Rà soát các dự án đầu tư có liên quan đến khai thác tận dụng, tận thu lâm sản từ rừng tự nhiên

08:07, 19/07/2016

Ngày 15/7, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư có liên quan đến việc tận thu, tận dụng lâm sản từ rừng tự nhiên trên phạm vi toàn tỉnh.

Ngày 15/7, ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư có liên quan đến việc tận thu, tận dụng lâm sản từ rừng tự nhiên trên phạm vi toàn tỉnh.
 
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Tiến sỹ Phạm S đã ký Văn bản số 4002/UBND-LN báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5, thuộc huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), Bộ Công an đã tổ chức truy quét và bắt giữ, truy nã hàng loạt các đối tượng khai thác gỗ rừng. 
 
Kiểm đếm số lâm sản do lâm tặc cưa hạ tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 - Ảnh: Đ. ANH
Kiểm đếm số lâm sản do lâm tặc cưa hạ tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 - Ảnh: Đ. ANH

Từ thông tin của UBND tỉnh Lâm Đồng, qua cuộc truy quét của các lực lượng Bộ Công an tại khu vực lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 5 vào đêm ngày 7, sáng ngày 8/7/2016, lực lượng chức năng đã thu giữ 37 cây gỗ (nhóm thông thường) bị cưa hạ trái phép, gốm 32 cây có khối lượng 83 m 3 gỗ tròn thuộc đối tượng rừng sản xuất; 5 cây có khối lượng 23 m 3 gỗ bị khai thác từ rừng phòng hộ và bắt giữ 21,9 m 3 gỗ xẻ, 1 xe ô tô trung tải để vận chuyển gỗ trái phép.
 
Các cơ quan điều tra tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang tập trung điều tra, làm rõ các vi phạm; tổ chức truy bắt đối tượng cầm đầu, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong công tác bảo vệ rừng trong khu vực rừng bị khai thác; kiểm tra một số cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ tại huyện Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc.
 
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo dừng ngay việc khai thác tận dụng lâm sản trong cải tạo rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế, trồng rừng cao su của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), là địa bàn xảy ra vụ khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật để phục vụ công tác điều tra.
 
Từ vụ án này, tỉnh Lâm Đồng đã quyết định triển khai công tác kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư trên địa bàn có liên quan đến việc tận thu, tận dụng lâm sản rừng tự nhiên để kịp thời chấn chỉnh, xử ký theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đối khí hậu trong giai đoạn 2016 - 2020.
 
Tại Văn bản số 3999/UBND-LN do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S ký ngày 14/7/2016, nêu rõ: Đối với các dự án trên diện tích rừng tự nhiên, nếu chưa cấp phép khai thác rừng tận thu, tận dụng gỗ thì tạm dừng cấp phép; nếu đã cấp phép mà chưa thực hiện thì dừng các nội dung đã ghi trong giấy phép; nếu đã cấp phép và đang thực hiện thì dừng khai thác để kiểm tra, xem xét từng trường hợp cụ thể.
 
Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo, rừng nghèo kiệt để trục lợi; xây dựng kế hoạch để kiểm tra thường xuyên, theo dõi tiến độ, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện trồng cao su, rừng kinh tế, trồng rừng thay thế theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt.
 
Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan chức năng cấp huyện; UBND các địa phương tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; kịp thời chấn chỉnh hoạt động và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; thu hồi, không cấp giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở chế biến gỗ không đảm bảo nguồn nguyên liệu hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch chế biến gỗ trên địa bàn.
 
Phạm Kha