Bến xe… ''đói'' xe (bài 1)

N.NGHĨA - T.TRANG 06:37, 31/03/2023

Trước đây, tại các bến xe khách thường diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà xe để có được một “lốt” trong bến. Song, những năm gần đây, nhiều bến xe tại Lâm Đồng lại đìu hiu, vắng vẻ, “đói” khách, bởi tình trạng xe bỏ bến, cho dù đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng, cùng khu vực nhà chờ khang trang, sạch sẽ. 

Bến xe “đói” xe
Bến xe “đói” xe

Dù được đầu tư khang trang, nhưng thời gian qua, nhiều bến xe khách nằm cạnh Quốc lộ 20 và 27, qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, những tuyến đường có lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc, luôn trong tình trạng vắng vẻ, đìu hiu. Trong khi đó, ngay trước cổng các bến xe, hoạt động vận tải hành khách vẫn diễn ra nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm. 

BẾN XE KHÔNG XE

Sáng cuối tuần, chúng tôi tìm đến bến xe khách huyện Đơn Dương. Bến xe khá khang trang, nằm cạnh QL 27, địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Cung đường này khá rộng rãi, thuận tiện vì đây là tuyến chính nối huyện Đơn Dương với đèo Sông Pha đi các tỉnh phía Bắc và QL 20 đi các tỉnh phía Nam. Trái ngược với hình ảnh xe cộ qua lại nhộn nhịp phía ngoài đường, bến xe vắng tanh, không một xe khách nào trong bãi chờ. Phòng bán vé cũng đóng cửa im ỉm. Đi một vòng, chúng tôi chỉ thấy ba xe tải đang đậu nhờ trong bến để chờ nhận hàng. 

Đang ngồi quán nước trong bãi xe, chúng tôi chứng kiến một hành khách trung niên đeo ba lô đi vào bến tìm hỏi mua vé đi TP Hồ Chí Minh. Anh quản lý bến xe từ trong quán nước bước ra tiếp chuyện, rồi ngượng ngùng giải thích: “Hiện trong bến không có nhà xe nào bán vé”. Nói đoạn, anh lật sổ tìm số điện thoại của một nhà xe có xe đăng ký vào bến, nhưng cả tuần nay không thấy vào và gọi hỏi vé giúp vị hành khách. Khoảng 20 phút sau, nhà xe cho xe đến trước cổng bến xe rồi gọi điện cho khách ra và đón đi, chẳng vào bến.

Không hài lòng với cách hành xử của nhà xe, nhưng có vẻ như anh quản lý bến xe cũng không mấy bất ngờ, bởi chắc là chuyện cũ bấy lâu?! Quả thật, anh quay sang chúng tôi: “10 năm nay rồi, lâu thành quen. Bến xe này mỗi ngày đã quen việc phải chứng kiến các nhà xe chạy qua, chạy lại trên tuyến đường này đón khách mà không vào bến. Chúng tôi cũng nhiều lần ý kiến và phối hợp tìm lời giải “tại sao xe không vào bến?”, nhưng đành chịu”. Trước khi rời đi, anh không quên “chốt” lại nỗi niềm: “Chục năm nay, bến vẫn vắng xe đều tất cả các ngày trong năm”.

“MẮC KẸT” VÌ XÃ HỘI HÓA BẾN XE?

Từ chủ trương khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng bến xe của tỉnh Lâm Đồng, Công ty TNHH Tá Lợi đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng xây dựng bến xe khách Đơn Dương thành bến xe loại 3, công suất khai thác 30 xe/giờ, ở vị trí cửa ngõ thị trấn Thạnh Mỹ, với nhiều tiện ích phục vụ hành khách và nhà xe trên tuyến đường huyết mạch. Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, bến xe này vẫn đìu hiu, “đói” xe, trong khi xe khách hàng ngày vẫn nườm nượp qua lại trước cổng bến xe.

Công ty này cũng đã đầu tư 30 tỷ đồng để xây dựng bến xe khách huyện Di Linh. Bến xe loại 3, diện tích 9.000 m2 và đưa vào vận hành từ tháng 5/2022 với đầy đủ hạ tầng sân bãi, nhà đón trả khách, phòng vé, cổng ra vào và cả khu vệ sinh cho người khuyết tật nhưng cũng chung cảnh ngộ, không có xe khách vào bến… Ông Đoàn Như Chinh, quản lý bến xe Di Linh, cho biết: “Từ ngày vận hành tới nay, bến chưa có xe khách nào vào đậu đỗ, đón trả khách hoặc lấy lệnh xuất bến theo quy định. Việc các nhà xe đón, trả khách qua các trạm tạm không đảm bảo các quy định cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, rất nguy hiểm, nhất là trên tuyến QL 20 với mật độ phương tiện dày đặc”. 

Qua tìm hiểu, hiện, trên địa bàn huyện Đơn Dương có khoảng 12 nhà xe hoạt động, mỗi ngày có trên 40 lượt xe đi và về các tuyến ngoại tỉnh, nhưng chỉ có 3 nhà xe vào lấy “lệnh” tại bến, còn lại hoạt động trá hình từ năm này qua năm khác. Còn tại Di Linh, có khoảng 10 đầu xe khách các tuyến, nhưng hầu như không đăng ký hoạt động tại bến xe, mà chủ yếu hoạt động theo kiểu “xe dù, bến cóc”; mỗi ngày khoảng 65 hành khách trên 9 chuyến xe đường dài, xuất phát từ bến xe Miền Đông mới, trung bình chỉ 7 khách/xe. 

Điều đáng nói, các bến xe khách này đều nằm ở những vị trí thuận tiện, đường sá rộng rãi, dễ ra vào, dân cư đông đúc, nhưng chẳng hiểu tại sao các nhà xe vẫn không muốn vào bến. Còn người dân thì chọn phương án thuận tiện, và bến thì lại đìu hiu… Nghịch lý trên sẽ tiếp tục kéo dài, nếu thiếu những động thái quyết liệt và đồng bộ của các ngành chức năng.

(Còn nữa)