Đến khi nào các thôn và tổ dân phố đều có nhà sinh hoạt cộng đồng?

09:01, 23/01/2017

Xây dựng hội trường thôn, tổ dân phố (còn gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng) là vấn đề không chỉ thành phố Bảo Lộc mà hầu như địa phương nào cũng đang quan tâm. 

Xây dựng hội trường thôn, tổ dân phố (còn gọi là nhà sinh hoạt cộng đồng) là vấn đề không chỉ thành phố Bảo Lộc mà hầu như địa phương nào cũng đang quan tâm. Theo số liệu khảo sát, thống kê mới đây về nhu cầu các thiết chế văn hóa của Sở Văn hóa - Thể thao và Du Lịch tỉnh Lâm Đồng, thì thành phố Bảo Lộc hiện nằm “tốp” cuối bảng (chỉ hơn thành phố Đà Lạt) về tỷ lệ thôn, tổ dân phố (TDP) đã có nhà sinh hoạt cộng đồng (SHCĐ). Hiện nay, 113 (trong tổng số 165) thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố có nhà SHCĐ, chiếm tỷ lệ 68,5%. Vậy, đến khi nào tất cả các thôn và tổ dân phố đều có nhà SHCĐ?
 
Hội trường tổ dân phố 6 (phường 2) được xây dựng ở vị trí thuận tiện cho việc sinh hoạt, hội họp
Hội trường tổ dân phố 6 (phường 2) được xây dựng ở vị trí thuận tiện cho việc sinh hoạt, hội họp

Xuất phát từ tầm quan trọng và nhu cầu xây dựng nhà SHCĐ, vào cuối năm 2015, UBND thành phố Bảo Lộc đã phê duyệt “Đề án tạo quỹ đất để xây dựng hội trường TDP, nhà SHCĐ thôn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc”. Đề án này đã được HĐND thành phố thảo luận, góp ý và thông qua. Theo Đề án, đến cuối năm 2015, thành phố đạt tỷ lệ 75,6%; cuối năm 2016, đạt 83%; cuối năm 2017 đạt 90,6% và đến cuối năm 2018 đạt 100% thôn, TDP có nhà SHCĐ. Như vậy, cứ mỗi năm, thành phố sẽ xây dựng thêm từ 12 đến 15 căn. Nhưng thực tế vừa qua, mỗi năm, thành phố chỉ xây dựng được 2 căn. Do vậy, đến cuối năm 2016, thành phố chỉ mới có 68,5% thôn, TDP có nhà sinh hoạt cộng đồng.
 
Trong số 11 phường, xã tại thành phố Bảo Lộc, hiện nay, duy nhất chỉ có xã Đam Bri có 14/14 thôn có nhà SHCĐ, nhưng 7 nhà SHCĐ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCN QSD) đất và 4 nhà SHCĐ xây dựng trên đất gia đình cá nhân. Phường Lộc Tiến có 14 TDP, nhưng 9 TDP chưa có nhà SHCĐ. Phường II có 23 TDP, nhưng 10 TDP chưa có nhà SHCĐ. Phường Lộc Phát có 20 TDP, nhưng 9 TDP chưa có nhà SHCĐ… Trong số 113 nhà SHCĐ, khoảng 50% nhà SHCĐ chưa lập thủ tục để cấp GCN QSD đất và quyền sở hữu nhà ở.  
 
Riêng xã Lộc Nga, theo ông Trịnh Thế Thịnh, Chủ tịch UBND xã, trước đây, tất cả 5 thôn ở Lộc Nga đều có nhà SHCĐ, nhưng chỉ có 2 nhà SHCĐ đã được cấp GCN QSD đất và mới được nâng cấp, xây dựng lại; còn 3 nhà SHCĐ chưa được cấp GCN QSD đất và cần phải xây dựng lại vì đã xuống cấp. Tuy nhiên, mới đây, từ 5 thôn được chia tách ra thành 10 thôn (thành lập thêm 5 thôn mới), nên nhu cầu của xã còn phải xây dựng thêm 5 nhà SHCĐ mới và nâng cấp, xây dựng lại 3 nhà SHCĐ cũ. Việc xây dựng nhà SHCĐ gặp phải khó khăn là do thiếu quỹ đất và kinh phí xây dựng. Trước mắt, xã đề nghị thành phố bổ sung vào Đề án thêm 5 nhà SHCĐ cần xây dựng mới. 
 
