Xử lý chợ vỉa hè như "đá ném ao bèo"

08:10, 28/10/2016

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán tại một số tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt đang trở thành một "vấn nạn" đáng lo ngại mà cơ quan chức năng vẫn chưa có cách tháo gỡ. 

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán tại một số tuyến đường trung tâm TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt đang trở thành một “vấn nạn” đáng lo ngại mà cơ quan chức năng vẫn chưa có cách tháo gỡ. Thực tế cho thấy, cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, nhưng dẹp trước thì chợ vỉa hè lại mọc lên sau và kéo theo đó là tình trạng mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…
 
Kẻ bán, người mua bất chấp nguy hiểm tràn ra đường để trao đổi hàng hóa tại ngã ba Hà Giang - Nguyễn Văn Cừ (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Ảnh K. Phúc
Kẻ bán, người mua bất chấp nguy hiểm tràn ra đường để trao đổi hàng hóa
tại ngã ba Hà Giang - Nguyễn Văn Cừ (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc). Ảnh K. Phúc

Khi những mối lo về cơm áo, gạo tiền đang đè nặng và ngự trị trong tâm trí họ thì ý thức coi trọng sự văn minh, sạch đẹp của thành phố vẫn chưa thể hình thành. Điều này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi cần có thời gian nhất định, cụ thể hơn là cần có lộ trình làm thay đổi nhận thức người dân, từ đó biến ý thức thành hành động.
 
Dẹp trước lại mọc lên sau
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng TP Bảo Lộc, hiện nay, trên địa bàn TP đang tồn tại ít nhất 8 địa điểm nổi cộm về tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán tạo thành những chợ “cóc” trái phép gây mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường. Tại các khu vực này, ngày nào cũng có lực lượng chức năng vào cuộc tuần tra xử lý, nhưng ngay sau đó mọi chuyện “đâu lại vào đấy”. 
 
Như thường lệ, vào khoảng 3 giờ chiều đến 6 giờ tối, tại khu vực ngã ba đường Hà Giang - Nguyễn Văn Cừ (phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc) lại tấp nập người bán, kẻ mua. Điều đáng nói tại đây, người ta buôn bán ngay trên vỉa hè và thậm chí ở cả giữa lòng đường. Một cảnh tượng luôn diễn ra tại đây vào các buổi chiều tối là người mua không cần xuống xe, mà chỉ cần tấp xe vào lề đường là cuộc mua bán cứ thế diễn ra. Việc xử lý vẫn được lực lượng Thanh tra Xây dựng và Trật tự đô thị (TTXD - TTĐT) TP Bảo Lộc cùng phường Lộc Sơn thường xuyên kiểm tra, xử lý nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.
 
Một người dân có nhà cạnh khu vực ngã ba Hà Giang - Nguyễn Văn Cừ (Bảo Lộc) phản ánh: “Chiều nào cũng vậy, hàng rau, hàng thịt rồi cả cá, tôm… người ta mua bán chật kín cả đường đi. Sợ nhất là hàng cá tại đây, nước chảy lênh láng tràn cả ra đường và bốc mùi tanh hôi khủng khiếp. Nhiều hôm tôi đi công việc về đoạn đường này bị tắc đi không nổi. Chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn để chấm dứt được tình trạng lấn chiếm lề đường để kinh doanh buôn bán”.
 
Khi được hỏi việc lấn chiếm vỉa hè, một người bán rau cho biết: “Ngoài mặt đường, nhiều người qua lại, hàng bán dễ hơn chứ vào trong chợ khó bán lắm. Lúc nào cán bộ dẹp trật tự đến thì bê hàng chạy, cũng có nhiều hôm chạy không kịp, tôi bị thu mất gánh rau… ”.
 
