Báo động tình trạng thiếu an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ

08:07, 01/07/2016

Nhiều hồ đập, công trình thủy lợi tại tỉnh Lâm Đồng hư hại và xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhiều hồ đập, công trình thủy lợi tại tỉnh Lâm Đồng hư hại và xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước thực trạng đó, các ban, ngành chức năng đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ 2016.
 
Liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài (Đơn Dương) là 1 trong 43 hồ đập mất an toàn. Đây là con số đáng báo động trước mùa mưa lũ 2016
Liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài (Đơn Dương) là 1 trong 43 hồ đập mất an toàn.
Đây là con số đáng báo động trước mùa mưa lũ 2016

Theo số liệu thống kê (đầu năm 2016) của Chi cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 219 hồ chứa nước, trong đó có 7 hồ chứa có dung tích trữ trên 10 triệu m 3, 6 hồ chứa có dung tích trữ từ 3 - 10 triệu m 3, 18 hồ chứa có dung tích trữ từ 1 - 3 triệu m 3 và 188 hồ chứa có dung tích trữ dưới 1 triệu m 3. Trong 219 hồ đập chỉ có 100 hồ đập đăng ký an toàn đập, 43 hồ đập mất an toàn bao gồm: 9 hồ đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao, 15 hồ đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn, 13 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, bị bồi lấp ảnh hưởng đến sản xuất, 6 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng đến nhiệm vụ của công trình. 
 
Hầu hết các hồ trữ nước có dung tích nhỏ đều được xây dựng trước năm 1990 nên hồ sơ lưu trữ không còn, dẫn đến địa phương và đơn vị quản lý lúng túng trong việc đăng ký an toàn đập. Quy trình vận hành hồ chứa nước cũng là một vấn đề rất đáng lo ngại, đến nay chỉ có 19/219 hồ có quy trình vận hành được phê duyệt. Hệ thống quan trắc, duy tu, bảo dưỡng chỉ diễn ra ở các hồ chứa lớn và vừa, còn hệ thống hồ chứa quy mô nhỏ do không có hồ sơ thiết kế, khi thi công không có thước đo mực nước nên việc quan trắc mực nước chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
 
Ngoài ra, nhiều cụm công trình hồ chứa thiếu tính đồng bộ, có những hồ chứa không có cống dưới đập để tháo cạn nước khi cần thiết, quy mô tràn xả lũ chưa đáp ứng được yêu cầu xả lũ hay tràn xả lũ là tràn tạm bằng đất. Một số hồ đập nhỏ (do cấp xã quản lý) để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất để canh tác nông nghiệp trên mái đập và đường quản lý vận hành. Hiện tượng bồi lắng, sạt lở, thấm qua đập, tổ mối xảy ra ở nhiều công trình. 
 
Ông Phan Công Ngôn - Chi Cục trưởng Chi Cục Thủy lợi tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thủy lợi, UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ theo quy định. Trên cơ sở kiểm tra, phát hiện ra những hư hỏng và đã lập kế hoạch, đề xuất nâng cấp, sửa chữa công trình. Mặt khác, chi cục thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền về đảm bảo an toàn hồ đập thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của người dân; rà soát, điều chỉnh, phân cấp quản lý, vận hành và khai thác bảo vệ các hồ chứa theo đúng năng lực và đặc điểm công trình. Tuy nhiên, nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ rất lâu nên hư hỏng, xuống cấp, không đủ khả năng tháo lũ, không đáp ứng theo tiêu chuẩn hiện hành, nhưng do không có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và vỡ đập là rất lớn”. 
 
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có đến 9 công trình bị hư hỏng và xuống cấp một cách nghiêm trọng. Đáng kể nhất là hồ Ma Póh (Đức Trọng) và liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài (Đơn Dương) được cảnh báo là có nguy cơ vỡ đập cao, tác động lớn đến vùng hạ du có dân cư, hiện trạng thấm lớn, thấm dọc cống, van hạ lưu không vận hành được, thủng đáy và tường tràn xả lũ. Đầu năm 2016, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo riêng, tiến hành kiểm tra thực địa, báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý khẩn cấp với cấp có thẩm quyền về công trình hồ chứa nước Ma Póh, riêng liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài đã được UBND tỉnh cho chủ trương và đã triển khai lập dự án nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí kinh phí để thực hiện. 
 
Ông Đinh Văn Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Tu Tra (Đơn Dương), nơi có hệ thống liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài lo lắng: Liên hồ Suối Đỉa - Cây Xoài nằm trên địa bàn của thôn Cầu Sắt, cả thôn hiện có 117 hộ, 513 nhân khẩu, đa phần bà con đều sinh sống dưới vùng hạ du của công trình này. Với tình trạng hư hỏng, xuống cấp một cách nghiêm trọng như hiện nay thì tính mạng, tài sản của người dân thưc sự đang bị đe dọa.
 
BÙI ĐỨC TÚ