Đam Rông: Giữ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

09:07, 14/07/2016

Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Đam Rông từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Đam Rông từng bước được nâng cao. Đặc biệt, chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tuần tra rừng
Tuần tra rừng
Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ
 
Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng từ năm 2009, ban đầu chỉ thực hiện ở các địa bàn thuộc lưu vực thủy điện Đa Nhim, Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi. Năm 2011, triển khai mở rộng thêm lưu vực sông Đồng Nai, trong đó có 2 xã Đạ Tông và xã Đạ K’Nàng của huyện Đam Rông. Năm 2012, mở rộng thêm lưu vực Sêrêpốk, lúc này, toàn huyện mới triển khai chính sách chi trả dịch vụ mội trường rừng. Sau 5 năm triển khai thực hiện, đã cải thiện sinh kế cho hộ nhận khoán, góp phần ổn định chính trị tại địa phương, từ đó có tác động tích cực đến công tác bảo vệ rừng ở địa phương.
 
Tính đến thời điểm này, tổng số hộ tham gia nhận giao khoán, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đam Rông khoảng 2.643 hộ, với trên 37.790,41 ha. Tất cả các hộ được nhận khoán bảo vệ rừng đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng; thu nhập bình quân hàng năm của các hộ từ nhận khoán bảo vệ rừng luôn tăng (năm 2011 : 100.000 đồng/ha/năm, năm 2015 lên 350.000 đồng). Thu nhập tăng, đời sống của người dân được cải thiện đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
 
Trước đây, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn do người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng, còn tư tưởng trông chờ ỷ lại. Từ khi thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, rừng ở đâu cũng có chủ, người dân đã gắn cuộc sống của mình với rừng, tự giác hơn trong công tác bảo vệ rừng, tuần tra bảo vệ rừng thường xuyên. Nhiều thôn đã xây dựng qui ước, hương ước bảo vệ rừng. Nhờ đó, tình trạng phá rừng, cháy rừng giảm đáng kể, tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 43,82% (năm 2013) lên 47,23% (năm 2015). Rừng đã tạo tiền đề cho người dân trong huyện tiếp tục phát huy nguồn lợi từ rừng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo động lực vững chắc cho phát triển kinh tế, xã hội vùng, địa phương.
 
Ông Mai Chí Trung - Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk khẳng định: “Chính sách chi trả dịch vụ môi trường đã đem lại hiệu quả thiết thực, tỷ lệ độ che phủ rừng ngày càng tăng, số vụ vi phạm về luật bảo vệ rừng và cháy rừng đã giảm đáng kể, theo đó đời sống của người dân được hưởng lợi từ rừng cũng ngày càng cao. Nhờ thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Đam Rông nên tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép giảm đáng kể, người dân đã có ý thức hơn trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; giờ đây những cánh rừng tự nhiên, rừng trồng luôn được bảo vệ và phát triển xanh tốt.
 
Để chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Bảo vệ và phát triển rừng đến đông đảo nhân dân các dân tộc trên địa bàn, đặc biệt là các hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm của các hộ trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhằm kịp thời phát hiện các hành vi gây hại đến rừng”.
 
Bảo vệ rừng gắn trách nhiệm người dân
 
Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó, trọng tâm là 3 vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt. Từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường ra đời, đã góp phần làm giảm số vụ xâm phạm, phá hoại rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép... 
 
Những chuyến đi tuần tra rừng hàng tuần đã trở nên quen thuộc với ông Bon Krong Chong, cộng đồng dân cư thôn 6, Liêng S’rônh. Nếu những năm trước đây, ông và nhiều người dân tại địa phương xem chuyện đốn hạ vài ba cây gỗ vì nhu cầu sử dụng và lấy đất sản xuất là chuyện bình thường thì nay đã thay đổi. Bởi lẽ, ông Chong cùng hàng chục thành viên khi tham gia vào tổ bảo vệ rừng có nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ những khu rừng mình quản lý, không để xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm rẫy. Xã tôi có diện tích rừng lớn. Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, đời sống bà con trong bản đã được cải thiện, bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển vốn rừng. 
 
Ông Trần Đức Tâm, Phó chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết: “Công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đến các nhóm hộ theo Nghị định 99 của Chính phủ và Quyết định 24 của tỉnh đã nâng cao ý thức của người dân trong việc tham gia bảo vệ rừng. Các nhóm hộ đã phối hợp tốt với Ban Quản lý rừng và Hạt kiểm lâm ngăn chặn các trường hợp khai thác lâm sản trái phép. Nhờ vậy, công tác bảo vệ rừng dần gắn được trách nhiệm của người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm gần đây, chính sách chi trả DVMTR đã đi vào cuộc sống của người dân. Một số hộ dân cảm nhận đây là nguồn thu nhập bền vững trong kinh tế hộ, đã nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách này, từ đó ý thức được trách nhiệm và quyền lợi của mình đã góp phần tham gia ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến tài nguyên rừng”.
 
HOÀNG YÊN