Tương tự, tại nhiều khu vực khác ở Bảo Lộc như khu chợ cũ (phường 1), ngã tư Khu 6 (đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Công Trứ, phường 2), ngã ba Lê Văn Tám - Nguyễn Văn Trỗi, ngã tư Huỳnh Thúc Kháng - Phan Đình Phùng (phường 2), khu vực chợ Đại Lào (xã Đại Lào), chợ Tân Bùi (xã Lộc Châu) hay trước cổng Trường Cao đẳng Kinh tế Bảo Lộc… nhiều hộ dân cũng tự ý sử dụng vỉa hè làm “lãnh địa” riêng của mình để kinh doanh, buôn bán. Khi lực lượng chức năng đến, những hộ dân này rất nhanh chóng thu dọn hàng hóa và trả lại vẻ thoáng đãng cho vỉa hè. Tuy nhiên, viễn cảnh ấy chỉ diễn ra trong chốc lát, khi không còn bóng dáng của cán bộ quản lý TTĐT thì mọi việc lại diễn ra như cũ.
 
Còn tại TP Đà Lạt, chợ vỉa hè chỉ tập trung hoạt động vào buổi sáng và giờ tan tầm cao điểm. Khách đến mua hàng đậu xe dưới lòng đường gây lộn xộn, mất TTĐT. Điển hình như chợ Đà Lạt bị lấn chiếm thường xuyên. Khu vực dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai ban ngày bị các cửa hàng bán hoa tươi, rau củ lấn hết vỉa hè dành cho người đi bộ. Tương tự, chợ Cẩm Đô chủ yếu buôn bán rau củ, hải sản dưới lòng đường, phần lòng đường bị lấn chiếm gần hết, chỉ còn một khoảng nhỏ cho xe cộ đi lại. Chợ Hoàng Diệu họp ngay gần một trường mầm non, một ngày 2 buổi khiến giao thông ngay khu vực ngã ba giao với đường Trần Nhật Duật trở nên phức tạp. Các tuyến đường như Yersin, Trần Quý Cáp… tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè nhỏ lẻ vẫn thường xuyên diễn ra.
 
Chưa có giải pháp tối ưu
 
Với quyết tâm dọn dẹp chợ vỉa hè trên địa bàn, ông Nguyễn Quốc Bắc, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc khẳng định: “Trong thời gian qua, TP Bảo Lộc không chỉ xử lý các trường hợp kinh doanh, buôn bán trái phép trên vỉa hè, mà kể cả những người mua cũng bị xử lý. Theo đó, TP đã ban hành kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh đô thị; trong đó, có nội dung tổ chức cho thành viên thuộc các cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân ký cam kết không vi phạm TTĐT”. 
 
Trên cơ sở đó, Đội TTXD - TTĐT TP Bảo Lộc đã thường xuyên phối hợp với các lực lượng như Công an TP, đội trật tự các phường trung tâm thường xuyên xử lý các điểm tập trung lấn chiếm vỉa hè, lòng đường buôn bán. Ông Đinh Công Huyện, Đội trưởng Đội TTXĐ - TTĐT TP Bảo Lộc cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp để giải tỏa, xử lý các trường hợp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, hành lang trên toàn bộ các phường, xã của TP. Tuy nhiên, hiện đơn vị vẫn chưa xây dựng được các cơ chế để làm thay đổi nhận thức của người dân. Cùng với đó, trách nhiệm quản lý của các tổ chức để quán triệt, hướng dẫn các thành viên chưa thực hiện tốt. Đó là những nguyên nhân khiến chợ vỉa hè vẫn cứ tồn tại và tình hình vi phạm TTĐT vẫn còn diễn ra. Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND TP rà soát để quy hoạch các điểm buôn bán tập trung tránh tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường đang diễn ra như hiện nay”.
 
Theo ông Nguyễn Đức Trâm - Đội trưởng Đội CSTT, CATP Đà Lạt, thì vấn đề chợ vỉa hè, chợ cóc ở Đà Lạt cơ quan chức năng mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Hiện tại, rất khó khăn để có thể xử lý triệt để vấn nạn chợ cóc, chợ vỉa hè. Thời gian qua, CSTT TP cũng đã nhiều lần phối hợp với UBND các phường tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán trên địa bàn ký cam kết chấp hành các quy định về đảm bảo TTĐT ở các tuyến đường, trục phố.
 
