Chấn chỉnh tình trạng vi phạm trong kinh doanh vận tải hành khách

08:07, 20/07/2016

Từ ngày 1/6/2016, Sở Giao thông vận tải sẽ siết chặt quản lý, từng bước đưa hoạt động vận tải đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Nhằm chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh, từ ngày 1/6/2016 Sở Giao thông vận tải sẽ siết chặt quản lý, từng bước đưa hoạt động vận tải đi vào nề nếp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ. Trong đó, công tác kiểm tra sẽ tập trung vào điều kiện đảm bảo an toàn kỹ thuật đối với phương tiện kinh doanh vận tải.
 
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải tại cơ sở kinh doanh
Thanh tra Sở GTVT kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải tại cơ sở kinh doanh

Nhiều vi phạm
 
Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô liên tục nở rộ, xuất hiện nhiều tổ chức, hợp tác xã (HTX) tham gia với nhiều đầu xe chất lượng cao, cạnh tranh thị phần khốc liệt. Theo báo cáo của Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT), trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp (DN) vận tải hành khách (11 đơn vị taxi; 27 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt), khai thác trên 38 tuyến vận tải liên tỉnh, nội địa. Nhìn chung, hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân.
 
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra các điều kiện pháp lý hoạt động kinh doanh vận tải, việc chấp hành quy định của Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chức năng về công tác quản lý, tổ chức kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong thời gian qua vẫn xảy ra nhiều vi phạm. Một số đơn vị kinh doanh không trực tiếp quản lý, điều hành phương tiện, mà khoán trực tiếp cho lái xe; không đảm bảo đầy đủ các điều kiện kinh doanh; bộ phận theo dõi an toàn giao thông (ATGT) không thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định; chưa thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung đăng ký, niêm yết chất lượng dịch vụ, giá cước; nhiều thiết bị giám sát hành trình chưa trích xuất dữ liệu lưu trữ; các đơn vị kinh doanh taxi chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết giá cước, logo của hãng...
 
Qua đợt kiểm tra vừa qua (6/6-17/6/2016), Đoàn kiểm tra liên ngành đã nhắc nhở, chấn chỉnh và yêu cầu khắc phục, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính 44 trường hợp với nhiều lỗi vi phạm, đề xuất xử phạt 91,750 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 1 tháng với 16 trường hợp, 2 tháng với 10 trường hợp, tước phù hiệu xe hợp đồng đối với 12 trường hợp. Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng còn phát hiện việc các đơn vị trên sử dụng nhân viên phục vụ xe khi chưa được tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ vận tải hành khách, ATGT theo đúng quy định. Qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình, lái xe của các đơn vị có nhiều lỗi vi phạm tốc độ, nhưng chưa được giới chủ kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Mặt khác, các đơn vị cũng không thực hiện đúng nội dung cam kết về chất lượng dịch vụ, chưa có quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị phản hồi của hành khách...
 
Cần xử lý nghiêm 
 
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô; sử dụng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để xử lý vi phạm quy định về kinh doanh vận tải và an toàn giao thông, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cùng với đó, phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hành khách du lịch và hợp đồng bằng xe ô tô. Với nhiều lỗi vi phạm, nhiều đơn vị đã bị cơ quan chức năng xử lý, mức nhẹ nhất là phạt hành chính, nặng là rút giấy phép, thu hồi phù hiệu. Trong đó, lực lượng chức năng tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, thu hồi phù hiệu chạy xe đối với Công ty TNHH Ngọc Hùng Văn Nhân, HTX DVVT ô tô số 2 Bảo Lộc, HTX DVVT HH&HK Di Linh, HTX Taxi Đà Lạt, HTX VT ô tô số 1 Bảo Lộc, HTX DVVT Đà Lạt...
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Gia, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải khẳng định: “Từ nay đến hết năm 2016 lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định của Nhà nước, đồng thời cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng như sự an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Việc siết chặt công tác quản lý nhà nước, hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước đi vào nền nếp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời làm giảm số vụ, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông gây ra”.
 
Cũng theo ông Nguyễn Văn Gia, trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trên địa bàn; tuyên truyền, vận động hành khách đón xe tại bến xe hoặc các điểm đón, trả khách theo quy định để bảo đảm ATGT. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, chính xác, khách quan, đồng bộ và có hiệu quả. Mục tiêu đến hết năm 2016 sẽ cơ bản không còn “bến cóc” và giảm 70% “xe dù”, góp phần  tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng trong hoạt động vận tải.
 
HOÀNG YÊN