Rất cần những sân chơi "đúng nghĩa" cho trẻ em nông thôn

08:05, 24/05/2016

Trẻ em ở không ít vùng nông thôn trong tỉnh hiện vẫn mơ về những sân chơi "đúng nghĩa" - an toàn và bổ ích... 

Hè về là dịp để trẻ em được nghỉ ngơi sau một năm học tập đầy căng thẳng. Thế nhưng, đối với trẻ em vùng nông thôn, việc các em tìm được một sân chơi “đúng nghĩa” an toàn và bổ ích lại còn quá khó khăn. 
 
Nhảy dây là trò chơi được trẻ em nông thôn chọn để vui chơi trong ngày hè
Nhảy dây là trò chơi được trẻ em nông thôn chọn để vui chơi trong ngày hè

Ngày hè chơi gì và chơi ở đâu?
 
Hè sắp về, giữa buổi trưa nắng nóng, chúng tôi có mặt tại xã Đạ P’Loa (huyện Đạ Huoai) và chạy xe máy men theo con suối Đạ Huoai chảy qua địa bàn của xã. Lọt vào ống kính của chúng tôi là hình ảnh 8 em nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang tung tăng bơi lội dưới dòng suối vừa được ông trời “tiếp nước” sau cơn nắng hạn. Chúng tôi tới bắt chuyện, em K’Kiệt (13tuổi, ngụ tại thôn 3, xã Đạ P’Loa) tiếp lời: “Từ trước đến nay, hầu như trưa nào chúng cháu cũng rủ nhau ra suối tắm, chứ không riêng gì ngày hè đâu chú. Đứa nào nhỏ thì tắm trong bờ, còn lớn thì bơi ra xa. Đối với ngày hè, vì không đi học nên bọn cháu chỉ biết rủ nhau chơi mấy trò dân gian. Chơi chán rồi, bọn cháu lại cùng nhau ra suối tắm”. Khi tôi hỏi, ai dạy các cháu bơi, thì một em nhỏ đang tắm bên cạnh, hồn nhiên đáp: “Chẳng ai dạy cho chúng cháu bơi cả. Cứ ra suối tắm, uống nước nhiều lần là tự khắc biết bơi thôi chú. Trong số bọn cháu đang tắm ở đây, đứa nào ít nhất cũng uống nước suối 2 - 3 lần rồi”.
 
Anh K’Suối, một người dân thôn 3 (xã Đạ P’Loa), cho hay: “Những ngày trời nắng nóng, trẻ con trong thôn thường ra suối chơi và tắm mát. Từ trước đến nay, con suối này là điểm vui chơi ưa thích của bọn trẻ trong thôn. Nói thật với anh, trẻ em ở đây phải tự mình thích nghi với dòng suối này vì có muốn chơi trò khác thì cũng chẳng có chỗ để mà chơi. Khi nước suối lớn, chúng tôi ngăn không cho bọn trẻ ra tắm, nhưng chúng vẫn trốn đi nên lo lắm”.
 
