Hiện trạng và hướng quản lý nghĩa trang tại Bảo Lộc

09:03, 11/03/2016

Dân cư thành phố Bảo Lộc có khoảng 160.000 người, sinh sống tại 6 phường và 5 xã. Chỉ trừ phường I, trên địa bàn các phường, xã đều có nghĩa trang. Trước đây, việc hình thành, tồn tại và quản lý các nghĩa trang nhân dân tại các khu dân cư đa số là tự phát. Việc quy hoạch xây dựng và định hướng quản lý chỉ mới bắt đầu trong những năm gần đây.

Dân cư thành phố Bảo Lộc có khoảng 160.000 người, sinh sống tại 6 phường và 5 xã. Chỉ trừ phường I, trên địa bàn các phường, xã đều có nghĩa trang. Trước đây, việc hình thành, tồn tại và quản lý các nghĩa trang nhân dân tại các khu dân cư đa số là tự phát. Việc quy hoạch xây dựng và định hướng quản lý chỉ mới bắt đầu trong những năm gần đây.
 
Một góc Nghĩa trang Liên Tôn (phường Lộc Sơn)
Một góc Nghĩa trang Liên Tôn (phường Lộc Sơn)

Hiện trạng nghĩa trang ở thành phố 
 
Hiện tại, thành phố Bảo Lộc chỉ có 1 nghĩa trang cấp thành phố (do thành phố quản lý) là Nghĩa trang Liệt sĩ, với quy mô diện tích là 3,4ha. Trong các khu vực dân cư có tất cả 35 nghĩa trang, ở khắp các địa bàn phường, xã (chỉ trừ phường I), với tổng diện tích là 53ha. Quy mô đất tại các nghĩa trang nhân dân hầu hết đều nhỏ hẹp, từ một vài sào và rộng nhất cũng chỉ 7,5ha. Do hình thành từ xưa tới nay, nên nhiều nghĩa trang đã đến lúc “quá tải”. Trên địa bàn thành phố hiện có 1 nghĩa trang đã “đóng cửa”; phần lớn các nghĩa trang còn lại diện tích đất còn rất ít, chuẩn bị đóng cửa hoặc chỉ còn vài năm nữa cũng phải đóng cửa vì hết đất chôn cất. 
 
Hiện nay, một thực tế phổ biến tại thành phố Bảo Lộc là cho dù chôn cất ở đâu đi nữa đều phải mua đất đào huyệt cả. Vì cái tâm “nghĩa tử là nghĩa tận”, cho dù giá nào chăng nữa thì hầu như người thân trong gia đình không ai nghĩ ngợi đến, trừ phi quá nghèo hoặc không có tiền. Chính cái “hở” này, ở thành phố Bảo Lộc đã phát sinh hiện tượng bán đất chôn cất tại một số nghĩa địa với các khung giá khác nhau, ngoài tầm kiểm soát!
Trên địa bàn xã Lộc Nga có tới 7 nghĩa trang (ở khắp các thôn), nhiều nhất so với các xã, phường khác của thành phố Bảo Lộc. Tuy nhiên, các nghĩa trang ở đây đều nhỏ, hẹp. Rộng nhất ở xã Lộc Nga là Nghĩa trang thôn Tân Hóa, nhưng cũng chỉ rộng 1,85ha và nhỏ nhất là Nghĩa trang Thanh Lãng (thôn Kim Thanh) chỉ có 0,16ha. Nghĩa trang Thanh Lãng hiện nay gần như đã hết đất chôn cất; còn Nghĩa trang thôn Tân Hóa hiện chỉ còn khoảng 40% diện tích. 
 
Phường Lộc Sơn có 4 nghĩa trang là Nghĩa trang Liên Tôn (7,5ha), Nghĩa trang Lam Sơn (0,59ha) và 2 nghĩa trang của bà con dân tộc thiểu số (hơn 2ha). Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn, trao đổi với chúng tôi: “Đất chôn cất tại các nghĩa trang hiện còn ít. Giả sử sau này hết đất, phường không còn quỹ đất để quy hoạch đất nghĩa trang nữa!”. 
 
