Đam Rông: Nhiều mô hình hiệu quả trong thực hiện bình đẳng giới

THÂN THU HIỀN 06:25, 08/02/2023

Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, thời gian qua, huyện Đam Rông đã thực hiện có hiệu quả Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030.

Một buổi đối thoại giữa Hội LHPN Đam Rông với hội viên, phụ nữ
Một buổi đối thoại giữa Hội LHPN Đam Rông với hội viên, phụ nữ

ĐƯA VÀO THỰC TIỄN

Bà Nguyễn Thị Hồng Thuyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đam Rông cho biết, trong quá trình triển khai Dự án 8, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã chọn xã Liêng S’rônh làm điểm Mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” và xã Đạ M’rông làm điểm Mô hình “Tổ, nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0”. Qua đó, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Đam Rông đã chỉ đạo Hội LHPN 2 xã khảo sát và lập danh sách các thành viên tham gia mô hình theo hướng dẫn của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh.

Tại xã Liêng S’rônh, Mô hình “Địa chỉ tin cậy” được Hội LHPN xã triển khai hiệu quả. Với ý nghĩa trợ giúp pháp lý cho chị em phụ nữ, đồng thời tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực, bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin. Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng. Mô hình đã thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ. Các nạn nhân đã mạnh dạn tố cáo hoặc nhờ các cơ quan, ngành chức năng can thiệp, xử lý khi có các vụ việc xảy ra..., từ đó giúp các ngành chức năng kịp thời giải quyết, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

Qua thời gian triển khai hoạt động, mô hình đã khẳng định được sự cần thiết và hữu ích đối với cộng đồng, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đặc biệt là bảo vệ chị em phụ nữ, những người yếu thế trong xã hội, tránh khỏi bạo lực gia đình, góp phần thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

Hay tại xã Đạ Tông với 1.670 hội viên Hội LHPN, trong đó 95% hội viên là người đồng bào DTTS, nhằm tạo điều kiện để cán bộ, hội viên, phụ nữ trực tiếp lắng nghe, lĩnh hội và nắm bắt những chủ trương của cấp ủy và chính quyền các cấp về nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo xã đối với hội viên, phụ nữ trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội LHPN huyện đã phối hợp với UBND xã Đạ Tông tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn xã.

Tại buổi đối thoại, các hội viên đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan trực tiếp đến đời sống như: Chính sách vay vốn phát triển kinh tế; nhu cầu học nghề; phòng, chống bạo lực gia đình; giải quyết việc làm cho con em sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học; cần tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, duy trì bản sắc văn hóa người Tây Nguyên; trang bị kỹ năng bơi cho trẻ em vùng đồng bào DTTS; chăm sóc sức khoẻ Nhân dân…

Hội LHPN huyện Đam Rông đã tiếp thu những ý kiến, đề xuất của cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở. Phối hợp với các đại biểu trực tiếp tham gia đối thoại trao đổi, giải thích, làm rõ những vấn đề mà các chị em quan tâm. Qua đó, nắm bắt cụ thể hơn tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ về thực hiện nhiệm vụ của Hội LHPN các cấp.

THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ

Chủ tịch Hội LHPN huyện Đam Rông nhấn mạnh, để thực hiện Dự án 8, năm 2022, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã tham mưu UBND huyện kế hoạch triển khai thực hiện tại 27 thôn đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào DTTS của 7 xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông, Đạ R’sal, Liêng S’rônh, Phi Liêng và Đạ K’nàng.

Với 4 nội dung cụ thể gồm tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng, Hội LHPN huyện đã bám sát và áp dụng vào thực tiễn của từng địa phương. 

Nhằm cụ thể hóa Dự án 8, năm 2022, Hội LHPN huyện Đam Rông đã phối hợp với UBND 7 xã thành lập 27 tổ truyền thông cộng đồng tại 27 thôn đặc biệt khó khăn và tổ chức 1 lớp tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức cho các thành viên của các tổ. Đồng thời, từ nguồn kinh phí thực hiện Dự án 8, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã hỗ trợ 27 loa cho 27 tổ truyền thông cộng đồng, qua đó đã tổ chức được 8 cuộc truyền thông tại các xã đặc biệt khó khăn và thôn đặc biệt khó khăn với trên 2.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân tham gia với những nội dung như an toàn giao thông, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em, phòng, chống buôn bán người, phòng, chống ma túy, phòng, chống lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng...

Cũng trong thời gian qua, Hội đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND các xã Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M’rông và Đạ R’sal thành lập Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đến nay, các đơn vị đã thành lập được 4 câu lạc bộ với 120 thành viên và tổ chức 1 lớp tập huấn là các học sinh độ tuổi từ 10 - 16 tuổi đang học tại các trường THCS trên địa bàn của 4 xã.