Dân lo lắng khi nước hồ thủy điện dâng cao

04:11, 11/11/2016

Khoảng 40 hộ dân có vườn cà phê giáp lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 (huyện Lâm Hà) đang sống trong lo lắng vì nửa tháng nay, mực nước tại lòng hồ dâng cao (khoảng 70 cm) làm ngập khoảng 20 ha diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.

Khoảng 40 hộ dân có vườn cà phê giáp lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 (huyện Lâm Hà) đang sống trong lo lắng vì nửa tháng nay, mực nước tại lòng hồ dâng cao (khoảng 70 cm) làm ngập khoảng 20 ha diện tích cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.
 
Nước ngập vào trong nhà khoảng 30 cm, Trần Mạnh Linh (29 tuổi, thôn Hà Lâm) di chuyển một số vật dụng ra khỏi nhà vì sợ nước tiếp tục dâng cao. Ảnh: C.Thành
Nước ngập vào trong nhà khoảng 30 cm, Trần Mạnh Linh (29 tuổi, thôn Hà Lâm) di chuyển một số
vật dụng ra khỏi nhà vì sợ nước tiếp tục dâng cao. Ảnh: C.Thành

Theo người dân thôn Hà Lâm, xã Liên Hà (huyện Lâm Hà), tới ngày 9/11, mực nước vẫn chưa có dấu hiệu rút xuống. Trước đó, từ ngày 25/10, do mưa kéo dài khiến mực nước dâng cao, làm cho cả chục hộ dân sống cạnh lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 nháo nhào khi phát hiện một phần diện tích cà phê thời kỳ kinh doanh đã chìm nghỉm trong nước. Khu vực vườn, nhà của người dân bị ngập do nước lòng hồ dâng cao nằm trong diện tích chưa được Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam (gọi tắt là Thủy điện Trung Nam) làm chủ đầu tư đền bù. 
 
“Cà phê cho thu hoạch ngập trong nước”
 
Ngập phát sinh sẽ thu hồi, đền bù cho dân
 
Ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Thủy điện Trung Nam cho rằng, mực nước dâng cao trên cọc mốc cao trình 680 m chỉ diễn ra ở xã Liên Hà. Để khẳng định có sai sót trong quá trình xác định cọc mốc hay không trong vài ngày tới, đơn vị sẽ thuê đơn vị tư vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường đi khảo sát, đo đạc lại mới có thể khẳng định chính xác. “Về diện tích cà phê người dân bị ngập, trường hợp đã được đền bù sẽ không được đền bù nữa. Trường hợp diện tích cà phê nếu ngập phát sinh, công ty sẽ xin chủ trương từ UBND tỉnh cho đo đạc số lượng cây, thu hồi và đền bù cho người dân theo quy định” - ông Tuấn cho biết.
Chiều ngày 8/11, anh Trần Mạnh Linh (ngụ thôn Hà Lâm, xã Liên Hà) cho biết, gia đình anh bị một phen hốt hoảng khi phát hiện nước lòng hồ dâng ngập sân phơi cà phê vào sáng ngày 25/10. Đây là số cà phê gia đình anh thu hoạch sớm trước đó vài ngày. Điều may mắn khi phát hiện nước nhấn chìm cà phê, anh Linh đã gọi báo lên chính quyền thôn, xã hỗ trợ gấp nên đã trục vớt lại được một phần tài sản.   
 
Theo anh Linh, hơn 3 năm nay, từ khi Thủy điện Đồng Nai 2 tiến hành tích nước (ngày 21/9/2013) thì mực nước lòng hồ thủy điện chỉ lên xuống mấp mé giáp chân chiếc cọc do Thủy điện Trung Nam đóng. Đây được coi là mốc giới hạn mực nước dâng tối đa (khoảng 680 m), trên cọc mốc này là diện tích đất chưa được đền bù giải tỏa. Theo quan sát của chúng tôi, mực nước dâng cao cũng làm đường đi độc đạo vào ngôi nhà cấp 4 của gia đình bị ngập, vợ chồng anh Linh cùng 2 con nhỏ phải đi thuyền ra vào nhà hơn 10 ngày nay.
 
