Thực trạng về BHYT tại huyện Di Linh

08:01, 09/01/2017

Lâu nay, có nhiều con số và cách nhìn nhận khác nhau về thực trạng bảo hiểm y tế tại huyện Di Linh. Từ kết quả giám sát chuyên đề về "Tình hình thực hiện công tác BHYT" của HÐND huyện, đã đưa ra một "đáp số" thực.

Lâu nay, có nhiều con số và cách nhìn nhận khác nhau về thực trạng bảo hiểm y tế (BHYT) tại huyện Di Linh. Từ kết quả giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện công tác BHYT” của HÐND huyện, đã đưa ra một “đáp số” thực.
 
Tại Bệnh viện huyện Di Linh, người dân thường phải chờ đợi khi khám bệnh BHYT. Ảnh: X.Long
Tại Bệnh viện huyện Di Linh, người dân thường phải chờ đợi khi khám bệnh BHYT. Ảnh: X.Long
Thực hiện Chương trình giám sát năm 2016, HĐND huyện Di Linh khóa X (nhiệm kỳ 2016 - 2021) thành lập Đoàn Giám sát và đã tiến hành giám sát chuyên đề về “Tình hình thực hiện công tác BHYT năm 2015 và 2016 trên địa bàn huyện”. Kết quả giám sát cho thấy, từ công tác chỉ đạo và điều hành đến việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia BHYT triển khai khá tích cực.
 
Trong năm 2015, trên địa bàn huyện Di Linh có 96.665 người tham gia BHYT, tăng 2.278 người so với năm 2014, tỷ lệ “bao phủ” BHYT đạt 58,68%. Các nhóm đối tượng tham gia BHYT bao gồm: 5.420 người đồng thời cùng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và BHYT, 32.325 người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, 15.313 học sinh và sinh viên, 10.105 người tham gia BHYT theo gia đình, 18.230 trẻ em dưới 6 tuổi… 
 
“Năm 2016, huyện Di Linh được UBND tỉnh giao chỉ tiêu vận động tham gia BHYT toàn dân là 69%. Tuy nhiên, xác định tầm quan trọng của BHYT trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, huyện đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ “bao phủ” BHYT toàn dân là 72%. Để hoàn thành chỉ tiêu này, huyện Di Linh đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và triển khai nhiều biện pháp tích cực” - ông Hà Ngọc Duyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND huyện Di Linh cho biết. 
 
Mặc dù đã có sự cố gắng, nỗ lực, nhưng đến cuối năm 2016, tỷ lệ “bao phủ” BHYT của huyện chỉ đạt được 64,81%, với 106.775 người tham gia. Các nhóm đối tượng tham gia BHYT bao gồm: 5.683 người đồng thời cùng tham gia BHXH và BHYT, 37.663 người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, 15.227 học sinh và sinh viên, 13.849 người tham gia BHYT theo gia đình, 18.947 trẻ em dưới 6 tuổi…
 
Theo đánh giá của Đoàn Giám sát HĐND huyện Di Linh, tỷ lệ “bao phủ” BHYT của huyện đạt còn thấp và không đạt yêu cầu theo kế hoạch đã đề ra, mặc dù tăng dần qua các năm. Điều đáng đề cập là đối tượng tham gia BHYT theo gia đình chỉ đạt 13% trong tổng số người tham gia BHYT. Đối tượng tham gia BHYT theo gia đình chủ yếu là người mắc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh; còn người khỏe mạnh, người có điều kiện kinh tế khá giả thì tham gia rất ít hoặc không tham gia. Một số Đảng ủy và UBND xã chưa thực sự quan tâm đến BHXH, BHYT và coi đây là nhiệm vụ của cơ quan BHXH. Sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ quan, đơn vị và các xã, thị trấn thiếu chặt chẽ; việc áp dụng các biện pháp chế tài để xử lý những vi phạm về Luật BHYT còn hạn chế, chưa đủ sức thuyết phục. Nhận thức của người dân, nhất là vùng nông thôn, về quyền lợi và ý nghĩa nhân văn của BHYT chưa đúng mức. Khá nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc việc đóng BHYT cho người lao động theo Luật BHYT… 
 
Riêng đối với ngành Giáo dục, nhiều trường học chưa thực sự quan tâm đến BHYT cho học sinh. Theo bà Phạm Thị Hồng Hải - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng: “Di Linh là huyện có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT thấp nhất tỉnh (chỉ hơn huyện Cát Tiên), mới đạt 64%”. 
 
Qua giám sát chuyên đề của HĐND huyện Di Linh cho thấy, trong huyện còn có tới 20 trường học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT dưới 50%. Trong đó, 5 trường (Trường Tiểu học và THCS Tân Lâm II, Trường THCS Đinh Trang Hòa II, Trường THCS Bảo Thuận, Trường Tiểu học Đinh Trang Hòa I, Trường Tiểu học Bảo Thuận) có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT quá thấp, chỉ đạt từ 2,2 đến 8,45%. 
 
Việc quản lý BHYT ở một số xã còn lỏng lẻo, dẫn đến sai sót (sai tên, tuổi, địa chỉ…), cấp trùng. Trong năm 2016, cơ quan BHYT phải cấp lại trên 3.400 thẻ BHYT do sai thông tin về nhân thân. Điều đáng nói là một số xã (Đinh Trang Thượng, Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc) được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT có tổng số thẻ BHYT được cấp lớn hơn dân số hiện tại (?).
 
Trong số những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa tốt. Các cơ sở y tế tuy đã được cải thiện, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tuyến xã. Trang thiết bị y tế, thủ tục hành chính, trình độ và tinh thần, thái độ phục vụ của một số cán bộ y tế còn có những bất cập, thiếu lòng tin của người dân. 
 
Hiện nay, việc “thông tuyến” khám và chữa bệnh, người có thẻ BHYT có thể lên thẳng tuyến huyện (kể cả những ca bệnh thông thường) đã dẫn đến sự “quá tải” tại bệnh viện huyện.
 
Từ thực trạng nói trên, sau khi giám sát xong, Ban Kinh tế - Xã hội của HĐND huyện Di Linh đã kiến nghị UBND huyện và các xã, thị trấn cùng với các ngành liên quan cần có giải pháp khắc phục tồn tại để thực hiện BHYT toàn dân đảm bảo yêu cầu và đúng luật định.
 
XUÂN LONG