Đâu rồi những "đôi mắt" giữ rừng?

08:07, 12/07/2016

Ngay khi nhóm lâm tặc do Hà "đen" cầm đầu bị phá, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra. Tại sao phải là Bộ Công an phá án? Tại sao bọn chúng lại có thể ngang nhiên hoạt động? Có hay không sự "chống lưng", bao che, "bảo kê"?

[links()]Ngay khi nhóm lâm tặc do Hà “đen” cầm đầu bị phá, hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra. Tại sao phải là Bộ Công an phá án? Tại sao bọn chúng lại có thể ngang nhiên hoạt động? Có hay không sự “chống lưng”, bao che, “bảo kê”? Và, với tôi, câu hỏi luôn đau đáu trong suốt cả ngày dài theo chân lực lượng chức năng lên rừng, xuống hồ kiểm đếm số cây bị đốn hạ là đâu rồi những “đôi mắt” giữ rừng của những trạm, chốt kiểm lâm được đặt ở hầu hết các nơi, từ đường thủy lên đường bộ, từ xã ra đến huyện?
 
Nhóm lâm tặc bị bắt giữ trong đêm
Nhóm lâm tặc bị bắt giữ trong đêm
Từ tận ngoài bìa rừng, nhóm lâm tặc của Hà “đen” lợi dụng lòng hồ thủy điện làm con đường chính để kéo xuôi gỗ về bằng bè hoặc xuồng máy. Để đến được nơi tập kết tại khu vực đập chính, nhóm này phải vượt qua được “mắt rừng” đầu tiên là Trạm tuần tra đường thủy của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (tỉnh Đắk Nông) được đặt ngay cạnh mép nước giữa hồ thủy điện.
 
Về mặt pháp lý, đây có thể là “đôi mắt” vô can vì trách nhiệm của họ chỉ quản lý, bảo vệ rừng thuộc địa phận Đắck Nông, còn rừng bên kia hồ phải thuộc thẩm quyền của lực lượng kiểm lâm Lâm Đồng. Tuy nhiên, đây chính là “đôi mắt” vô trách nhiệm đầu tiên, tạo điều kiện và cơ hội để bọn lâm tặc dễ bề hoạt động trong suốt một thời gian dài.
 
Từ khu lán trại, xe chở gỗ lậu phải vượt qua đoạn đường dài 20 km mới có thể từ đập chính ra đến Ngã ba Lộc Bắc. Đây là đoạn đường nội bộ phục vụ cho Thủy điện Đồng Nai 5 và hầu như không có dân cư sinh sống. Dẫu vậy, vẫn có “đôi mắt” có thể phát hiện hành vi sai trái của nhóm lâm tặc là Trạm kiểm soát của Thủy điện Đồng Nai 5. Họ sẽ không có thẩm quyền để chặn xe chở gỗ, họ cũng sẽ không bị quy buộc trách nhiệm vì để xe chở gỗ lậu qua lại. Tuy nhiên, câu hỏi là họ liệu có lần nào báo cho cơ quan chức năng hay đã vô cảm bỏ qua? 
 
Từ ngã ba Lộc Bắc, gỗ lậu có thể được tuồn đi theo nhiều con đường. Có thể ra Bảo Lâm qua đường đèo B40, có thể về Đạ Tẻh qua đường buôn Con Ó, có thể lên Đắk Nông theo đường liên tỉnh. Nhiều đường đi đồng nghĩa với việc sẽ có càng nhiều chốt, trạm kiểm lâm và sẽ phải vượt qua nhiều đồn Công an, nhiều UBND của các xã, thị trấn, huyện, thành phố.
 
Gần nhất có thể kể đến là Chốt kiểm lâm đặt gần Công an và nằm đối diện UBND xã Lộc Bảo, là trụ sở của Công ty Lâm nghiệp Lộc Bắc (đơn vị chủ rừng) cũng nằm cách UBND xã Lộc Bắc không xa.
 
Với những “đôi mắt” bủa vây, hành trình di chuyển tưởng chừng khó vậy mà suốt 2 năm, những chuyến xe vận chuyển gỗ lậu vẫn qua lại trót lọt. Người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ về sự thờ ơ, buông lỏng, vô trách nhiệm của các cơ quan công quyền trong vụ việc. Đây không thể lấy lý do là bởi vì đơn vị không có trách nhiệm hoặc không thuộc trách nhiệm quyền hạn mà không thể bị xử lý trách nhiệm.
 
Từ nơi có thẩm quyền cao hơn, một số lãnh đạo cấp xã, cấp huyện của huyện Bảo Lâm cho rằng mình có biết, có nghe nhưng vì lâm tặc manh động, sẵn sàng hành hung, đe dọa những ai gây cản trở cho bọn chúng nên buộc phải chọn cách im lặng. Nghe thật đáng xấu hổ và buồn cho những “đôi mắt” đã bị vô hiệu hóa dù vì bất cứ lý do gì. Rừng liệu có còn khi vẫn tồn tại những “đôi mắt” vô cảm, vô trách nhiệm như thế?
 
ĐÔNG ANH