Phường II có dân cư đông, nhưng từ trước ngày giải phóng đến nay, chỉ có 1 nghĩa trang duy nhất là Nghĩa trang phường II (ở đường Phan Đình Phùng). Nghĩa trang này có diện tích 4,66ha và việc chôn cất ở đây được phân chia thành các khu vực. Mặc dù chỉ còn dưới 10% diện tích đất chưa chôn cất, nhưng theo khu vực, có những khu vực đã “quá tải”, không còn đất chôn cất từ một vài năm nay. Theo UBND phường II: “Từ năm 2010, UBND thành phố Bảo Lộc đã có Đề án mở rộng quy hoạch Nghĩa trang phường II lên 9ha. Hiện trạng đất nằm trong quy hoạch vẫn còn, nhưng cho đến nay do chưa đền bù cho dân được, nên tại Nghĩa trang phường II có một số khu vực đã bị đóng cửa”. Những người có thân nhân qua đời (lẽ ra được chôn cất trong khu vực đã bị đóng cửa), muốn chôn cất tại Nghĩa trang phường II thì “buộc” phải thỏa thuận với người dân có đất liền kề (đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất) để mua đất mai táng. “Tuy thỏa thuận nhưng thực tế đã có giá cả hẳn hoi. Ở khu vực “đẹp”, ưng ý, cứ 1 lô mộ (khoảng 6 mét vuông) mua với giá “cứng” là 30 triệu đồng. Ai không có tiền hoặc muốn mua với giá rẻ hơn, thì phải đưa thân nhân vào xã ĐamBri chôn cất!” - ông Nguyễn Văn C (một người dân ở phường II) cho chúng tôi biết. 
 
Ngoài ra, theo ông Phan Văn Cương, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Bảo Lộc, điều mà dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay là trên địa bàn thành phố có 1/4 số nghĩa trang nằm trong các khu dân cư tập trung, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị và nông thôn, không còn phù hợp với một thành phố đang phát triển và không phù hợp với quy hoạch mở rộng không gian đô thị của thành phố. Mặt khác, hầu hết các nghĩa trang chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, sử dụng đất; chưa có quy chế quản lý, nên việc quản lý của nhiều nghĩa trang còn lỏng lẻo, một số nghĩa trang chưa có ban quản trang; từ đó, dẫn đến việc chôn cất còn tùy tiện, tự phát, gây lãng phí đất và không đảm bảo mỹ quan. 
 
Hướng quản lý nghĩa trang 
 
Từ hiện trạng và những bất cập nói trên, cuối năm 2009, HĐND thị xã (nay là thành phố) Bảo Lộc đã có Nghị quyết về việc thông qua “Đề án xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang giai đoạn từ nay đến năm 2025”. Theo đó, việc quy hoạch mạng lưới các nghĩa trang phải hợp lý, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật; quy mô diện tích phải đáp ứng nhu cầu sử dụng đất chôn cất, đảm bảo môi trường và cảnh quan, phong tục, tập quán... Nghĩa trang trong thành phố được phân thành 2 cấp: Nghĩa trang cấp thành phố (gồm Nghĩa trang Liệt sĩ và 2 nghĩa trang khu vực) và nghĩa trang cấp xã, phường (nghĩa trang nhân dân). 
 
Đối với nghĩa trang cấp thành phố, Nghĩa trang Liệt sĩ được giữ nguyên theo quy hoạch hiện có. Hai nghĩa trang khu vực đã được quy hoạch: Nghĩa trang khu vực I (tại xã Lộc Thanh) có quy mô diện tích khoảng 30ha, phục vụ nhu cầu chôn cất của các phường I, Lộc Phát, Lộc Sơn và các xã Lộc Thanh, Lộc Nga; Nghĩa trang khu vực II (tại thôn 2, xã Đại Lào) có quy mô diện tích 55,64ha, phục vụ nhu cầu chôn cất của các phường II, B’Lao, Lộc Tiến và các xã Đại Lào, Lộc Châu. Đối với nghĩa trang cấp xã, phường, theo Đề án sẽ dần dần đóng cửa các nghĩa trang gây ô nhiễm và các nghĩa trang không còn đất chôn cất; các nghĩa trang nhân dân vẫn giữ nguyên diện tích hiện có, không được mở rộng thêm. Và, theo quy hoạch phát triển của thành phố, một số nghĩa trang có thể được cải tạo, di dời sau khi đã hình thành 2 nghĩa trang khu vực.
 
Cùng với việc quy hoạch, thành phố Bảo Lộc sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nghĩa trang; đầu tư kinh phí để giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường sá, lưới điện và hệ thống cấp, thoát nước) đến “chân” 2 nghĩa trang khu vực... Đồng thời, thành phố cũng đang khuyến khích “xã hội hóa”, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và quản lý, khai thác các nghĩa trang theo quy hoạch và phương án được duyệt.
 
Trưởng Phòng Quản lý Đô thị thành phố Bảo Lộc Phan Văn Cương cho biết thêm: “Nghĩa trang khu vực II đã lập quy hoạch chi tiết. UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Công viên nghĩa trang làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, Công ty triển khai rất chậm so với tiến độ. Phòng Quản lý Đô thị đang đề nghị UBND thành phố tổ chức kiểm tra. Nếu Công ty cổ phần Công viên nghĩa trang không có kế hoạch triển khai đầu tư thì đề nghị UBND thành phố thu hồi giấy phép. Còn Nghĩa trang khu vực I đã được xác định vị trí trong đồ án quy hoạch. Phòng Quản lý Đô thị đã đề nghị UBND thành phố cho chủ trương lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, lập quy hoạch chi tiết và sau đó sẽ kêu gọi đầu tư”.
 
XUÂN LONG