Không chút "liêm sỉ" mà dám xưng danh nhà văn

11:02, 10/02/2017

(LĐ online) - Sáng 9/2/2017 (ngày mười ba Tết Đinh Dậu), vào trang Vandoanviet.blogspot.com – một trang blog văn chương thường ưu ái chuyên tải những bài viết thiếu tính khách quan, sặc mùi phản động của những cây bút thiếu thiện chí với thời cuộc hiện tại, tôi tò mò thấy ngay dưới măng - séc cái tít "Dư vị cuối cùng còn đọng lại sau một cái Tết" của Lê Công Tư được viết ở Đà Lạt ngày 7/2/2017. 

(LĐ online) - Sáng 9/2/2017 (ngày mười ba Tết Đinh Dậu), vào trang Vandoanviet.blogspot.com – một trang blog văn chương thường ưu ái chuyên tải những bài viết thiếu tính khách quan, sặc mùi phản động của những cây bút thiếu thiện chí với thời cuộc hiện tại, tôi tò mò thấy ngay dưới măng - séc cái tít “Dư vị cuối cùng còn đọng lại sau một cái Tết” của Lê Công Tư được viết ở Đà Lạt ngày 7/2/2017. Vì người viết có thể là công dân thành phố với mình nên tôi tò mò đọc thử, thế nhưng mới đọc câu đầu đã nhận ra giọng điệu nhão nhoẹt chân tướng của một kẻ mới “thấy cây mà không thấy rừng”…
 
Mở đầu, Lê Công Tư nhận xét: “Chưa có một cái Tết nào mà người dân Đà Lạt lại được chứng kiến trong thành phố có nhiều chiếc xe con cùng những đoàn người dân tộc kéo nhau bỏ rừng xuống phố đi ăn xin nhiều đến thế”. Thiển nghĩ, hiện tượng này không có gì là lạ vì dịp Lễ, Tết nào mà xứ Hoa Anh đào chẳng “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” bởi khách du 4 phương náo nức tìm về an hưởng một mùa xuân thanh bình, hạnh phúc. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Đà Lạt, Lâm Đồng ước 265.000 lượt người, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016… Với lượng du khách đông như vậy và trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển nên chẳng có gì là bất bình thường khi đường phố xuất hiện “nhiều chiếc xe con”. Sự thật thì đây là hình ảnh đáng mừng bởi nó là sự minh chứng sinh động cho sức dân, tiềm lực kinh tế các thành phần xã hội nước ta ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên với người có trách nhiệm thì thâm tâm vẫn vương một nỗi niềm “để du khách trọn niềm vui, ước gì đường phố Đà Lạt được rộng rãi, thông thoáng hơn” thì đâu đến nỗi có cảnh kẹt xe trong những ngày Xuân. Điều này thì không chỉ công dân Đà Lạt mà ngay cả du khách cũng cùng chia sẻ, đồng cảm với thành phố cao nguyên vốn duyên dáng nét “đường phố nào vừa đi đã mỏi, đường quanh co lượn gốc thông già”. 
 
Thiếu cách nhìn biện chứng nên sự quan sát trên là cái cớ để người viết vội vàng bộc lộ tâm đen “Trước hết là những chiếc xe con. Tôi biết rõ là có rất nhiều chiếc xe có được từ những dành dụm chắt chiu, làm ăn chân chính, và cũng rất nhiều chiếc được tậu ra từ những tham nhũng, trộm cắp dưới đủ mọi hình thức của những quan chức nhà nước”. Xin hỏi, Lê Công Tư là ai? Ở cương vị nào mà dám khẳng định “Tôi biết rõ… cũng có nhiều chiếc được tậu ra từ những tham nhũng, trộm cắp”…! 
 
Không chỉ văn chương hay báo chí mà ngay trong giao tiếp đời thường cũng phải tôn trọng nguyên tắc “Nói có sách, mách có chứng” chứ không thể chấp nhận sự suy diễn ba láp, hồ đồ, nanh nọc như kiểu Lê Công Tư. Mặt khác, thừa nhận lâu nay trong bộ máy công quyền vẫn còn hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là vấn nạn nhức nhối với bất cứ quốc gia nào trong quá trình phát triển… Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, để tiến tới mục tiêu “dân chủ, công bằng, văn minh” Đảng và Nhà nước đã và đang kiên quyết, kiên trì, quyết tâm và đã đạt những kết quả tích cực, to lớn trong công tác tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Vài “con sâu không thể làm rầu nồi canh”, Lê Công Tư không nên vì thế mà “vơ đũa cả nắm” quy chụp tất cả “những quan chức nhà nước” là tham nhũng. 
 
