Trả lại nguyên trạng cho Quảng trường Bảo Lộc

08:12, 13/12/2016

Nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán, nhiều dịch vụ vui chơi có thu tiền tại Quảng trường Bảo Lộc đang dần chiếm hết không gian sinh hoạt chung của người dân. Tại đây, tình trạng giành vị trí, bảo kê và lừa chạy giấy phép cũng đã xảy ra gây mất an ninh trật tự. 

Nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán, nhiều dịch vụ vui chơi có thu tiền tại Quảng trường Bảo Lộc đang dần chiếm hết không gian sinh hoạt chung của người dân. Tại đây, tình trạng giành vị trí, bảo kê và lừa chạy giấy phép cũng đã xảy ra gây mất an ninh trật tự. 
 
Trước tình trạng này, UBND TP Bảo Lộc đã có quyết định trả lại nguyên trạng cho Quảng trường nằm ngay trung tâm thành phố này.
 
Nhiều trò chơi thiếu nhi, nhiều dịch vụ ăn uống chiếm trọn Quảng trường Bảo Lộc. Ảnh: Đ.Anh
Nhiều trò chơi thiếu nhi, nhiều dịch vụ ăn uống chiếm trọn Quảng trường Bảo Lộc. Ảnh: Đ.Anh

Lừa chạy giấy phép?
 
Từ đầu năm 2016, chị Nguyễn Thị Ngọc Dung (quê Trà Vinh) đến Quảng trường Bảo Lộc để kinh doanh dịch vụ vui chơi cho trẻ em là nhà banh và bán thêm trà sữa. Thế nhưng, vì không có giấy phép do UBND phường II cấp nên chị gặp rất nhiều khó khăn. Những người kinh doanh khác tại đây lấy lý do chị không có giấy phép hoạt động nên thường xuyên xua đuổi, tranh giành vị trí. Trước thực trạng này, với mong muốn được kinh doanh hợp pháp như nhiều người tại đây, chị Dung đã đến UBND phường II để xin giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, UBND phường II đã không đồng ý cấp phép cho chị. 
 
Cứ mỗi buổi chiều, khu vực Quảng trường Bảo Lộc lại nhộn nhịp với đủ các loại trò chơi và dịch vụ ăn uống. Hàng chục hộ kinh doanh các trò chơi thiếu nhi như: nhà banh, nhà hơi, xe xích lô, xe điện đụng… và các dịch vụ ăn uống như trà sữa, cá viên chiên… đua nhau chiếm toàn bộ diện tích Quảng trường. Tình trạng hoạt động như hiện tại đã gây nên tình trạng mất an ninh trật tự. Trong khi đó, Quảng trường là sân chơi chung của mọi người nhưng với cách quản lý như hiện tại thì ảnh hưởng đến vui chơi của người dân.
Trong lúc đang lo lắng thì chị Dung được một người kinh doanh tại Quảng trường giới thiệu với bà Lê Thị Hồng Hải. Bà Hải được cho là có mối quan hệ quen biết và có thể “chạy” được giấy phép hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí và kinh doanh ăn uống tại Quảng trường Bảo Lộc. Qua một số lần liên lạc và hẹn gặp, bà Hải đồng ý giúp chị Dung làm giấy phép với số tiền 23 triệu đồng. Sau nhiều lần đưa đủ số tiền nêu trên, bà Hải tiếp tục lấy lý do chưa đủ để “lo” nên yêu cầu chị Dung tiếp tục đưa tiền. Khi số tiền lên đến con số 36 triệu đồng, bà Hải vẫn chưa lo được giấy tờ mà yêu cầu đưa thêm 10 triệu đồng nữa. Lúc này, chị Dung không đồng ý đưa thêm thì bà Hải nói không có giấy phép và cũng không trả lại số tiền mà chị Dung đã đưa. 
 
