Những bài học kinh nghiệm từ việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Lâm Đồng

HÀ NGUYỆT 06:00, 15/03/2023

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình Giám sát năm 2023, Nghị quyết và Kế hoạch của Đoàn Giám sát Quốc hội về chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng"; trên tinh thần chỉ đạo chung của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng đã hoàn tất công tác giám sát nội dung huy động nguồn lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và đã giúp ngành Y tế rút ra nhiều bài học có giá trị.

Kỳ II: Bài học kinh nghiệm có giá trị từ phòng, chống dịch Covid-19

Đại diện Phòng khám Đa khoa khu vực Lộc Thanh, TP Bảo Lộc báo cáo với Đoàn Giám sát
Đại diện Phòng khám Đa khoa khu vực Lộc Thanh, TP Bảo Lộc báo cáo với Đoàn Giám sát

Báo cáo của UBND tỉnh đã đánh giá được những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19. Đó là, nguồn lực ngành Y tế, trong đó có nhân lực, điều kiện của y tế cơ sở vừa thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch, điều tra, truy vết, điều trị cho người bị nhiễm, tiêm vắc xin phòng COVID-19; đồng thời, vẫn tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ y tế khác nên nguồn nhân lực bị phân tán, cán bộ y tế luôn trong tình trạng quá tải. Trong điều kiện đó, ngành Y tế cần được quan tâm hơn về chế độ, chính sách, năng lực chuyên môn, trang thiết bị mới có thể đáp ứng được yêu cầu “4 tại chỗ” trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Việc thiếu nguồn vắc xin phòng COVID-19, việc phân bổ lúc không có, lúc dồn dập, khoảng cách giữa các đợt ngắn và một số lô vắc xin nhận về có hạn sử dụng ngắn đã gây áp lực cho địa phương, rất bị động trong kế hoạch tiêm ngừa. Một số nơi chưa quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch; công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện phòng, chống dịch chưa đồng đều, chưa nhất quán; có nơi, có lúc chưa có sự phối hợp giữa các lực lượng chưa nhịp nhàng, đồng bộ.

Về công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch cơ bản đảm bảo thực hiện theo đúng quy định; kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước được cấp phát kịp thời đến các cơ quan, địa phương đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc quản lý, sử dụng kinh phí, hiện vật huy động theo đúng quy định. Qua kết quả kiểm toán chuyên đề của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và thanh tra của Thanh tra tỉnh cho thấy việc triển khai, thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch còn lúng túng, có trường hợp chưa đúng quy định, trùng lắp, thiếu thống nhất, sử dụng không đúng mục đích. Những tồn tại, hạn chế qua kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đã được chỉ rõ và đề nghị xem xét, khắc phục. Riêng đối với kiến nghị của KTNN về việc nộp kinh phí huy động mua vắc xin số tiền hơn 62 tỷ đồng từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về Quỹ Vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ do Bộ Tài chính quản lý hiện địa phương đang đề nghị xem xét lại.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Quốc Minh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết: Về sự khó khăn trong công tác mua sắm, nhu cầu vật tư phòng, chống dịch liên tục thay đổi dẫn đến không thể dự trù, có kế hoạch mua sắm với số lượng phù hợp cho công tác phòng, chống dịch. Viên chức y tế chưa có kinh nghiệm và kỹ năng đấu thầu, mua sắm, nhất là trong giai đoạn phòng dịch cần mua sắm cấp bách vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong giai đoạn dịch bệnh, tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng hoá, sự khan hiếm hàng hoá làm giá sinh phẩm, vật tư y tế, phương tiện bảo hộ, trang thiết bị y tế có thời điểm tăng giá rất cao, một số sinh phẩm, vật tư chưa có giá công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế tại thời điểm đấu thầu. Về lương và chế độ phụ cấp cho viên chức y tế chống dịch còn thấp chưa đảm bảo đời sống. Đội ngũ nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn, cường độ và áp lực công việc cao, môi trường làm việc căng thẳng, lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch chịu áp lực cao về sức khoẻ, thời gian. Mặt khác, vì dịch COVID-19 diễn ra chưa có tiền lệ nên còn nhiều vướng mắc, bất cập trong chính sách cách ly y tế, cách ly tập trung, điều tra, truy vết…, nhất là thời điểm quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Đoàn giám sát cũng yêu cầu ngành Y tế nên đổi mới công tác y tế dự phòng, thực hiện các giải pháp đột phá về nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, phát triển các kỹ thuật y khoa chuyên sâu; nâng cao thu nhập nhân viên y tế bằng các giải pháp theo quy định. Tích cực, tuyên truyền chủ động trong công tác phòng ngừa các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm,… Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, nhất là đối tượng trẻ em từ 5 đến 12 tuổi.

