"Không để ai bị bỏ lại phía sau"

08:10, 18/10/2016

Chương trình một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn và sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước đối với đời sống, sinh kế của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. 

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động đã chính thức được triển khai trong ngày cuối tuần 15/10 vừa qua. Chương trình một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn và sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước đối với đời sống, sinh kế của người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. 
 
Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Đam Rông được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế vấn đề di cư tự do tại Đam Rông. Ảnh: N.Ngà
Là một trong những huyện nghèo nhất nước, Đam Rông được lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến và lãnh đạo tỉnh kiểm tra thực tế vấn đề di cư tự do
tại Đam Rông. Ảnh: N.Ngà

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, trong giai đoạn 2011 - 2015, Quốc hội, Chính phủ đã bố trí gần 47.340 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm tới 82%, còn lại là số vốn huy động được từ nhiều nguồn lực để thực hiện việc xóa nghèo bền vững trong giai đoạn này. 
 
Qua 5 năm triển khai, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo (các huyện nghèo nhất nước) giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm trên 6% năm, đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, Lâm Đồng đề ra mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Cụ thể, đến năm 2020, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 1,5-2%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS từ 2-3%/năm. Đến năm 2020, phấn đấu giảm tình trạng khó khăn ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS. 
Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011; riêng các hộ nghèo ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi tăng gấp 2,5 lần, đạt mục tiêu đề ra.
 
Đến hết năm 2015, một số chỉ tiêu của Chương trình đã đạt được, đó là: có 5% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 30% số xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 3,43% số xã miền núi vùng DTTS thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 100% trung tâm xã có điện, 70% công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hàng năm.
 
Bên cạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chính phủ đã ưu tiên tập trung nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo chung và chính sách giảm nghèo đặc thù nhằm cải thiện đời sống của người nghèo.
 
Đánh giá chung cho giai đoạn 2011 - 2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng:  Mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã đạt chỉ tiêu theo kế hoạch của Quốc hội đề ra. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào DTTS; cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam với thế giới... 
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ cấp bách của đất nước, điều này đã được thể hiện bằng sự nỗ lực của toàn thể các tầng lớp nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ chính trị trực tiếp của các địa phương với việc được đưa trực tiếp vào Nghị quyết Đảng bộ, vì vậy cần phải có chính sách thật đặc biệt để giúp các hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người đồng bào DTTS, vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo có thể giảm nghèo một cách nhanh nhất.
 
Tuy đã có nhiều thành tựu, nhưng công tác giảm nghèo tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cũng như thách thức. Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nguồn lực thực hiện chính sách và chương trình giảm nghèo hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu giảm nghèo nhanh và bền vững. Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn nhiều hạn chế, bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng...  
 
Chính vì những hạn chế đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 sẽ có các mục tiêu cụ thể, qua đó hướng trực tiếp đến đời sống, sinh kế của người dân, đó là: giảm bình quân 1-1,5% hộ nghèo trên cả nước, riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%, hộ nghèo DTTS giảm 3-4%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.
 
Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với năm 2015; riêng các hộ nghèo ở huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn tăng gấp 2 lần.
 
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
 
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.
 
ÐẶNG TUẤN LINH