Chủ động phòng chống khô hạn năm 2017

09:02, 22/02/2017

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mùa khô năm 2017 có diễn biến khó lường, tới thời điểm này nắng nóng đã bắt đầu, một số nơi trên địa bàn tỉnh sắp tới sẽ thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNN) đánh giá, mùa khô năm 2017 có diễn biến khó lường, tới thời điểm này nắng nóng đã bắt đầu, một số nơi trên địa bàn tỉnh sắp tới sẽ thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất. 
 
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung mọi nguồn lực để phòng chống hạn hán có thể xảy ra khi mùa khô chuẩn bị bắt đầu vào giai đoạn cao điểm.
 
Dự báo nắng nóng năm nay sẽ giảm đáng kể so với năm 2016. Ảnh: C.Thành
Dự báo nắng nóng năm nay sẽ giảm đáng kể so với năm 2016. Ảnh: C.Thành

Nước nhiều nhưng vẫn lo
 
Theo Phòng NN&PTNN huyện Lâm Hà, năm nay, lượng mưa trái mùa khá cao, về cơ bản tới thời điểm hiện tại các đơn vị thủy nông, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động điều tiết, tích nước phục vụ tốt gieo trồng cho vụ Đông Xuân. Trên địa bàn huyện có 5 công trình chứa nước lớn, 5 đập dâng có nguồn nước dự trữ cao, có thể phục vụ tưới tiêu vào mùa khô trên diện tích lớn cho người dân. Với diện tích cây cà phê toàn huyện 40.200 ha, khoảng 6.000 ha chè, dâu tằm, tiêu và cây ăn quả, diện tích lúa Đông Xuân là 1.050 ha, cây ngô 1.500 ha, rau các loại 1.200 ha..., về cơ bản các công trình thủy nông ở Lâm Hà đáp ứng nước tưới tiêu trên 65% diện tích cây trồng. 
 
Ông Vũ Bá Yêu - Phó Phòng NN&PTNN huyện Lâm Hà nhìn nhận, với các công trình có diện tích mặt nước hạn chế như ao, hồ phân bố theo thực trạng sản xuất của người dân mặc dù đủ nước tưới đầu mùa, nhưng do phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên nên chỉ cần 1-2 lần tưới là có thể cạn kiệt nếu nắng nóng kéo dài. 
 
“Căn cứ vào tình trạng nắng nóng, khô hạn tại địa phương, chúng tôi dự báo năm nay một số khu vực trên địa bàn huyện có khả năng hạn hán nếu hiện tượng El Nino xảy ra. Diện tích cây nông nghiệp dài ngày, cây ăn quả thiếu nước tưới khoảng 4.200 ha, chủ yếu rơi vào các khu vực người dân canh tác trên cao, không có thể có nguồn nước sinh thủy như: xã Phú Sơn, Tân Thanh, Đan Phượng, Gia Lâm… Trong khi đó, khu vực có khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào cao điểm mùa khô tại địa bàn vào khoảng 1.470 hộ” - ông Yêu chia sẻ.
 
Tương tự tại địa bàn huyện Đức Trọng, Phòng NN&PTNN cho biết, năm nay, thời tiết khô nóng đã giảm nhiệt do mưa trái mùa kéo dài tới giữa tháng 1/2017. Tuy hạn hán không nghiêm trọng như mùa khô 2016, nhưng nếu nắng nóng kéo dài từ giờ tới tháng 3, nhiều diện tích cây ngắn ngày và dài ngày sẽ bị thiếu nước tưới. 
 
Phòng Nông nghiệp huyện Đức Trọng cho biết, khó khăn vào mùa khô chủ yếu tập trung tại các xã vùng sâu, địa hình nhiều dốc, đồi dạng bát úp. Tại các nơi này, người dân chủ yếu phải dùng giếng khoan và thường cạn kiệt khi nắng nóng kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Để khắc phục tình trạng khô hạn, hằng năm người dân phải dùng máy kéo nước từ các đập cách xa hàng cây số đưa nước về tưới cho cây trồng, nhưng đây cũng chỉ giải quyết tình thế trước mắt. Theo dự báo, trong vòng một tháng tới, nếu không có mưa thì khoảng trên 3.000 ha cây trồng trên địa bàn huyện có nguy cơ bị thiệt hại đáng kể. Trong đó, nơi dự báo bị thiệt hại nặng như mọi năm rơi vào các xã như Tà Hine 500 ha, Đa Quyn 310 ha, Tà Năng 350 ha...
 
