hào dòng máu Á châu khi đang là trụ cột ở các câu lạc bộ tên tuổi ở châu Âu. Rõ ràng, điều này tác động rất lớn đến chất lượng của các đội tuyển quốc gia và tăng thêm chỉ số giấc mơ cho người hâm mộ.
 
Thậm chí, ngay cả “tân binh” Qatar cũng được kỳ vọng tạo nên một câu chuyện cổ tích nào đó ở lần đầu tham dự World Cup. Hàng triệu đô la đổ ra để nâng cấp đội hình, nâng cao chất lượng đội bóng trong suốt cả hơn 1 thập kỷ chỉ để phục vụ cho World Cup 2022.
 
Sự đầu tư đó cho thấy tham vọng quyết liệt chuyển mình của nền bóng đá chưa được đánh giá cao ở châu Á. Nhưng, nó sẽ thúc đẩy và khiến cả thế giới nhìn về châu lục đông dân nhất thế giới với ánh mắt khác.
 
Thế nhưng, suy cho cùng, thước đo lớn nhất để đánh giá vẫn nằm ở thành tích. Đã có lúc, tất cả mơ mộng về những chú “ngựa ô” hay câu chuyện cổ tích tại xứ Ả rập huyền bí. Đó là khi Nhật Bản đánh bại Đức, Saudi Arabia hạ gục Argentina, Iran quật ngã Xứ Wales hay Hàn Quốc cầm chân Uruguay.
 
Nhìn vào đó, chúng ta có thể mơ cao chứ? Cũng đúng thôi bởi chưa có kỳ World Cup nào, các đội bóng châu Á lại trỗi dậy mạnh mẽ như lần này. Nhưng rồi, hiện thực phũ phàng đã và đang kéo những người mơ mộng trở lại mặt đất. Các đội bóng của châu lục chủ nhà dần rơi rụng.
 
Qatar liên tục bị gắn với lần đầu tiên tệ hại nhất. Họ là đội chủ nhà đầu tiên thua ngay trận khai mạc, là đội chủ nhà đầu tiên sớm bị loại và là đội chủ nhà có thành tích tệ hại nhất khi thua cả 3 trận. Đó, hàng triệu đô la đổ vào chỉ để giải đáp cho câu hỏi, bóng đá Qatar đang ở đâu và họ vẫn là nền bóng đá tầm thường so với bình diện thế giới.
 
Nếu Qatar bị loại là kết cục đã được báo trước thì Iran đã tự tay đánh rơi cơ hội lần đầu vượt qua vòng bảng. Đội bóng của HLV Carlos Queroz chiếm ưu thế lớn trước Mỹ ở lượt trận cuối. Chỉ cần hòa, họ sẽ cùng Anh vào vòng 1/8. Nhưng không, Iran thất bại vì họ không có "máu” World Cup trong người. Sự thiếu kinh nghiệm khiến Iran dừng bước. 
 
Hai đội bóng châu Á bị loại phơi bày hiện thực của châu lục. Rằng, sân chơi World Cup không hề đơn giản. Và tất nhiên, khi giấc mơ không ai đánh thuế, chúng ta mơ các đại diện còn lại tạo nên cơn địa chấn.
 
Nhưng khó, Hàn Quốc mới chỉ có 1 điểm. Để họ vượt qua Bồ Đào Nha ở trận cuối và giành vé vào vòng 1/8, chẳng khác nào lấy cả Paris bỏ vào cái chai. Câu chuyện này dường như không tưởng, nếu xét về tương quan lực lượng, bề dày thành tích của hai nền bóng đá.
 
Nhật Bản hay Saudi Arabia đều có quyền tự quyết. Tuy nhiên, họ đứng trước thử thách lớn. Nếu vượt qua, họ sẽ là lá cờ đầu, phất cao hiện ngang giữa đêm Qatar huyền ảo. Nhưng, nếu không vượt qua, đó cũng là điều bình thường khi châu Á vẫn chưa phải là cái nôi của bóng đá thế giới.
 
Rõ ràng, trong 20 năm qua, bóng đá châu Á có sự chuyển mình mạnh mẽ. Nhưng, nỗ lực thôi là chưa đủ. Nó còn đến từ nhiều yếu tố khác. Là truyền thống, cách làm bài bản, con người, kinh nghiệm... Tựu chung, để vươn mình, thời gian chính là câu trả lời với châu lục chủ nhà của kỳ World Cup này còn hiện tại, châu Á đã trở về mặt đất sau một vài giây phút bay bổng.
 
HOÀNG SA