Cần thêm nhiều sân chơi cho trẻ em

08:06, 07/06/2016

Thực tế hiện nay, sân chơi dành cho giới trẻ vẫn còn quá ít, nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa đáp ứng và thu hút được thanh thiếu niên, nhi đồng, nhất là các nhóm trẻ trong độ tuổi học sinh tham gia trong dịp hè…

Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cũng như đề ra nhiều chương trình vui chơi giải trí cho lớp trẻ; tuy nhiên, thực tế hiện nay, sân chơi dành cho giới trẻ vẫn còn quá ít, nội dung hoạt động còn đơn điệu, chưa đáp ứng và thu hút được thanh thiếu niên, nhi đồng, nhất là các nhóm trẻ trong độ tuổi học sinh tham gia trong dịp hè…
 
Cần thêm nhiều sân chơi và chương trình sinh hoạt ngoài trời cho trẻ em - Ảnh: Võ Trang
Cần thêm nhiều sân chơi và chương trình sinh hoạt ngoài trời cho trẻ em - Ảnh: Võ Trang

Trao đổi về sân chơi cho giới trẻ, nhất là các em học sinh trong dịp hè, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng Hồ Ngọc Phong Hải, cho biết: Hiện nay, tất cả các huyện, thành phố đều có Ban chỉ đạo hè, phía Tỉnh Đoàn chỉ hỗ trợ, hướng dẫn thêm về phần nội dung (theo định hướng của Trung ương Đoàn) để các huyện, thành phố ban hành kế hoạch hoạt động cho phù hợp, sát với từng địa phương. 
 
Cũng theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, về sân chơi cho thiếu nhi, ngay từ đầu năm, trong chương trình hoạt động của Tỉnh đoàn đã định hướng các nội dung cho các đơn vị Đoàn trực thuộc tạo sân chơi ngoài giờ học cho các em, nhất là những ngày thứ bảy, chủ nhật, đặc biệt là dịp hè để thu hút các em tham gia vui chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, an toàn. 
 
Theo đó, để phòng tránh tai nạn thương tâm do đuối nước, năm nay, ngoài việc Tỉnh Đoàn phối hợp với Sở LĐ-TB&XH mở các lớp tập bơi cho các em thiếu nhi, việc tạo các sân chơi cho giới trẻ càng được chú trọng. Đặc biệt là kế hoạch bàn giao các em học sinh ở các cấp học về sinh hoạt ở khu dân cư, từ khu phố đến thôn, buôn. Trong đó dựa vào các bạn trẻ, các em lớn, có kỹ năng sẽ giúp cho khu phố dẫn dắt các em nhỏ vui chơi trong dịp hè. Bên cạnh đó, cũng sẽ vận động kinh phí để làm các đu quay, bập bênh để các em vui chơi giải trí. Ở những khu công cộng, hướng tới sẽ kêu gọi tài trợ lắp đặt các thiết bị tập thể dục buổi sáng để các em rèn luyện sức khỏe, vui chơi lành mạnh, tránh việc chơi game, tắm hồ, tắm suối dẫn đến nguy cơ đuối nước. 
 
Cũng trong hè này, còn có 4 lớp học kỳ quân đội (hai lớp tại Học viện Lục quân, còn lại ở Tỉnh Đội và Vùng 4 Hải quân), dành cho khoảng 600 em. Ở các lớp này phụ huynh và học sinh rất háo hức, chỉ sau một tuần chiêu sinh đã đăng ký đủ chỉ tiêu. Ngoài ra, theo yêu cầu của phụ huynh học sinh, Tỉnh Đoàn còn giao cho Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi của tỉnh mở thêm lớp học “Sống mạnh mẻ” ngay tại Trung tâm, với thời gian 10 ngày như học kỳ quân đội. Song song với đó, các sân chơi khác, Tỉnh Đoàn cũng đang tính toán kêu gọi các đơn vị tài trợ để làm các dụng cụ tập thể dục tại các điểm công cộng, đối với một số huyện đã có các dụng cụ tập thể dục tại các công viên, riêng tại Đà Lạt sẽ cố gắng có các cụm công cụ tập thể dục để cho thanh thiếu niên có điều kiện rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe.
 
