Tây Nguyên: Hãy cẩn trọng khi đổ xô trồng bơ booth

09:07, 22/07/2016

Hiện nay loại bơ muộn - bơ booth đang bán được giá, bà con ở các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô tìm mua loại bơ này về trồng. Điều đáng nói, đây là giống bơ ngoại với nhiều đặc tính kỹ thuật riêng...

Hiện nay loại bơ muộn - bơ booth đang bán được giá mang lại giá trị kinh tế cao, thời gian gần đây, bà con ở các tỉnh Tây Nguyên đang đổ xô tìm mua loại bơ này về trồng. Điều đáng nói, đây là giống bơ ngoại với nhiều đặc tính kỹ thuật riêng nên không trồng đại trà được trên tất cả các vùng đất, đặc biệt là thị trường sẽ bão hòa khi diện tích tăng lên đột biến… 
 
Bà con nông dân Tây Nguyên đang đổ xô trồng bơ booth
Bà con nông dân Tây Nguyên đang đổ xô trồng bơ booth

Đổ xô trồng bơ booth 
 
Nếu như trước ở Tây Nguyên, bà con nông dân chủ yếu trồng các loại bơ truyền thống có nguồn gốc trong nước, thì gần đây, loại bơ booth của Mỹ đang trở thành loại cây hút hàng đối với bà con nông dân, bởi nó đang mang lại thụ nhập khá cao cho những người trồng. Trung bình 1 ha bơ booth trồng xen trong vườn cà phê, mỗi năm người dân thu hoạch lãi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Dù chưa có số liệu thống kê chính xác về diện tích bơ booth, nhưng chính vì giá trị kinh tế bơ booth cao hơn các giống bơ bản địa, khoảng 4 năm trở lại đây nhà nhà bảo nhau tự trồng bơ booth. 
 
Có mặt tại xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk - nơi có nhiều cơ sở kinh doanh bày bán cây giống, chúng tôi nhận thấy hầu hết bà con nông dân đến đây đều tìm mua giống bơ booth. Đang tìm mua loại bơ này, ông Nguyễn Bá Khẩn, buôn Ma Tha, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn cho biết: “Gần nhà chúng tôi có rất nhiều người trồng bơ booth cho thu nhập khá cao, có gia đình trồng một trăm cây, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng… Chính vì giá trị kinh tế cao như vậy nên tôi tính về đây mua mấy chục cây về trồng xen canh trong vườn cà phê nếu cho hiệu quả cao sẽ đầu tư trồng hết cả vườn luôn…”. 
 
Cũng như ông Khẩn, chị Lan ở tỉnh Đắk Nông cũng đang loay hoay xếp cây bơ giống cho vào sọt, gặp chúng tôi chị cười nói: “Trước đây cây bơ được chúng tôi trồng nhiều, tuy nhiên nghe thông tin loại bơ ngoại này là dòng bơ muộn nên giá bán cao hơn hẳn so với bơ chính vụ, đặc biệt để cả tuần bơ mới chín nên tiện cho việc vận chuyển đi xa... Do vậy, tôi dự định sẽ mua hơn 100 cây về trồng trong rẫy cà phê”.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đức - chủ cơ sở cây giống trên đường Nguyễn Lương Bằng, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Mới đầu mùa mưa những mỗi tuần cơ sở của anh cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 cây giống, trong đó, bơ booth chiếm đến 50%, tăng gần gấp đôi số lượng bơ booth bán ra so với cùng kỳ mùa mưa năm 2016. Nguyên do trái bơ booth vụ vừa rồi bán ra đến 100.000 đồng/kg, nên nhu cầu cây giống đầu vụ đến nay là rất lớn. Giá cây giống bơ booth dao động từ 50-60.000 đồng/cây”.
 
Hãy cẩn trọng!
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bơ booth Mỹ này sinh trưởng khỏe, phát triển mạnh, nhiều cành nhánh; thu hoạch muộn trong tháng 9, 10, giá bán quả dao động khá lớn từ 35.000 đ - 65.000 đ/kg, một số vườn để neo quả đến tháng 11 đôi khi giá lên đến 100.000 đ/kg. Đây là loại bơ thịt dày, vàng, dẻo, ít hoặc không xơ, chất lượng tốt, thời gian chín sau hái từ 5-6 ngày, trọng lượng 330 - 420 g/quả, năng suất trung bình từ 160 - 220 kg/cây, đạt tương đương với giống bơ chính vụ... Là một kỹ sư nông nghiệp trước đây từng công tác ở Viện cây ăn quả miền Nam, ông Huỳnh Ngọc Tư (Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đăk Fam) - chia sẻ: “Bơ booth có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng bơ thông thường, mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, đây là loại bơ muộn, nhưng hoa nở từ chính vụ và nở rộ bên ngoài tán khá đẹp, thời gian phơi hoa kéo dài trong mùa tưới tháng 2-3 nên chịu ảnh hưởng rất lớn của yếu tố nắng nhiều, gió lớn ở thời điểm nở hoa nên năng suất biến động, đậu tốt ở vùng ẩm, mát nhưng đậu kém ở vùng đồi, gió nhiều, nắng lớn hoặc đậu quả một bên tán nơi khuất nắng và gió”.
 
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Đăk Lăk, cây bơ booth hiện nay chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhưng trong tương lai, khi cây bơ với diện tích đủ tạo thành quy mô hàng hóa, nếu phát triển thêm các công nghệ chế biến, bảo quản tốt thì vẫn là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc phá cà phê hay các loại cây trồng khác để thay thế bằng bơ cần cân nhắc kỹ. 
 
Thiết nghĩ, bơ booth là giống bơ ngoại với nhiều đặc tính kỹ thuật riêng nên không thể trồng đại trà được trên tất cả các vùng đất, mà nên được trồng xen để tận dụng tốt diện tích và có thể đóng vai trò như cây che bóng chắn gió cho vườn cây. Ngoài ra, cần nghiên cứu trồng đa dạng các loại bơ truyền thống khác, nếu không sẽ phá vỡ quy hoạch dẫn đến tình trạng cung vượt cầu như nhiều loại cây trồng khác.
 
Cả 2 giống bơ booth 7 và booth 8 có nguồn gốc từ Florrida, Mỹ được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đưa về trồng thử nghiệm tại Tiền Giang năm 1998, nhưng không được Viện khuyến khích trồng ở miền Đông hay Tây Nam bộ. Năm 2000, giống này được Viện Ekamat và Trường Đại học Tây Nguyên đưa về triển khai khảo nghiệm tại địa bàn Đắk Lắk. Với điều kiện đất đai và khí hậu tại Tây Nguyên, kết quả cho thấy giống bơ booth 7 sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch muộn từ tháng 9-11 (dương lịch) giá bán rất cao và hoàn toàn phù hợp cho hiện trạng sản xuất tại Tây Nguyên và được công nhận vào năm 2013.
 
BÁ THĂNG