Chị Dung kể lại: “Để có số tiền này, tôi đã phải cầm cố hết tài sản và lấy thêm của anh Nguyễn Văn Hậu (ngụ tại phường II) với ý định cùng làm ăn chung. Giờ không có giấy phép, cũng không được trả lại tiền nên tôi phải bán cả nhà banh và xe trà sữa để trả nợ. Bức xúc trước hành vi lừa đảo của bà Hải, tôi đã làm đơn tố cáo gửi Công an TP Bảo Lộc. Đến nay, Công an đã mời tôi lên lấy lời khai để làm rõ vụ việc”.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Đức Quyển, Phó Chủ tịch UBND phường II cho biết: “Vào ngày 8/6/2016, bà Lê Thị Hồng Hải có đến phường xin giấy phép hoạt động nhà banh tại khu vực Quảng trường cho người em là bà Lê Thị Hồng Vân và đã được đồng ý. Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 ngày, đến ngày 10/6, bà Hải lại tiếp tục có đơn xin phép và phường đã không đồng ý giải quyết. Lý do, bà Hải đã vừa được cấp phép và UBND TP Bảo Lộc cũng đã có chủ trương không cho tiếp tục kinh doanh, buôn bán tại khu vực Quảng trường. Còn việc lừa để chạy giấy tờ như phản ánh của bà Dung thì phường hoàn toàn không biết”.        
 
Mất an ninh trật tự
 
Theo Phòng Văn hóa Thông tin TP Bảo Lộc, tại Quảng trường, các dịch vụ ăn uống không được kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm, một số trò chơi rất nguy hiểm nhưng không được cảnh báo và kiểm soát. Khi thanh tra văn hóa đến kiểm tra thì các hộ kinh doanh có hợp đồng với UBND phường II với diện tích được ghi rõ nhưng trên thực tế lại không được phân định rõ ràng. Các hoạt động kinh doanh có thu, có lợi nhuận nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ thuế. Từ năm 2014, UBND phường II đã có tờ trình xin UBND TP Bảo Lộc cho chủ trương khai thác Quảng trường và đã được đồng ý. Đến năm 2016, Quảng trường đã được cho nhiều cá nhân thuê mặt bằng để kinh doanh các hoạt động vui chơi cho thiếu nhi và dịch vụ ăn uống. Theo thống kê, từ tháng 1/2016, UBND phường II cho 2 hộ kinh doanh xích lô thuê với số tiền 3 triệu đồng/tháng (thu tiền 10 tháng/năm để trừ những ngày nghỉ khi Quảng trường được sử dụng vào việc chung). Từ tháng 6/2016, UBND phường tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mặt bằng Quảng trường với 16 hộ kinh doanh; trong đó, có 4 hộ kinh doanh xe ô tô điện với tiền thuê là 2,5 triệu đồng/tháng và 12 hộ buôn bán nước giải khát, ăn uống với số tiền 600 ngàn đồng/tháng. Diện tích cho thuê đối với dịch vụ ăn uống là 50 m 2/hộ và xích lô, xe điện là 100 m 2. Trên thực tế, các hoạt động diễn ra tại Quảng trường mỗi ngày như “cái chợ” và rất phức tạp. Tình trạng bảo kê, thế lực ngầm để tranh giành vị trí, kinh doanh độc quyền vẫn âm thầm diễn ra. Trong năm nay, tại khu vực Quảng trường đã xảy ra 2 vụ đánh nhau ít nhiều có liên quan đến vấn đề này. 
 
Ông Vũ Đức Quyển, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc cho biết: “Toàn bộ kinh phí cho thuê tại Quảng trường đều được nộp vào ngân sách nhà nước năm 2016. Hiện, UBND TP Bảo Lộc đã có văn bản chỉ đạo phải trả lại nguyên trạng, sử dụng đúng mục đích của Quảng trường vào cuối năm nay. Do đó, UBND phường II đã không tiếp tục cấp hợp đồng mới và sẽ thanh lý các hợp đồng cũ. Vấn đề đặt ra là quản lý Quảng trường như thế nào sau khi ngưng cấp phép trong khi nhu cầu vui chơi của người dân, nhu cầu kinh doanh của các hộ tại đây là có thật”. 
 
ÐÔNG ANH