Nỗi lo của bưu tá khi giao hàng mua bán qua mạng

08:11, 22/11/2016

Nỗi khổ mỗi khi giao hàng mua bán qua mạng internet cũng không kém gì với việc giao bưu gặp phải "nhà không số, phố không tên"…

Nỗi khổ mỗi khi giao hàng mua bán qua mạng internet cũng không kém gì với việc giao bưu gặp phải “nhà không số, phố không tên”…
 
Đó là lời bộc trực của các nhân viên bưu tá công tác tại Bưu điện Lâm Đồng. Theo các bưu tá, do đặc thù về điều kiện khí hậu, địa hình; sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là việc mở rộng đô thị quá nhanh, người dân chưa kịp cập nhật địa chỉ mới ở những địa bàn từ “quê” lên “phố”, nhưng phố chưa kịp đặt tên. 
 
Ngay như đô thị Đà Lạt vẫn còn nhà không số, trùng số, có trường hợp một con hẻm mang cùng số nhà… Điều này trở thành áp lực không nhỏ đối với đội ngũ nhân viên bưu tá. “Vất vả, khó khăn đến mấy anh em vẫn chịu được, chỉ sợ bị một số người hiểu nhầm dẫn đến việc nghi ngờ, thậm chí hành hung khi giao phải bưu phẩm hàng đểu, hàng nhái, hàng kém chất lượng…” - một bưu tá đang công tác tại Bưu điện Lâm Đồng thổ lộ.
 
Nhân viên Bưu điện Lâm Đồng tiếp nhận và thực hiện phát bưu gửi. Ảnh: T.Trang
Nhân viên Bưu điện Lâm Đồng tiếp nhận và thực hiện phát bưu gửi. Ảnh: T.Trang

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, có không ít trường hợp anh em bưu tá đã gặp phải rắc rối, có trường hợp còn bị hành hung trong quá trình giao phát bưu phẩm gửi mua bán hàng qua mạng. Cụ thể, như trường hợp của anh Cao Duy Quang. Ngày 3/10/2016, anh Quang thực hiện giao phát bưu gửi COD (phát hàng - thu tiền), với đơn vận chuyển hàng kê khai gỗ mỹ nghệ cao cấp cho người nhận tại xã Lạc Xuân (Đơn Dương). Sau khi giao bưu phẩm, thu giúp số tiền 10,8 triệu đồng cho người gửi, người nhận mở ngay gói hàng trước sự chứng kiến của bưu tá cùng người thân trong gia đình, tất cả đều “tá hỏa” vì gói hàng chỉ có một số thanh gỗ cũ và một thanh sắt mà không phải gỗ mỹ nghệ cao cấp như thỏa thuận ban đầu. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người nhận bưu phẩm bức xúc đòi lại tiền và đổ hết trách nhiệm cho bưu tá. 
 
Dù bưu tá giải thích thế nào người nhận bưu phẩm trên cũng không chấp nhận, chỉ đến khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng cùng Bưu điện huyện Đơn Dương thì vụ việc mới được “hạ nhiệt”. 
 
Phó Giám đốc Bưu điện Lâm Đồng Phạm Thị Ngọc trăn trở: Những năm gần đây, việc mua bán hàng qua mạng internet phát triển khá nhanh, mang lại nhiều tiện ích cho người mua. Tuy nhiên, trong lúc còn “tranh tối, tranh sáng”, một số kẻ xấu lợi dụng việc người dân chưa am hiểu nhiều về việc mua bán qua mạng để lừa đảo, tráo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… Những người hiểu biết thì thông cảm, số ít còn lại thì đổ lỗi hết cho bưu tá, có trường hợp còn hành hung và nói những lời rất khó nghe.
Khi Bưu điện huyện Đơn Dương gọi điện thông báo vụ việc, người gửi đề nghị Bưu điện trả lại tiền cho người nhận, nhưng Bưu điện yêu cầu người gửi phải ra bưu điện (nơi gởi hàng) hủy nhờ thu mới có thể trả lại tiền cho người nhận. Tuy nhiên, người gửi không thực hiện mà lại yêu cầu bưu điện lập khiếu nại trên Web khiếu nại việc “Người gửi không sử dụng dịch vụ đồng kiểm, nhưng bưu tá tự ý cho khách hàng xem hàng”. Bưu điện huyện Đơn Dương lại phải trả lời khiếu nại, cung cấp hình ảnh nội dung gói hàng thì người gửi mới đồng ý hủy nhờ thu, đề nghị trả tiền lại cho người nhận.
 