Cách nhà anh Linh khoảng 700 m là hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xuân cũng bị ngập từ mép nhà lên khoảng 30 cm. Ông Xuân có hai căn nhà nhỏ rộng khoảng 40 m 2, được xây lên làm chỗ cho khách qua lòng hồ trú chân khi qua phà. Nhưng khi nước dâng từ ngày 25/10 tới nay, gia đình ông phải lên ở tạm nhà người quen phía trên, còn người dân qua phà phải đứng đợi phà khá xa vị trí so với trước đây.
 
Nhiều người dân thôn Hà Lâm xác nhận, mực nước lòng hồ dâng cao từ ngày 25/10 là lần đầu tiên xảy ra tại đây sau khi thủy điện tiến hành tích nước. Tới ngày 7/11, người dân ghi nhận mực nước tiếp tục dâng ngập cọc mốc khoảng 40 cm. Ông Hoàng Đình Vọng, Trưởng thôn Hà Lâm cho biết thêm, tính đến sáng ngày 9/11, mực nước dâng cao thêm khoảng 20 cm khiến người dân rất lo lắng. “Bước đầu chúng tôi ước chừng với mực nước dâng cao vượt cọc mốc khoảng 70 cm làm ngập khoảng 8 ha cà phê đã cho thu hoạch của 30 hộ dân trong thôn. Chúng tôi quan sát mực nước dâng cao và báo cáo liên tục lên UBND xã Liên Hà để chính quyền kịp thời can thiệp, xử lý cho bà con” - ông Vọng nói.
 
“Sẽ đo đạc diện tích thiệt hại khi nước rút”
 
Theo báo cáo nhanh từ các thôn lên UBND xã Liên Hà, tính tới sáng nay, hiện ba thôn có diện tích cà phê bị ngập nước là thôn Sình Công, Chiến Thắng và Hà Lâm bị ảnh hưởng nặng nhất với diện tích cà phê cho thu hoạch bị thiệt hại khoảng 20 ha. Ông Nguyễn Viết Khê, Chủ tịch UBND xã Liên Hà cho biết, các ban, ngành UBND huyện Lâm Hà và đại diện Thủy điện Trung Nam cũng đã khảo sát sơ bộ, tuy nhiên do mực nước nằm trên vị trí cọc mốc nên chưa thể đo đạc chính xác diện tích cà phê bị ngập. “Người dân đang rất xót ruột khi nhìn cà phê bị ngập nhưng nước chưa rút thì không thể đo diện tích thiệt hại cụ thể. Huyện Lâm Hà và Thủy điện Trung Nam đã thống nhất sẽ thống kê diện tích người dân bị ảnh hưởng ngay khi nước rút” - ông Khê chia sẻ.
 
Còn theo ông Trương Quốc Khánh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Hà cho biết, ngay trong ngày 25/10, sau khi nghe báo cáo từ UBND xã Liên Hà, các ban, ngành chức năng UBND huyện Lâm Hà phối hợp cùng cán bộ Thủy điện Trung Nam xuống kiểm tra hiện trường. Cơ quan chức năng bước đầu xác nhận, nguyên nhân chính dẫn tới mức nước dâng cao nửa tháng trở lại đây là do mưa nhiều, hồ Thủy điện Đại Ninh, Thủy điện Đạ Dâng xả nước đồng loạt khiến lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 nước dâng cao đáng kể. Trong khi lưu lượng xả lũ hồ Đồng Nai 2 thấp nên nước rút khá chậm. 
 
Theo quy định Thủy điện Trung Nam, việc tích nước giai đoạn 2 lòng hồ cao trình mực nước dâng bình thường là 680 m. Theo ông Khánh, đoàn kiểm tra khảo sát từ ngày 25/10 thì thực tế phía công ty có thể có sai sót do vị trí cắm cọc mốc có nơi ở mức 679 m, chưa tới cao trình bình thường là 680 m. 
 
CHÍNH THÀNH