Thượng tá Nguyễn Văn Châu, Phó trưởng CATP Đà Lạt cho biết: “Với tình trạng chợ vỉa hè đang tồn tại như hiện nay, nếu chỉ tập trung đi kiểm tra vào những giờ cao điểm thì không thể giải quyết triệt để được. Chúng ta mới kịp xử lý phần ngọn nhằm khống chế không để phát sinh mở rộng thêm các tụ điểm buôn bán trên vỉa hè. Nhưng muốn giải quyết dứt điểm thì phải tìm ra nguyên nhân sâu xa, giúp bà con ổn định cuộc sống mới làm được”.
 
Thực tế cho thấy, việc lấn chiếm hành lang, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán không phải là vấn đề mới nảy sinh. Cùng với đó, việc xử lý vi phạm từ trước đến nay vẫn được cơ quan chức năng TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt thực hiện đều dặn, song tình trạng này vẫn không được cải thiện. Có lẽ những biện pháp xử lý có kiên quyết đến đâu, các cơ quan chức năng có mạnh tay vào cuộc thế nào thì “vấn nạn” lấn chiếm hành lang, vỉa hè cũng sẽ không được xóa bỏ dứt điểm nếu người dân chưa ý thức về hành động vi phạm của mình. 
 
“Đuổi rồi chạy - chạy rồi quay lại”, cái điệp khúc dẹp người vi phạm lấn chiếm hành lang, vỉa hè vẫn cứ diễn ra hằng ngày tại TP Bảo Lộc và TP Đà Lạt quả thật như “đá ném ao bèo”. Đến bao giờ hành lang, hè phố được trả lại sự thông thoáng, văn minh, đảm bảo tiêu chí xanh - sạch - đẹp? Đó luôn là câu hỏi lớn đối với các cơ quan chức năng tại 2 địa phương này.
 
Anh Đào Văn Hòa (phường 2, TP Bảo Lộc): Cần có biện pháp để làm thay đổi ý thức của người dân
 
“Tôi sống ở TP Bảo Lộc đã hơn 15 năm nay, từ đó đến nay, tình trạng chợ vỉa hè ở Bảo Lộc cứ ngày một lớn dần thêm. Theo tôi, để giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm vỉa hè kinh doanh, buôn bán nhằm trả lại bộ mặt văn minh cho TP  thì cơ quan chức năng cần có biện pháp để làm thay đổi ý thức của người dân. Muốn vậy, cơ quan chức năng phải có những chế tài rõ ràng, nghiêm minh để xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm ”.
 
Anh Lê Văn Thương (phường 2, TP Bảo Lộc): Phải vào cuộc quyết liệt để xử lý cả phần ngọn lẫn phần gốc
 
“Chợ vỉa hè và chợ cóc là một “vấn nạn” đáng báo động của xã hội làm mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường và mất TTĐT. Tôi thấy hiện nay, trong vấn đề thực thi nhiệm vụ thì cơ quan chức năng vẫn còn tính cả nể và chưa dứt khoát. Để trả lại vỉa hè thông thoáng nhằm tạo bộ mặt văn minh (xanh - sạch - đẹp) thì điều cần thiết là phải trang bị phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Lực lượng chức năng cần vào cuộc quyết liệt để xử lý cả phần ngọn lẫn phần gốc như vậy may ra 
 
Chị Nguyễn Thị Loan (phường 10, TP Đà Lạt): Cần mạnh tay xử lý cả người bán lẫn người mua lấn chiếm lòng lề đường
 
“Những người buôn bán bày ra hết lối đi trên vỉa hè, khiến người đi bộ phải đi dưới lòng đường, gây nguy hiểm. Nhưng cũng cần cảm thông vì đây chủ yếu cũng là những người dân nghèo, “buôn gánh bán bưng” để mưu sinh. Chợ Yersin (Đà Lạt) cũng quá nhỏ, nhiều người muốn vào chợ cũng không có bãi đậu xe. Một phần cũng là do người dân thấy tiện lợi khi dừng xe mua hàng, không mất nhiều thời gian. Muốn dứt điểm tình trạng này cũng rất khó, cả hiện tại và tương lai. Tốt nhất, để chấm dứt chợ vỉa hè cần mạnh tay xử lý cả người bán lẫn người mua lấn chiếm lòng lề đường may ra mới triệt để”.
K.PHÚC - HỒNG THẮM (lược ghi)

HẢI ÐƯỜNG - HỒNG THẮM