Những bài học kinh nghiệm từ việc huy động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 tại Lâm Đồng (kỳ 1)

HÀ NGUYỆT 04:55, 14/03/2023

Kỳ I: Dấu ấn đặc biệt được Nhân dân ghi nhận

Sau hơn 2 năm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thực hiện đúng, kịp thời các quy định chính sách tài khóa, tiền tệ theo nghị quyết của Quốc hội và quy định của Chính phủ. Kết quả huy động, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn năm 2020-2022, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng đã dành gần 895 tỷ đồng để chi thực hiện phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động...

Đoàn ĐBQH giám sát, khảo sát thực tế tại một cơ sở y tế ở huyện Đạ Huoai
Đoàn ĐBQH giám sát, khảo sát thực tế tại một cơ sở y tế ở huyện Đạ Huoai

Qua 4 đợt dịch COVID-19 từ năm 2020 đến trung tuần tháng 2/2023, tỉnh Lâm Đồng đã thu dung và điều trị cho 138.050 trường hợp, xuất viện 137.695 trường hợp, đang điều trị 191 trường hợp, đi về địa phương khác 16 trường hợp; có 148 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,11%, thấp hơn so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (0,4%).

Tỉnh đã ban hành tổng cộng 200 văn bản liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh; trung bình UBND cấp huyện ban hành khoảng 70 văn bản.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và các văn bản trong điều kiện phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ tại địa phương đề triển khai các biện pháp phòng, chống dịch là kịp thời, hiệu quả, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, toàn diện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; địa phương đã có những văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch, trong đó các giải pháp, biện pháp kiểm soát, giãn cách xã hội, cách ly được triển khai sớm hơn một bước và cao hơn một mức so với yêu cầu, khuyến cáo đã mang lại hiệu quả thiết thực, không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 rất đáng ghi nhận. Đó là việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất: Theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, trong năm 2021 đã thực hiện đối với 611 trường hợp cùng số tiền được gia hạn là 277,7 tỷ đồng; tính vào chi phí được trừ các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền gần 3,2 tỷ đồng của 7 doanh nghiệp.

Thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh,theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định chi tiết thi hành theo Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ, đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền 10,3 tỷ đồng của 428 trường hợp kê khai. Miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh: 98,3 tỷ đồng của 22.589 trường hợp. Giảm thuế giá trị gia tăng với số tiền 10,5 tỷ đồng của 536 trường hợp. Miễn tiền chậm nộp, tính tới 30/6/2022 miễn 13,3 tỷ đồng đối với 38 trường hợp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo - Trưởng Đoàn giám sát đánh giá cao kết quả huy động, sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn năm 2020-2022, trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng đã dành gần 895 tỷ đồng để chi thực hiện phòng, chống dịch và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Năm 2020: 180,8 tỷ đồng; năm 2021: 604 tỷ đồng; năm 2022 (đến 15/11/2022): khoảng 110 tỷ đồng.

Thực hiện huy động các tổ chức, cá nhân đóng góp 227,8 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật quy đổi tiền); cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả hỗ trợ người dân TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.

Trong đó, tổng số tiền ngân sách chi phòng, chống dịch chiếm 50,12% (448,6 tỷ đồng); chi hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn chiếm 43,17% (386,4 tỷ đồng); chi xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19, mua sắm thiết bị chẩn đoán hình ảnh và trang thiết bị cho 2 khu điều trị cách ly người bệnh COVID-19 chiếm 6,69% (59,9 tỷ đồng).

Về nhân lực tham gia phòng, chống dịch, trong thời điểm dịch bệnh diễn ra, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn, tổ dân phố, điểm dân cư vào cuộc. Trong đó, nguồn nhân lực trong các ngành Y tế, Quân đội, Công an, cán bộ, công chức, viên chức các cấp đều được huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát, khu cách ly, điểm tập kết hàng hóa, khu thu dung. Riêng lực lượng y tế có hơn 5.000 người tham gia phòng, chống dịch trong tỉnh và hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam trong thời điểm bùng phát dịch.

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, tỉnh đã triển khai và phân bổ 54 đợt vắc xin phòng COVID-19; ngành Y tế đã tổng hợp toàn bộ năng lực tiêm chủng của các cơ sở y tế trong toàn ngành với 1.485 nhân viên y tế/164 điểm tiêm với 206 bàn tiêm, 1 ngày trung bình có khả năng tiêm được cho 40.000 người. Đến hết ngày 11/12/2022, tỉnh Lâm Đồng đã nhận 4.172.558 liều vắc xin; đã tiêm: 4.212.735 liều, đạt tỷ lệ 100,96%, trong đó: Số đã tiêm 1 mũi là 1.310.935 người (đạt 92,79%); số tiêm đủ 2 mũi: 1.287.347 người (99,75%); số tiêm liều bổ sung 566.438 người; số tiêm mũi 3: 801.709 người; số tiêm mũi 4: 246.306 người.

(Còn nữa)