Theo đồng chí Hồ Ngọc Phong Hải, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, tổng quan về sân chơi cho giới trẻ trong những năm gần đây đều được chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện, thành phố chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình cơ sở vật chất, sử dụng làm sân chơi cho các em. Trong đó, gồm các khu vui chơi công cộng kết hợp song song với các khu vui chơi giải trí được xã hội hóa. Nói chung, trên địa bàn tỉnh, các điểm vui chơi giải trí để hoạt động sinh hoạt cho thanh thiếu nhi, kể cả các công trình xã hội hóa đều đã tương đối, tuy nhiên theo định hướng thì cần thêm nhiều khu vui chơi công cộng hơn nữa. Thực tế nói thiếu thì không thiếu, nhưng các sân chơi công cộng nên đầu tư thêm, chứ còn các sân chơi thu phí thì đã tương đối, như sân bóng trong nhà, sân cầu lông, sân bóng rổ, sân ten nít... nhưng để cho nhiều thanh thiếu niên được tiếp cận thì cần tăng cường thêm các sân chơi công cộng. 
 
Cụ thể như Đà Lạt, sau khi Nhà Thiếu nhi tỉnh đưa vào hoạt động có hiệu quả, trở thành điểm vui chơi cho các em. Quảng trường Lâm Viên cũng trở thành điểm cho các em vui chơi với các loại hình giải trí ngoài trời, như các bộ môn võ thuật, dân vũ, hip hop, patin… Còn tại các huyện hiện nay cũng đều đầu tư nhà thi đấu đa năng cũng như các công viên; Đoàn thanh niên ở các địa phương cũng đã xây dựng và đang hoàn chỉnh các nội dung hoạt động ở những công viên đó. Hướng tới sẽ xin kinh phí hoặc vận động để đầu tư, bảo quản các trang thiết bị lắp đặt ở các điểm công cộng phục vụ và thu hút giới trẻ chứ không chỉ có hát múa sẽ dẫn đến nhàm chán. 

Hầu hết trẻ em vùng nông thôn nghỉ hè chỉ biết quanh quẩn chơi trong sân nhà - Ảnh: Nguyên Thi
Hầu hết trẻ em vùng nông thôn nghỉ hè chỉ biết quanh quẩn chơi trong sân nhà - Ảnh: Nguyên Thi

Đối với nội dung sinh hoạt cho thiếu nhi, định hướng trong hè này sẽ tổ chức đều đặn các chương trình múa hát, trong đó địa bàn các huyện, thành phố đều tổ chức “Liên hoan tiếng hát thanh thiếu niên nhi đồng hè”, đây là hoạt động văn nghệ truyền thống và là một trong những chương trình được các tổ dân phố, thôn, buôn, phường cùng các em thiếu nhi hưởng ứng cao. Riêng Nhà Thiếu nhi Lâm Đồng còn có nội dung lưu diễn ở các huyện, xã, vùng sâu, vùng xa, mang tiếng hát của các em ở thành phố về cho các bạn trẻ thôn quê, đây cũng là chương trình thường niên. 
 
Thời gian tới cũng cần đầu tư thêm vật dụng thiết bị ở các điểm công cộng, đồng thời giao quản lý bảo trì để phục vụ tốt hơn cho giới trẻ. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn trăn trở: Xuất phát từ nhu cầu bản thân, đặt mình vào vị trí các bạn trẻ sẽ thấy như ở Đà Lạt, nhu cầu tập thể dục buổi sáng của lớp trẻ là rất đông nhưng lại thiếu các hệ thống máy tập thể dục công cộng, nếu có các thiết bị này mình cũng sẽ tập hợp được thanh niên. Hay các chương trình huấn luyện vận động cho thanh niên, rất cần một khu cắm trại đúng nghĩa - Trung tâm huấn luyện, nhưng hiện nay để có được là rất khó, mặc dù đồi núi bao la nhưng để có một chỗ cuối tuần cho thanh niên tham gia là khó chưa nói còn phải tính đến kinh phí. Rồi các chương trình trực quan định hướng nghề nghiệp, giúp cho các bạn trẻ từ độ tuổi lớp 10 được tham quan ngành ngân hàng, xây dựng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... để các em định hướng được nghề nghiệp mà cũng là sân chơi cho các em. Tuy nhiên, để làm được phải có nguồn kinh phí, và muốn hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các ban, ngành.
 
Anh K’Chiêu (thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc):
 
Chỉ tính sơ, trong thôn chúng tôi hiện đang có gần 200 trẻ em không có sân chơi trong dịp hè. Cùng với việc thiếu sân chơi, thì bọn trẻ cũng thiếu luôn đồ chơi. Như gia đình tôi có 2 cháu nhỏ, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không thể sắm được đồ chơi cho chúng. 
 