Ông Phan Văn Đồng - Trưởng Trạm Y tế xã Đạ Tồn, huyện Đạ Huoai cho biết: về kết quả tiêm vắc xin ngừa COVID-19, tỷ lệ tiêm là 95,63% (tương ứng đã có 1.225 người dân được tiêm vắc xin), trong đó tiêm mũi 4 đạt 72,57% (tương ứng 701 người dân trong toàn xã được tiêm). Xã đã thành lập các Tổ bảo vệ vùng xanh và kiểm tra giám sát phòng dịch, huy động 844 triệu đồng từ nhiều nguồn lực để chi hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, các chốt trực… Mọi công tác phòng, chống dịch trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 đều được đảm bảo đúng quy định; huy động được nguồn nhân lực và toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch hiệu quả, giúp xã trở thành vùng xanh của huyện, đươc tỉnh, huyện tuyên dương. Việc sử dụng trang thiết bị, đồ bảo hộ, vật tư y tế phòng, chống dịch đảm bảo đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế các chế độ phụ cấp, cơ chế chính sách ưu đãi nghề quá thấp do đó chưa thu hút cán bộ y tế gắn bó với nghề, đội ngũ cán bộ y tế thôn, bản thường xuyên biến động cần phải đào tạo lại. 

Trước những khó khăn, bất cập phát hiện sau giám sát, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị đối với UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương, ngành Y tế tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp, khẩu hiệu hành động thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Xem xét ban hành những chính sách đặc thù của địa phương để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho các cơ sở y tế công, giữ chân bác sỹ, nhân viên y tế tại tuyến y tế cơ sở. Xây dựng trình HĐND tỉnh thông qua đề án nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở tại tỉnh Lâm Đồng, trong đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, từ y sĩ đang công tác tại tuyến huyện, tuyến xã học liên thông lên bác sỹ; đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng. Có chính sách, chế độ thu hút và hỗ trợ đối với nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên y tế có trình độ cao. Quan tâm phân bổ nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng...

Đề nghị quan tâm thực hiện việc thanh toán, quyết toán nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 cho các đơn vị còn thiếu các nhà thầu, chuyển nguồn… 

Đoàn ĐBQH sẽ tổng hợp kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục xem xét, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở y tế trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế; điều chỉnh những bất cập trong một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế về công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế bảm đảo phù hợp quy định của pháp luật và tình hình thực tế. Sớm ban hành Thông tư hướng dẫn việc mua sắm trang thiết bị y tế theo quy định mời thầu công khai về khung đầu ra của chức năng thiết bị, khung cấp hình kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng theo nhóm nước phát triển. Tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia một số loại vật tư, sinh phẩm, hóa chất có số lượng và giá trị sử dụng lớn có yếu tố đặc thù liên quan đến công tác phòng, chống dịch (điển hình như trong đại dịch COVID-19 vừa qua).

Đoàn đề nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện và trình Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023). Nâng cao năng lực nhân lực y tế cơ sở, y tế dự phòng. Có cơ chế, chính sách động viên, thu hút, giữ chân nhân lực của ngành Y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; động viên tinh thần của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Y tế sau giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua. Cụ thể đề nghị xem xét, sớm sửa đổi các quy định của Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Đề nghị tăng mức phụ cấp vì so với nhu cầu thực tế, chế độ phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động trong các cơ sở y tế công lập hiện nay quá thấp. Sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, tăng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cho nhân viên y tế, trong đó có nhân viên y tế cơ sở. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản theo hướng bổ sung đối tượng nhân viên y tế tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn cũng được hưởng chế độ phụ cấp này. Ưu tiên nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương, dành tối thiểu 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, ưu tiên phân bổ cho trạm y tế xã theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội. 

Cần có phương án xử lý đối với thuốc, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 còn tồn dư so với nhu cầu bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí; tiếp tục giám sát chặt chẽ dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác để chủ động có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hướng dẫn các địa phương thực hiện để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Chính phủ cần có quy định riêng đối với công tác mua sắm trang thiết bị, hoá chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác. Tiếp tục chỉ đạo ngành Y tế để sớm có giải pháp nhằm bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tăng cường cho y tế dự phòng ở cơ sở thuốc, hóa chất để kịp thời xử lý khi xảy ra dịch bệnh.


Những bài học kinh nghiệm từ việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Lâm Đồng (kỳ 1)