Phòng cháy chữa cháy - Ðừng để "mất trâu mới lo làm chuồng"

09:12, 08/12/2016

Không có lối thoát nạn, bảng hiệu ảnh hưởng đến lối thoát nạn, phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ không đảm bảo, tường vách ngăn bằng vật liệu dễ cháy… là những sai phạm phổ biến mà Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (tại TP Bảo Lộc) đã ghi nhận khi kiểm tra tại nhiều quán bar, karaoke, trung tâm thương mại, chợ… trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Di Linh.

Không có lối thoát nạn, bảng hiệu ảnh hưởng đến lối thoát nạn, phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại chỗ không đảm bảo, tường vách ngăn bằng vật liệu dễ cháy… là những sai phạm phổ biến mà Phòng Cảnh sát PCCC số 2 (tại TP Bảo Lộc) đã ghi nhận khi kiểm tra tại nhiều quán bar, karaoke, trung tâm thương mại, chợ… trên địa bàn TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Di Linh. Trước đó, tại TP Bảo Lộc đã xảy ra một vụ cháy phòng trà ca nhạc, karaoke. Dù không gây thiệt hại về người nhưng vụ cháy này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng an toàn cháy nổ tại các tụ điểm vui chơi tập trung đông người.
 
Toàn bộ mặt tiền bị bít kín khiến công tác chữa cháy tại Phòng trà, karaoke Uyên My gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Ð.Anh
Toàn bộ mặt tiền bị bít kín khiến công tác chữa cháy tại Phòng trà, karaoke Uyên My gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: Ð.Anh
Tự bít “đường thoát thân”
 
Đầu tháng 8/2016, vụ cháy tại Phòng trà, karaoke Uyên My trên địa bàn phường Lộc Sơn (TP Bảo Lộc) đã khiến nhiều người chứng kiến không khỏi lo ngại. Khu vực cháy được xác định là tại phòng số 9 trên tầng 4 của phòng trà, karaoke này. Nguồn lửa xuất phát do một nhóm thanh niên đốt nến để tổ chức sinh nhật, do bất cẩn nên gây cháy. Dù nhân viên đã hướng dẫn khách thoát ra ngoài và dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng ngọn lửa vẫn bốc cao và ngày càng cháy lan. Vụ việc xảy ra vào khoảng 19 giờ 30 phút và sau đó không lâu thì lực lượng chữa cháy có mặt tại hiện trường để tiến hành dập lửa. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là toàn bộ mặt tiền của phòng trà, karaoke này bị bít kín bằng khung kiếng. Đường lên xuống duy nhất phục vụ việc chữa cháy, cũng là lối thoát hiểm duy nhất, là cầu thang bộ được bố trí sát vách sau của phòng trà. Đồng thời, toàn bộ tường cách âm đều được làm bằng mút xốp dễ cháy nên đám cháy nhanh chóng bao trùm toàn bộ phòng số 9 và có nguy cơ cháy lan sang những phòng khác. Lúc này, toàn bộ phòng trà, karaoke cao 4 tầng này đều bị bao trùm bởi khói và hơi nóng. Nhân viên chữa cháy phải dùng mặt nạ chống độc mới tiếp cận được vị trí cháy. Phương án giật sập khung kiếng bít kín mặt tiền cũng đã được đưa ra nhằm nhanh chóng dập lửa nhưng không khả thi. Sau gần 2 giờ tích cực chữa cháy và “làm nguội” toàn bộ căn nhà, đám cháy đã được khống chế. 
 
Theo Thiếu tá Phạm Thái Bình, Đội trưởng Đội Hướng dẫn và Kiểm tra An toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC số 2), dù đám cháy được khống chế ngay tại phòng số 9 với diện tích rộng 21 m2 nhưng khói lại lan rộng khắp tòa nhà do bị bít kín. Đây là điều rất nguy hiểm đối với những nơi tập trung đông người như quán karaoke một khi xảy ra cháy, vì mọi người sẽ rất khó tìm được lối thoát hiểm và dễ bị ngộp. Rất may không có thiệt hại về người trong vụ cháy này nhưng cũng có nhiều điều cần rút kinh nghiệm là không nên sử dụng nến, thuốc lá trong những phòng cách âm bằng vật liệu dễ cháy, khi xảy ra cháy thì cần triển khai công tác cứu hộ và chữa cháy tại chỗ để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. 
 