Không riêng gì Lộc Nga, mà các xã, phường khác cũng đều thiếu quỹ đất. Bởi lẽ, vị trí để xây dựng nhà SHCĐ cần đến một mặt bằng thích hợp, thuận tiện cho việc đi lại và tổ chức sinh hoạt. Nhiều phường, xã đã tính đến việc “hoán đổi” đất để lấy một địa điểm để xây dựng, nhưng cũng không phải giản đơn, vì phải tính đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mặt khác, kinh phí dành cho việc tạo quỹ đất và hỗ trợ xây dựng nhà SHCĐ cũng rất hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu cùng một lúc. 
 
Theo “Đề án tạo quỹ đất để xây dựng hội trường TDP, nhà SHCĐ thôn trên địa bàn thành phố Bảo Lộc”, trên cơ sở quỹ đất do các xã, phường đã lựa chọn và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt, cần tiến hành cắm mốc và thực hiện các bước theo quy định của pháp luật. Còn về nguồn vốn xây dựng nhà SHCĐ, các xã, phường huy động nhân dân đóng góp là chủ yếu; ngân sách địa phương, thành phố chỉ hỗ trợ xây dựng 100 triệu đồng/nhà SHCĐ (sau khi đã huy động đủ các khoản đóng góp để bồi thường, giải tỏa và xây dựng).
 
Hiện nay, thành phố Bảo Lộc còn có nhu cầu xây dựng mới 52 nhà SHCĐ. Hầu hết các xã, phường trong toàn thành phố đều còn thiếu, nhưng theo ông Đậu Xuân Hải, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Bảo Lộc, từ khi có Đề án, đơn vị chỉ mới nhận 5 bộ hồ sơ xin xây dựng nhà SHCĐ. Trong đó, phường 1 có 2 hồ sơ, phường 2 có 2 hồ sơ và phường Lộc Sơn có 1 hồ sơ. Như vậy, việc trì trệ, chậm trễ là do phường, xã. Nếu phường, xã không chủ động tìm được quỹ đất (mặt bằng) để xây dựng và không đề nghị thì UBND thành phố khó có thể giải quyết được. Bởi vì khi nhận hồ sơ và hồ sơ đủ điều kiện thì Phòng Tài nguyên và Môi trường mới tham mưu cho UBND thành phố đưa vào kế hoạch sử dụng đất. Sau đó, các xã, phường mới được giải quyết thủ tục để xây dựng nhà SHCĐ. 
 
Với tiến độ như hiện này, thì đến cuối năm 2018, tất cả các thôn và tổ dân phố của thành phố Bảo Lộc chưa thể có nhà SHCĐ được. Phát biểu giải trình và trả lời chất vấn vấn đề này tại kỳ họp cuối năm 2016 của HĐND thành phố Bảo Lộc, bà Võ Thị Minh Anh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố, cho biết: “Để thực hiện Đề án, vấn đề quan trọng là các phường, xã tìm (quy hoạch) được quỹ đất có đủ điều kiện xây dựng. Lúc đó, Phòng Tài chính - Kế hoạch sẽ cố gắng tham mưu cho UBND thành phố cân đối ngân sách “đối ứng” mỗi năm xây dựng 10 - 15 căn nhà SHCĐ. Như thế, đến cuối năm 2020, thành phố mới có thể có được 100% thôn và tổ dân phố đều có nhà SHCĐ”.
 
XUÂN LONG