Cùng chung tình trạng, trước đó ngày 29/9/2016, bưu tá Hồ Văn Dũng thuộc Bưu điện huyện Lâm Hà, khi phát bưu gửi COD, người nhận yêu cầu mở bưu phẩm để kiểm tra hàng nhưng bưu tá không đồng ý. Người nhận điện thoại cho người gửi, bật loa ngoài để bưu tá và mọi người cùng nghe cuộc thoại. Qua điện thoại, người gửi nói trong bưu phẩm có một bao lì xì 2 triệu đồng, nên người nhận hứa với bưu tá sẽ thanh toán tiền, đồng thời cầm, mở ngay bưu gửi. Khi mở bưu gửi thì không có bao lì xì như người gửi nói, lúc này người nhận lại cho rằng bưu tá lừa đảo và điện thoại báo cho Công an xã Liên Hà. Công an xã đã lập biên bản tạm giữ bưu phẩm gửi, đưa bưu tá về trụ sở công an xã để giải quyết. 
 
Sau khi vụ việc xảy ra, Bưu điện huyện Lâm Hà không thể liên hệ được với người gửi, nên phải liên hệ với nơi nhận hàng để thông tin toàn bộ vụ việc và lập khiếu nại lên trang Web khiếu nại… nhưng đến nay vẫn phải chờ nơi nhận chuyển hàng làm việc với người gửi. 
 
Trong khi đó, bà Dương Thị Kim Tiến - Kiểm sát viên Bưu điện Lâm Đồng, phụ trách địa bàn TP Đà Lạt cho biết: Chỉ riêng việc số nhà trùng lắp, nhiều bưu phẩm không có số điện thoại đã gây khó khăn cho đội ngũ bưu tá. Nhưng, quan ngại nhất hiện nay là các bưu phẩm không được đồng kiểm, khi người nhận phát hiện không đúng với mẫu mã, chất lượng ban đầu như nhìn thấy, thỏa thuận qua mạng, có trường hợp mua thuốc thì gửi quần áo, điện thoại lại gửi sách vở… Có trường hợp anh em bưu tá bị khách hàng rượt đuổi hành hung phải nhờ đến công an can thiệp, hỗ trợ. Như trường hợp bưu tá Phạm Trọng Nghĩa, giao bưu phẩm ở Trại Mát (TP Đà Lạt), khi giao gói hàng bàn ủi, máy kẹp tóc nhưng người nhận phát hiện không đúng với cam kết ban đầu nên nghi ngờ bưu tá. Thực tế thì anh em bưu tá chỉ là người trung gian đứng ra giao hàng cho người nhận nhưng lại bị nghi ngờ oan.
 
Hàng gửi COD, khai gỗ mỹ nghệ cao cấp, nhưng bên trong chỉ như thế này. Ảnh: T.Trang
Hàng gửi COD, khai gỗ mỹ nghệ cao cấp, nhưng bên trong chỉ như thế này. Ảnh: T.Trang

Trước hết cần khẳng định, trong “thế giới phẳng” ngày nay, việc mua bán hàng qua mạng - một hình thức thương mại mới xuất hiện và phát triển rất nhanh ở Việt Nam, mang lại cho người dân khá nhiều tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, công sức, dễ so sánh giá cả, lựa chọn được đa dạng, giá thành rẻ… và nhận hàng tại nhà. Tuy nhiên, việc mua bán hàng qua mạng cũng kéo theo một số hệ lụy như về độ an toàn không cao, chất lượng hàng hóa khó thẩm định… 
 
Để tránh phiền phức và mất tiền vô lý, người mua hàng qua mạng cần tỉnh táo, cẩn trọng trong việc lựa chọn các trang bán hàng uy tín, bởi trong không gian ảo, các chủ shop rất dễ dàng trốn tránh trách nhiệm, đôi khi một số kẻ xấu, kẻ cơ hội chỉ cần xóa tài khoản, số điện thoại là người mua hàng ngậm lấy “quả đắng”. Tốt nhất, người dân nên chọn phương cách mua hàng đồng kiểm, kiểm tra hàng trước - trả tiền sau để tránh lừa đảo.
 
THỤY TRANG