Nông dân trẻ làm giàu từ trồng rau an toàn

NHẬT MINH 05:18, 17/03/2023

Đang đi làm cho một Metro chuyên về rau, củ có thu nhập ổn định, Nông Kim Thảo (sinh năm 1988), ngụ tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, bất ngờ nghỉ việc, chuyển hướng làm… nông dân. Vượt qua những khó khăn ban đầu, vợ chồng Thảo đã và đang thực hiện được ước mơ nông nghiệp sạch, với thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm; đồng thời, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Nông Kim Thảo (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn công nhân đóng gói sản phẩm
Nông Kim Thảo (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn công nhân đóng gói sản phẩm

Chúng tôi hẹn gặp Nông Kim Thảo giữa lúc Thảo đang bận rộn hướng dẫn công nhân đóng gói các đơn hàng để kịp vận chuyển trong ngày cung cấp cho các công ty tại TP Hồ Chí Minh và miền Trung. Sau khi đã hoàn thành đâu vào đó công việc, Thảo lại dành thời gian dẫn chúng tôi tham quan 3 ha vườn rau, với đủ loại như dưa leo bayby, ớt ngọt, xà lách... mà gia đình Thảo đang trồng tại xã N’Thol Hạ.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế năm 2011, Thảo ở lại TP Hồ Chí Minh và xin vào làm nhân viên ngân hàng được khoảng 1 năm thì quyết định quay về Đức Trọng lập nghiệp và xin vào làm cho Metro chuyên về rau, củ. Làm được 2 năm thì Thảo lại một lần nữa nghỉ việc, và quyết định trở thành... nông dân. “Thật tình là lúc tôi quyết định nghỉ việc để về làm nông nghiệp sạch, mọi người ai cũng phản đối, vì đang đi làm ổn định, lương tháng hơn chục triệu, lại nhàn. Mà bản thân tôi lúc đầu khi mới ra trường cũng không có hứng thú hay đam mê gì với nông nghiệp. Nhưng rồi, hình như đam mê đã ngấm từ trong máu từ lúc nào,vì gia đình tôi vốn có truyền thống làm nông nghiệp, và tôi khi quyết định trở thành nông dân, càng làm, càng thấy thích, thấy yêu hơn công việc của mình” - Thảo bộc bạch về những ngày đầu khởi nghiệp.

Sau khi nghỉ việc ở Metro, Thảo lấy chồng và chồng Thảo, anh Hồ Quang Huy cũng từ bỏ nghề xây dựng của mình để cùng Thảo bắt tay làm nông nghiệp sạch. Thảo kể thêm, vốn liếng sau khi kết hôn có được, 2 vợ chồng dành hết để mua đất trồng rau an toàn. Có đất rồi, 2 vợ chồng lại bắt tay học làm nông nghiệp sạch, học từ những người đi trước, tìm hiểu trên mạng và tham gia các lớp đào tạo về quy trình làm nông nghiệp chuẩn VietGAP do Phòng Nông nghiệp huyện tổ chức. Và đến nay, vợ chồng Thảo đã có trong tay 1 ha đất; ngoài ra, 2 vợ chồng còn thuê thêm 2 ha đất và liên kết với khoảng 20 hộ lân cận vườn mình và một số hộ nông dân ở xã Tân Hội, với khoảng 30 ha để trồng nông sản theo chuẩn VietGAP.

Song song với việc tự đầu tư, sản xuất rau sạch theo hướng VietGAP, vợ chồng Thảo còn tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và sản phẩm của các hộ nông dân liên kết. “Những ngày đầu vừa làm, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó, có khi một ngày chỉ kiếm được 100 ngàn đồng, thu nhập khi đó không đủ trang trải cuộc sống và phải mất hơn một năm vợ chồng tôi lúc nào cũng trong tình trạng khó khăn như vậy. Nhiều lúc khó khăn quá, tôi đã từng nghĩ hay là từ bỏ, để kiếm việc làm ở một công ty nào đó, thu nhập sẽ ổn định hơn. Nhưng rồi, tôi lại vực dậy mình, và luôn tâm niệm, tại sao mọi người làm được, mình lại không làm được, vậy là hai vợ chồng lại cùng động viên nhau cố gắng nhiều hơn” - Thảo tâm sự.

Sau hơn một năm loay hoay, từ sự giới thiệu của các anh chị đồng nghiệp cũ, Thảo đã liên hệ với VinEco và như vỡ òa khi VinEco đồng ý ký hợp đồng làm ăn, với gói cung cấp khoảng 2 tấn rau/ngày. Nhớ lại cảm giác lúc đó, Thảo bảo như nhẹ nhõm hết người, và tin rằng, mình sẽ có đầu ra ổn định. Sau hơn 1 năm cung cấp rau sạch cho VinEco, Thảo bắt đầu tìm kiếm các bạn hàng khác. “Sau VinEco, tôi gửi email cho Bách Hóa Xanh và sau khi trực tiếp đến tận vườn thẩm định, Bách Hóa Xanh đã đồng ý ký hợp đồng từ năm 2017 đến nay. Hiện, vợ chồng tôi đã mở rộng thị trường, cung cấp rau sạch cho 6 công ty tại TP Hồ Chí Minh và miền Trung, với trên 40 loại rau, củ, quả với số lượng khoảng 10 tấn/ngày” - Thảo cho biết thêm.

Vừa dẫn chúng tôi tham quan những vườn rau, củ xanh mướt của nông trại, Thảo nói thêm rằng, thực ra, đam mê chính của vợ chồng Thảo là làm nông nghiệp hữu cơ và cách đây 2 năm, vợ chồng Thảo cũng đã bắt tay thực hiện đam mê này nhưng lúc đó, gặp nhiều khó khăn khi tìm đầu ra. “Vì người tiêu dùng dù muốn ăn rau sạch, không thuốc nhưng lại muốn rau phải đẹp, không có sâu” - Thảo lý giải cho những khó khăn này, vì vậy, vợ chồng Thảo lại quyết định quay về làm nông nghiệp sạch. “Hiện, vợ chồng tôi cũng dành khoảng 4 sào đất để làm vườn, ao, chuồng và làm thí điểm nông nghiệp hữu cơ, coi như là đầu tư sản xuất trên 3 ha đất rau an toàn để nuôi 4 sào đất trồng thí điểm rau hữu cơ này” - Thảo cười vui nói thêm.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, vợ chồng Thảo còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Tuy nhiên, khi hỏi kinh nghiệm làm ăn của mình, Thảo chỉ khiêm tốn nói rằng: “ Với bản thân tôi, khi quyết định trở thành nông dân, bắt tay làm nông nghiệp sạch, muốn thành công thì đam mê thôi chưa đủ, mà cần phải biết tính toán kỹ với nghề này. Và những gì vợ chồng tôi làm được hôm nay, cũng chỉ là bước đầu của chặng đường khởi nghiệp, đường đi còn dài, vợ chồng tôi còn phải cố gắng nhiều hơn nữa”.