Trở lại hình ảnh “những đoàn người dân tộc kéo nhau bỏ rừng xuống phố đi ăn xin nhiều thế”, tôi e rằng không phải vì nhầm lẫn mà xuất phát từ thái độ áp đặt… mặc dù Lê Công Tư tự giới thiệu “Kẻ viết bài này đã từng sống, ăn, ngủ không dưới 500 ngôi làng của người dân tộc ở dọc dài khắp cái dãy Trường Sơn này. Đủ để nhận ra rằng họ là những người có lòng tự trọng. Sống và vui lòng với những nhu cầu tối thiểu: đủ ăn và đủ mặc”. Chính tác giả đã khẳng định đồng bào dân tộc có lòng tự trọng, thế mà trong bài viết này lại thể hiện sự bất nhất, cố tình xúc phạm tới lòng tự trọng ấy của đồng bào. “Đã từng sống, ăn, ngủ không dưới 500 ngôi làng của người dân tộc” rồi thì khuyên tác giả chớ dại trong lần thứ 501 đến để được “sống, ăn, ngủ” mà vênh váo khoe mình là tác giả Lê Công Tư của bài báo “Dư vị cuối cùng còn đọng lại sau một cái Tết” kẻo coi chừng “ăn” xà gạc nghe không. Bởi đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên vốn sống chân thành, chất phác, trung thực “một sự bất tín, vạn sự bất tin” gặp phải Lê Công Tư đem “chuyện bé xé to”, nhẫn tâm xúc phạm, chà đạp lên lòng tự trọng của họ như vậy thì với buôn làng phải là người đáng bị Yàng (Trời) phạt, người xấu “lòng lang dạ thú” không chơi được. Khoe đi nhiều mà Lê Công Tư vẫn là người “đi không tới, nhìn không thấy, nghe không rõ” bao nhiêu chuyện đổi thay tốt đẹp của đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên. “Ma dẫn lối, quỷ đưa đường” nên tác giả viết: “43 năm sau khi đất nước được hưởng thanh bình, đi vào những buôn làng xa nhất, sâu nhất, không khó để nhận ra cuộc sống của họ vẫn y như thủa nào”... Lê Công Tư cho rằng: “Trước 1975, trong thời kỳ chiến tranh, ngôi làng nào tôi đi qua đều nghèo nàn, xơ xác như nhau, bất kể ngôi làng đó của người Kinh hay của đồng bào dân tộc”. Còn từ sau 1975 đến nay thì sao? Chỉ nói riêng ở vùng đất Nam Tây Nguyên – Lâm Đồng, ngay cả huyện Đơn Dương trước chỉ sống nghèo đói với trái bắp, củ lang, ít lúa rẫy… nay đã là vựa rau thương phẩm lớn nhất tỉnh, một trong những địa phương ở Lâm Đồng đi đầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện Nông thôn mới đầu tiên của Lâm Đồng, của Tây Nguyên… Ở các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên như P’Ró, Tu Tra, Ka Đơn…, không ít hộ gia đình người Churu, Kơ Ho là chủ trang trại rau, hoa công nghệ cao và chăn nuôi bò sữa. Trong tỉnh Lâm Đồng, hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới xuất hiện rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không tư lợi khi tình nguyện hiến đất thổ cư, vườn cà phê, đồi chè làm đường, làm trường; giúp nhau giống, vốn và kinh nghiệm sản xuất để thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội mà khoảng cách chênh lệch thu nhập, mức sống giữa các vùng miền thời nào, quốc gia nào cũng là vấn đề tồn tại xã hội, (ngay nước Mỹ hùng mạnh về kinh tế như thế mà đã xóa được tình trạng người nghèo đâu). Điều đáng nói là, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng đã hết sức quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội, vì vậy khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng miền đã dần thu hẹp và đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao. Tôi có đọc một tài liệu của tỉnh Lâm Đồng công bố cho thấy: Hiện Lâm Đồng có 58/117 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 16/19 tiêu chí (trong 19 tiêu chí có những tiêu chí quan trọng là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đời sống, giảm nghèo bền vững…). Do làm tốt các chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững (theo tiêu chí mới), đến cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo trong tỉnh còn 5,17% (giảm 1,5% so với đầu năm) và hộ nghèo người dân tộc thiểu số còn 16,1% (giảm 3%), thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng. Tỉnh cũng quyết tâm trong năm 2017 giảm tỷ lệ hộ nghèo được từ 1-1,5, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc giảm 2-3%...
 
Với những dẫn chứng thực tế và sinh động như trên chứng tỏ đời sống nhân dân ở Lâm Đồng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đã hửng lên những gam màu tươi sáng rồi. Còn chuyện đồng bào ngày Tết về phố thì cũng có “1001” lý do, nhưng chủ yếu là việc mua sắm, vui chơi, giải trí… chứ không thể là vấn đề bị đơm đặt “bỏ rừng xuống phố ăn xin”. Và nếu có việc “xin xỏ” thì đây chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ, cá biệt ở một số người vẫn còn nặng tâm lý ỷ lại, trông chờ. Đối tượng này thì xã hội nào chẳng có, đơn cử như ở ngay Paris “Thủ đô ánh sáng” cũng nhan nhản người ăn xin tứ phương tại Nhà ga Sanint - Lazare, nhà ga tàu điện ngầm Place d’Italie hay các Quảng trường Concorde, Charles de Gaulle… Trước vấn nạn đó, chúng ta không nên có thái độ miệt thị, hay “thương vay khóc mướn” như Lê Công Tư mà cần có ánh nhìn nhân văn, thiện chí hơn để giúp đồng bào “có cái cần câu thay vì cho con cá”.  
 
“Văn học là nhân học” và cái chủ quan của người cầm bút phải được khách thể hóa chứ không thể bị chi phối bởi cái tôi vụn vặt, nhỏ nhen, mặc cảm, tự ti… thế nhưng những nguyên tắc sơ đẳng nhất đó đều không có được ở Lê Công Tư trong bài “Dư vị cuối cùng còn đọng lại sau một cái Tết” được treo trên Vandoanviet.blogspot.com. Vì sao vậy, nó được lý giải bởi chính tác giả tâm sự với tâm thế rất tắc tị “Không có một thằng viết văn nào mới đầu năm lại muốn khai bút như thế này cả. Nhưng biết sao bây giờ vì nó đang sống trên một giải đất không còn một sự chọn lựa nào khác”. Quả là như vậy, với tâm địa xuyên tạc, bóp méo sự thật của kẻ “ngồi đáy giếng” như Lê Công Tư thì quả là chỉ còn “sự lựa chọn” tăm tối là cố tình bịa chuyện, xiên xẹo nói xấu xã hội. Không chút “liêm sỉ” như thế mà Lê Công Tư cũng dám xưng danh nhà văn ư! 
 
ĐÀ VĂN