Để tìm hiểu rõ hơn về việc trẻ em vùng nông thôn “chơi gì và chơi ở đâu” trong ngày hè, chúng tôi tiếp tục tới một số vùng nông thôn khác của 3 huyện phía Nam là Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên. Tại các địa phương như xã Đoàn Kết, Đạ Oai (Đạ Huoai); các xã Hà Đông, Mỹ Đức, Đạ Lây (Đạ Tẻh) và xã Quảng Ngãi (Cát Tiên), thì ngoài việc tắm sông, suối..., chúng tôi còn bắt gặp nhiều nhóm trẻ em cùng tụ tập bên các gốc cây ven đường làng, ngõ xóm đang chơi đùa các trò chơi dân gian như nhảy dây, đá cầu, bắn bi hay trốn tìm... Bên cạnh đó, tại các địa phương có tiệm internet, thì hầu hết các quán luôn đông nghịt trẻ em từ 12 - 15 tuổi đang say sưa chơi các trò game online. Thậm chí, do hoàn cảnh gia đình, nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn này còn “bị tước” luôn cả quyền vui chơi giải trí của mình do phải ra đồng, lên rẫy phụ giúp bố mẹ. Ông Phan Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết (huyện Đạ Huoai), cho biết: “Hàng năm, địa phương chúng tôi có từ 350 - 400 cháu thiếu nhi được nhà trường bàn giao quản lý trong dịp hè. Sau khi tiếp nhận, xã đều lên kế hoạch và giao Đoàn xã phụ trách để tổ chức hoạt động hè cho các cháu. Tuy nhiên, do đặc thù của vùng nông thôn nên mỗi tháng cũng chỉ tổ chức cho các cháu sinh hoạt ca hát được 1 đến 2 lần. Tuy xã có nhà văn hóa rộng lớn, khang trang nhưng không có dụng cụ, phương tiện phục vụ cho các cháu vui chơi. Vì vậy, chúng tôi đành phải chú trọng công tác tuyên truyền để người dân tự quản lý và tự tìm trò chơi cho con em họ trong dịp hè”.
 
Mong ước những sân chơi “đúng nghĩa”
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện tại các sân chơi của trẻ em tại các vùng nông thôn cũng tương đối nhiều. Nhưng, để có những sân chơi “đúng nghĩa” thì đang còn quá ít, nếu không muốn nói là chưa có. Những sân chơi “đúng nghĩa” phải có đầy đủ các dụng cụ, phương tiện để giúp các em vừa chơi, vừa học. Trong khi các trang thiết bị và dụng cụ phục vụ cho trẻ em như sách báo, văn hóa phẩm, xích đu, tàu lượn... tại nhiều đô thị được đầu tư đầy đủ và thậm chí dư thừa, lãng phí, thì lại trở thành thứ “xa xỉ” đối với trẻ em nông thôn. Nói đâu xa, ngay tại thị trấn Đạ Tẻh, những ngày này các bậc phụ huynh đã hối hả đi đăng ký cho con em mình tham gia các lớp học võ, học bơi, học múa... Còn tại các nhà văn hóa hay thư viện ở nông thôn hầu như không có sách báo, hoặc nếu có thì cũng chỉ là những đầu sách báo cũ. Một vài địa phương hiếm hoi có đầy đủ hơn thì cũng chỉ được mở cửa vào những thời điểm cho phép theo quy định quản lý. Ông Đỗ Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông (huyện Đạ Tẻh), phân trần: “Mùa hè sắp đến, càng nghĩ là chúng tôi lại vừa lo và cảm thấy thương các cháu thiếu nhi không có chỗ để vui đùa. Thật sự, đến hiện tại, do không có nguồn kinh phí nên địa phương chưa sắm được bất cứ một dụng cụ, trang thiết bị nào để cho các cháu vui chơi ngày hè. Trong nhiều năm qua, tại địa phương chưa để xảy ra tình trạng trẻ em bị đuối nước. Nhưng, ở địa phương với lượng ao hồ, sông suối dày đặc khiến chúng tôi và các bậc phụ huynh đều cảm thấy lo lắng, bất an...”.
 
Nói về sân chơi cho trẻ em vùng nông thôn, bà Huỳnh Thị Mười (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) mong muốn: “Xã hội ngày càng phát triển, nhưng để xóa dần khoảng cách giữa trẻ em nông thôn và trẻ em thành thị, chúng tôi rất cần những sân chơi thực thụ để con em mình vui chơi. Từ những vụ đuối nước, tai nạn giao thông khi trẻ em nông thôn băng qua đường... đã gieo vào chúng tôi không ít những lo lắng, bất an. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành chức năng cần tìm ra một giải pháp phù hợp, đặc biệt là nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa sẵn có; đồng thời, đầu tư thêm dụng cụ, trạng thiết bị để tạo ra những sân chơi lành mạnh, tích cực cho trẻ em nông thôn”.
 
KHÁNH PHÚC