Vì không có điểm vui chơi công cộng, nên trẻ em phải tự tìm trò chơi và tiện đâu là chơi đó. Các trò chơi dân gian như nhảy dây, bắn bi, trốn tìm… đang là lựa chọn duy nhất của bọn trẻ. Chúng nó chơi ở nhà này chán thì lại tới nhà khác tiếp tục chơi. Hiện nay có nhà văn hóa thôn, nhưng nơi đó không phải là sân chơi của bọn trẻ. Trong khi đó, tại trường mầm non trong thôn đầy đủ trò chơi, nhưng nghỉ hè trường đóng cửa nên bọn trẻ muốn chơi cũng không vào được.
 
Chị Thảo Uyên (Kinh doanh tại khu vực Chi Lăng, TP Đà Lạt):
 
Theo tôi, hiện nay sân chơi vào dịp hè đang thiếu trầm trọng so với nhu cầu chơi của trẻ. Chính vì thiếu sân chơi, trẻ con nghỉ hè phải quanh quẩn trong nhà. Nhiều phụ huynh trăn trở, mùa hè “quanh quẩn” như vậy liệu trẻ học được gì bổ ích? Bởi thế nhiều phụ huynh chọn phương án cho con tham gia các lớp học hè. Mặc dù đó chưa phải là sự lựa chọn khiến gia đình và bản thân cháu hài lòng nhất, song đó là cách an toàn và hợp lý trong tình hình hiện nay để bố mẹ có thể yên tâm đi làm. 
 
Hiện trên địa bàn thành phố, nhà thiếu nhi là nơi được nhiều phụ huynh lựa chọn để cho con đi học. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp gia đình không thể cho con tham gia các lớp học ở cung thiếu nhi do cơ cấu thời gian học ở đây. Ví dụ như các lớp học có thời gian học từ 7 giờ 30 đến 9 giờ thì những phụ huynh là cán bộ nhà nước đang trong giờ hành chính rất khó có thể đón con sau buổi học.
 
Anh Nguyễn Đình Thông (khu phố 5, Lữ Gia, TP Đà Lạt):
 
Hai vợ chồng công việc đều bận rộn nên chúng tôi không thể đưa đón con ở các lớp học ở nhà thiếu nhi, không có nơi để gửi, không thể để cháu nhỏ ở nhà một mình, cũng không thể mang theo con lên cơ quan nên gia đình chúng tôi chọn cách cho các cháu về quê với ông bà nội, ngoại vào mỗi dịp hè. Tuy nhiên, về quê chỉ giải quyết được vấn đề người trông giữ các cháu, còn các vấn đề khác như sân chơi, việc giáo dục phát triển tài năng, kỹ năng và những nguy cơ mất an toàn về đuối nước… cũng khiến gia đình tôi thật sự thấy lo lắng cho các cháu.
 
Chị Nguyễn Quỳnh Uyên (P7, TP Đà Lạt): 
 
Hiện tại, ở Đà Lạt có quá ít khu vui chơi để các cháu vui chơi lành mạnh, các địa chỉ để học các lớp học kỹ năng, năng khiếu cũng không nhiều. So với sự xuất hiện của các quán game thì nơi vui chơi lành mạnh vào ngày hè cho trẻ còn quá ít. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải dắt theo con đến cơ quan, nhưng các cháu chỉ được chơi lòng vòng ở sân, ở hành lang hoặc phòng bảo vệ. Đà Lạt vào hè cũng là khi mùa mưa bắt đầu nên việc đưa theo con đi làm rất vất vả đối với các chị em.
 
Gia đình tôi may mắn khi có bà nội, nên con cái có bà trông giúp để chúng tôi đi làm. Tuy nhiên, việc chỉ ở nhà với bà trong ba tháng hè cũng sẽ làm giảm khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Và cháu sẽ không có được kỳ nghỉ hè thoải mái sau một năm học dài để chuẩn bị tinh thần cho năm học mới. Hơn nữa, việc ở nhà thường xuyên với một mình bà nội cũng khiến con dễ chán nản, nên dành nhiều thời gian để xem hoạt hình, chơi vi tính. Điều này thật sự đáng lo ngại. Bởi nếu tình trạng này kéo dài trẻ rất dễ bị rơi vào tình trạng tự kỷ, thiếu năng động, ngại nói chuyện với đám đông, rụt rè, nhút nhát…
Khánh Phúc - Ngọc Ngà 

THỤY TRANG