Lương tối thiểu vùng tăng chính thức từ đầu năm 2017

08:01, 06/01/2017

Từ ngày 1/1/2017, Nghị định số 153/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLÐ) làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2016.

Từ ngày 1/1/2017, Nghị định số 153/2016/NÐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động (NLÐ) làm việc theo hợp đồng lao động sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,3% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
 
Để NLĐ, doanh nghiệp (DN) nắm rõ hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình, phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Tấn Chỉ - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Lâm Đồng xung quanh về vấn đề trên. 
 
Mức lương tăng giúp người lao động khi nghỉ hưu nhận BHXH tăng. Trong ảnh: Người dân nhận BHXH theo tháng tại trụ sở UBND phường 4, TP Đà Lạt sáng 5/1. Ảnh: C.Thành
Mức lương tăng giúp người lao động khi nghỉ hưu nhận BHXH tăng. Trong ảnh: Người dân nhận BHXH theo tháng tại trụ sở UBND phường 4, TP Đà Lạt sáng 5/1. Ảnh: C.Thành
PV: Liên quan tới mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2017, BHXH tỉnh Lâm Đồng đã hướng dẫn thực hiện các thủ tục cụ thể về việc này ra sao, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Tấn Chỉ: Căn cứ theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 19/12/2016, BHXH Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 2099/BHXH-QLT về hướng dẫn thực hiện đóng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương tối thiểu vùng kể từ ngày 1/1/2017 cho các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn.
 
Theo Nghị định 153, vùng 1 tăng 250.000 đồng, từ 3,5 triệu đồng lên 3,75 triệu đồng/tháng; vùng 2 tăng 220.000 đồng, từ 3,1 triệu đồng lên 3,32 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng 200.000 đồng, từ 2,7 triệu đồng lên 2,9 triệu đồng/tháng và vùng 4 tăng 180.000 đồng, từ 2,4 triệu đồng lên 2,58 triệu đồng/tháng. Riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng, theo phân vùng của Chính phủ thuộc từ vùng II tới vùng IV.

Theo đó, mức tiền lương, tiền công tối thiểu đối với NLĐ thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường ở các đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh, cụ thể như: Vùng II: 3.320.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc TP Đà Lạt và TP Bảo Lộc; Vùng III: 2.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc các huyện Di Linh và Đức Trọng; Vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc các huyện còn lại.

Liên quan tới quy định trên, chúng tôi đã đề nghị đơn vị, DN sử dụng lao động nhanh chóng rà soát xác định mức điều chỉnh các mức lương trong thang lương, bảng lương, mức lương ghi trong hợp đồng lao động và mức lương trả cho người lao động cho phù hợp, theo nguyên tắc không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới nêu trên. Đồng thời, trên cơ sở đó, điều chỉnh lại mức tiền lương, tiền công trên hợp đồng, làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho từng người lao động theo đúng thang lương, bảng lương của đơn vị kể từ tháng 1/2017.
 
PV: Như vậy, đối tượng nào được hưởng chính sách tăng lương tối thiểu cũng như nghĩa vụ của DN phải thực hiện Nghị định số 153/2016/NĐ-CP?
 
Ông Huỳnh Tấn Chỉ: Thống kê mới nhất, toàn tỉnh có tới 1.428 đơn vị sử dụng lao động có hợp đồng, có đóng các loại BHXH. Trong đó, khối DN ngoài quốc doanh (DN tư nhân, hộ cá thể nhỏ lẻ…) chiếm tới 1.152 đơn vị, tiếp tới là khối DN Nhà nước 56 đơn vị, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài 81 đơn vị, khối DN ngoài công lập 46 đơn vị,… 
 
Riêng NLÐ có hợp đồng lao động, thuộc đối tượng áp dụng lương tối thiểu vùng từ 1.428 đơn vị sử dụng lao động nêu trên đạt 37.094 người. Ðây là số lao động không hề nhỏ. Trong số này có nhiều lao động được đơn vị, DN trả mức lương trên 4 triệu đồng, nhưng còn khá nhiều người được trả lương dưới mức tối thiểu cần phải điều chỉnh tăng lên.
 
Những đối tượng áp dụng chính sách tăng lương nêu trên, gồm: NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động thuộc quy định của Bộ luật Lao động; DN thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật DN; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài…
 
Tuy nhiên, cần lưu ý mức lương tối thiểu vùng chỉ dùng ký hợp đồng lao động và đóng BHXH, BHYT và BHTN đối với NLĐ làm công việc đơn giản nhất, trong điều kiện lao động bình thường ở các đơn vị sử dụng lao động. Riêng đối với NLĐ đã qua học nghề (kể cả lao động do DN tự dạy nghề), mức lương trên hợp đồng thấp nhất cũng phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Còn NLĐ ký hợp đồng tại văn phòng hoặc trụ sở chính đóng tại tỉnh Lâm Đồng nhưng làm việc ở vùng khác thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại địa điểm làm việc ghi trong hợp đồng để điều chỉnh lại tiền lương, tiền công trên hợp đồng, làm căn cứ đóng, hưởng BHXH, BHYT, BHTN.
 
Về nghĩa vụ thực hiện, DN hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. DN hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
 
Ngoài mức lương tối thiểu vùng, DN không cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại; có chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của DN.
 
PV: Trường hợp NLĐ đủ tiêu chuẩn tăng lương theo Nghị định, nhưng DN, đơn vị sử dụng lao động trả lương dưới mức lương tối thiểu vùng, họ có thể kiến nghị, đòi quyền lợi ở đâu?
 
Ông Huỳnh Tấn Chỉ: Chúng tôi khuyến cáo NLĐ mạnh dạn đòi hỏi quyền lợi chính đáng được Chính phủ quy định trong trường hợp DN, đơn vị thoái thác, trả lương dưới mức lương tối thiểu vùng. Về các vấn đề liên quan tới tiền lương và hợp đồng lao động, thỏa ước lao động…, NLĐ cảm thấy bị thiệt thòi, bức xúc có thể kiến nghị trực tiếp tới Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện hay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh để yêu cầu hướng dẫn, đòi lại quyền lợi chính đáng. Riêng các vấn đề về hướng dẫn, thủ tục thực hiện liên quan tới BHXH, BHYT và BHTN, nếu NLĐ, DN có vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp tới BHXH cấp huyện, hoặc BHXH tỉnh để được xem xét, giải quyết.
 
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
 
CHÍNH THÀNH (thực hiện)