Việc thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt tại một số vị trí vùng sâu, vùng cao chưa xây dựng được công trình thủy lợi, còn phụ thuộc chính vào nguồn nước sinh thủy cũng rơi vào các huyện như Di Linh, Đam Rông và 3 huyện phía Nam của tỉnh là Đạ Tẻh, Đạ Huoai và Cát Tiên... trong đợt nắng nóng sắp tới.
 
Khô hạn có thể kéo sang mùa mưa
 
Ông Ngô Duy Thi, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho biết, năm 2017, khả năng hạn hán nặng khó có thể xảy ra như một số năm. Do lượng mưa trái mùa lớn vào cuối tháng 12/2016, mưa rải rác vào tháng 1/2017 nên tới thời điểm này mực nước trên các hồ thủy điện, hồ chứa nước, sống suối… đều cao hơn mực nước so với cùng kỳ 2016. Lượng mưa trái mùa tháng 1-2/2017 cũng cao hơn trung bình nhiều năm. Dù hạn hán không khốc liệt như mùa khô trước nhưng dự báo, mùa khô năm nay vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước. Xác suất xuất hiện hiện tượng La Nina trong những tháng cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 đạt mức 50-55%, nếu xảy ra sẽ có cường độ yếu và không kéo dài. 
Ông Ngô Văn Huề, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Lâm Đồng) cho biết, trong gần 2 tháng mùa khô cao điểm sắp tới, tình hình thời tiết có thể gặp bất lợi. Do xu hướng thời tiết, biến đổi khí hậu khó lường vài năm nay nên có khả năng mùa khô năm 2017, có thể lấn sang mùa mưa dẫn tới tình trạng hạn hán tới muộn, xảy ra cục bộ nhiều vị trí trên địa bàn tỉnh là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 
 
“Để phòng chống hạn hán xảy ra cục bộ tại một số địa bàn thường xuyên thiếu nước vào mùa khô như mọi năm, chúng tôi đang khẩn trương đôn đốc ngành nông nghiệp các huyện, yêu cầu rà soát báo cáo tình hình tưới tiêu của người dân để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, chúng tôi đang gấp rút đề xuất kinh phí chống hạn hán trong năm 2017 trình UBND tỉnh phê duyệt để có nguồn vốn phân bổ xuống các huyện sớm nhất” - ông Huề chia sẻ.
 
Theo Chi cục Thủy lợi, hiện tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn tỉnh ước đầu năm 2017 trên 355.000 ha. Trong đó, diện tích gieo trồng các loại cây ngắn ngày và dài ngày có nước tưới từ tất cả các công trình, giải pháp khác nhau là 147.178 ha, đạt 59,3% so với diện tích cần tưới. 
 
Số liệu của Sở NN&PTNN thống kê tới cuối năm 2016, toàn tỉnh có 426 công trình thủy lợi với 217 hồ chứa, 19 đập dâng, 12 kênh tiêu, có 1.191,5 km kênh mương tưới các cấp, trong đó kiên cố hóa được trên 757 km chủ động tưới nước cho 42.867 ha đất canh tác. Các công trình lớn như hồ chứa nước dung tích từ 5 tới trên 10 triệu m3 cấp tỉnh quản lý 31 công trình đủ cấp nước tưới cho 21.000 ha, cấp huyện hiện có 395 công trình thủy lợi lớn nhỏ, công suất cấp nước tưới tối đa được 37.083 ha diện tích gieo trồng. Như vậy, với diện tích cây ngắn ngày và dài ngày cần nước tưới là trên 248.237 ha như báo cáo của đơn vị, diện tích cần nước tưới, đặc biệt là vào mùa khô hạn vẫn còn rất lớn. 
 
Về các biện pháp thực hiện cụ thể để hạn chế tối đa diễn biến phức tạp tình hình hạn hán vào tháng 3/2017, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ đào ao, hồ nhỏ phát triển thêm là 942 cái với vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 31,2 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn huy động từ người dân khoảng 24 tỷ đồng dự kiến tưới nước cho khoảng 2.000 ha đất canh tác trong năm 2017. Và, cùng với Đề án trên, UBND tỉnh cũng yêu cầu UBND huyện, thành phố trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban xây dựng và đẩy mạnh thực hiện kế hoạch chống hạn sắp tới. Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh bố trí đủ nguồn vốn xây dựng cơ bản theo kế hoạch trung hạn đã được phê duyệt. Từ nguồn vốn đầu tư trung hạn sẽ đầu tư chuyển tiếp 25 công trình và hạng mục với số vốn 136,4 tỷ đồng vào hoạt động trong năm 2017. 
 
CHÍNH THÀNH