Những vấn đề đặt ra trong thực hiện công tác định canh, định cư

NGỌC NGÀ 06:03, 21/03/2023

15 trong tổng số 23 dự án định canh, định cư (ĐCĐC) trên địa bàn toàn tỉnh đã hoàn thành. Điều này đã góp phần quan trọng trong ổn định đời sống người dân tại các khu vực cần ĐCĐC. Đồng thời, mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển ở các khu vực này. Song vẫn còn những vấn đề đặt ra cần tháo gỡ để các dự án ĐCĐC đang tiếp tục  thực hiện sẽ đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Công tác ĐCĐC đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đời sống dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông
Công tác ĐCĐC đã góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đời sống dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đam Rông

Theo thông tin thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có 23 dự án ĐCĐC với tổng vốn trên 168 tỷ đồng, quy mô bố trí cho 1.376 hộ. Trong đó có 15 dự án hoàn thành và 8 dự án đang tiếp tục được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. 

Trong đó 15 dự án đã hoàn thành có 5 dự án ĐCĐC tập trung được thực hiện tại thôn Láng Mít, xã Tà Năng và làng Bong Tiêng, xã Tà Hine, huyện Đức Trọng;  Thôn 6, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm; thôn Ka Đô 2, xã Ka Đô, huyện Đơn Dương; Tiểu khu 264, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà với tổng mức đầu tư  41,841 tỷ đồng, bố trí cho 301 hộ, đạt 100%. Và có 10 dự án ĐCĐC xen ghép hoàn thành với tổng mức đầu tư 59,275 tỷ đồng, bố trí cho 469 hộ được tiến hành tại các huyện Đức Trọng, Bảo Lâm, Lạc Dương, Đam Rông, Đơn Dương.

Ghi nhận tại Ban Dân tộc tỉnh, việc 15 dự án trên được hoàn thành là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo tỉnh và sự phối hợp tích cực triển khai tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, các địa phương và đặc biệt là sự đồng thuận từ phía người dân.

Căn cứ vào kết quả kiểm tra thực tiễn, Ban Dân tộc tỉnh đánh giá, việc thực hiện các dự án đầu tư và bố trí, sắp xếp dân cư vào các vùng dự án tập trung đã góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện cho địa phương quản lý được dân cư, hạn chế việc phá rừng, sử dụng tài nguyên đất đai ngày càng hợp lý, xây dựng được các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất, văn hóa, tinh thần cho người dân. Tình hình dân di cư tự do đã giảm, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, trật tự tại địa phương. 

Việc đầu tư các dự án bố trí dân cư giúp ổn định dân cư, đầu tư, nâng cao các cơ sở thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, hồ chứa nước, giếng khoan cấp nước sinh hoạt… góp phần đảm bảo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; bên cạnh đó, giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, truyền thông… Việc bố trí sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của các địa phương.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, hiện, một số điểm tái định cư, người dân đã đến sinh sống nhưng còn thiếu công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là giao thông, điện, nước sinh hoạt… nên đời sống bà con còn nhiều khó khăn, chưa thực sự ổn định bền vững. Cơ sở hạ tầng của một số dự án chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng đến việc bố trí, sắp xếp ổn định đời sống cho các hộ dân hưởng lợi trong vùng dự án; nhất là việc các hộ chưa được hưởng các chính sách về đất ở, nước sinh hoạt nông thôn.

Hiện nay, 8 dự án đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2022 - 2025 được triển khai tại: thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương; Thôn 6, xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên; buôn Con Ó (nay là Thôn 8), xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh; Tiểu khu 72, xã Đạ Long, huyện Đam Rông; Thôn 4, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm; Thôn 5, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương và thôn Hàng Làng, xã Gung Ré, huyện Di Linh. Đây là các dự án được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của UBND tỉnh.

Trên cơ sở những hạn chế còn tồn tại ở các dự án trước, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh để có những giải pháp cụ thể nhằm tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng làm nền tảng để người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ổn định an ninh trật tự xã hội; đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù cho người dân tộc thiểu số, cơ chế huy động vốn đối ứng trong xây dựng nông thôn mới, vì hiện nay, để huy động được nguồn vốn đối ứng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Tiến hành lồng ghép các chương trình, dự án và các chính sách để hỗ trợ người dân tái định cư phát triển ổn định sản xuất, đào tạo nghề; tiếp cận bình đẳng các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm: giáo dục, y tế, nhà ở, nguồn nước và vệ sinh, thông tin) tại nơi ở mới, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực tái định cư.

Thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn thực hiện các dự án, trong đó ngân sách nhà nước đóng vai trò quyết định; huy động hợp lý các nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa phương; đảm bảo tỷ lệ đối ứng của địa phương và trách nhiệm tham gia của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Công tác ĐCĐC đã đem lại những thay đổi nhiều mặt trong đời sống nhiều cộng đồng dân cư. Trước những yêu cầu của tình hình thực tiễn cũng như nhu cầu phát triển, công tác ĐCĐC cần tiếp tục được thực hiện hiệu quả để ổn định và từng bước nâng cao đời sống Nhân dân.