Một thực tế dễ nhận thấy hiện nay là nhiều quán karaoke, khách sạn đều tự bít “đường thoát thân” nếu có sự cố cháy nổ xảy ra do dựng bảng hiệu bít kín toàn bộ mặt tiền. Đặc biệt, hệ thống điện sử dụng cho các bảng hiệu này cũng là nguyên nhân gây cháy rất phổ biến. Trong khi đó, theo quy định của Luật Quảng cáo, đối với các bảng hiệu dựng đứng thì chiều cao không được vượt quá chiều cao của tòa nhà, chiều rộng không quá 1 m; còn đối với bảng hiệu ngang thì chiều rộng không vượt chiều rộng của tòa nhà và chiều cao không quá 2 m. Quy định này không ngoài mục đích chừa lối thoát hiểm khi có sự cố xảy ra. Thế nhưng, trên thực tế, để “bắt mắt” và thu hút khách, nhiều khách sạn, phòng karaoke đã phớt lờ quy định này.
 
Kiểm tra đâu, sai phạm đó 
 
Từ ngày 15/11, triển khai kế hoạch của Sở Cảnh sát PCCC tỉnh Lâm Đồng, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin Bảo Lộc đã tiến hành kiểm tra 168 cơ sở kinh doanh karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán bar… tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Di Linh; trong đó, tập trung chủ yếu là các cơ sở kinh doanh karaoke với tổng số gần 100 cơ sở. Dù thời gian kiểm tra kéo dài đến 15/12, nhưng theo ghi nhận bước đầu thì hầu hết các cơ sở đã kiểm tra đều có lỗi vi phạm. Thiếu tá Phạm Thái Bình, Đội trưởng Đội hướng dẫn và kiểm tra An toàn PCCC (Phòng Cảnh sát PCCC số 2), cho biết: Các lỗi vi phạm chủ yếu là chưa lập hoặc không đầy đủ hồ sơ về quản lý, theo dõi PCCC; thiếu nội quy, quy định về PCCC; không xây dựng phương án chữa cháy; chưa huấn luyện phòng cháy cơ sở; không có đường lối thoát nạn, bảng hiệu ảnh hưởng đến lối thoát nạn; thiếu hoặc không có phương tiện PCCC… Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra cũng đã nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở phải khắc phục, sửa chữa những thiếu sót, sai phạm. Đoàn cũng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở có các lỗi vi phạm nghiêm trọng. 
 
Theo quy định, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra công tác PCCC theo định kỳ 2 lần/năm đối với các cơ sở ít nguy cơ cháy nổ và 4 lần/ năm đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, để đủ điều kiện hoạt động thì bắt buộc phải có đủ 4 loại giấy tờ, gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hoạt động karaoke (do Phòng Văn hóa Thông tin cấp). Trên thực tế, có rất nhiều bất cập trong công tác phối hợp để cấp các loại giấy tờ này. Do đó, riêng đối với việc cấp chứng nhận đủ điều kiện về PCCC nhiều nơi còn bị buông lỏng. Để cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hoạt động karaoke (được xem là giấy phép cuối cùng để các cơ sở kinh doanh karaoke có thể hoạt động) thì phòng văn hóa thông tin các huyện, thành phải làm công tác “hậu kiểm”, nghĩa là thẩm định các điều kiện cần và đủ, trong đó có điều kiện về PCCC và an ninh trật tự, rồi mới cấp phép. Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Huyền Phương, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin Bảo Lộc, cho biết: “Theo Nghị định 103 của Chính phủ (ngày 6/11/2009), để cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh hoạt động karaoke cho các cơ sở kinh doanh thì Phòng Văn hóa Thông tin phải kiểm tra các điều kiện về diện tích, tiếng ồn, khoảng cách so với các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo. Nếu các điều kiện này đảm bảo và các cơ sở kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì đã đủ điều kiện để Phòng cấp giấy phép kinh doanh hoạt động karaoke, hoàn toàn không yêu cầu xem xét các giấy phép đủ điều kiện về PCCC và an ninh trật tự”. 
 
Không chỉ tự bít kín “đường thoát thân” ở những quán karaoke có quy mô lớn, trên thực tế, có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke nhỏ tận dụng nhà ở để cải tạo thành phòng karaoke. Do đó, các điều kiện về PCCC ngay từ đầu đã không được thực hiện hoặc thực hiện chỉ mang tính chất đối phó. Khi xảy ra sự cố cháy nổ thì thiệt hại là điều không thể lường trước. Vụ cháy cơ sở kinh doanh karaoke tại Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng là một bài học đắt giá để chủ các cơ sở kinh doanh karaoke phải đặc biệt lưu tâm đến công tác PCCC, đừng để “mất trâu mới lo làm chuồng”.
 
ÐÔNG ANH