Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân

09:02, 09/02/2017

Mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 21/NQ-TƯ ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020

Mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân đến năm 2020 có trên 80% dân số tham gia BHYT theo Nghị quyết số 21/NQ-TƯ ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020. Tính đến ngày 31/12/2016, cả nước đã có 75,83 triệu người tham gia BHYT với tỷ lệ bao phủ BHYT chung của toàn quốc là 81,8%, vượt 2,8% so với chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao và tăng 4,3% so với năm 2015. Có 62/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt chỉ tiêu bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao, riêng tỉnh Lâm Đồng là chưa đạt được chỉ tiêu. 
 
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt tổ chức khám bệnh BHYT theo lịch cụ thể. Ảnh: Diệu Hiền
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt tổ chức khám bệnh BHYT theo lịch cụ thể. Ảnh: Diệu Hiền

Phát triển đối tượng tham gia BHYT
 
Có 18 địa phương tỷ lệ bao phủ cao trên 90% như: Lào Cai, Điện Biên là 99,2%, Sóc Trăng, Thái Nguyên là 99%...; 24 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT từ 80% đến 90%; 19 địa phương có tỷ lệ bao phủ từ 70% đến 80%, còn 2 địa phương có tỷ lệ bao phủ dưới 70% là Kiên Giang (69,6%) và Bình Thuận (68,8%). 
 
Theo số liệu của BHXH tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 5/10/2016, toàn tỉnh đã có 881.421 người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 68,36% dân số tham gia BHYT; nếu tính bao gồm cả thân nhân lực lượng vũ trang thì có 891.053 người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 69,11%. Trong đó, đối tượng học sinh, sinh viên 150.859 người; người nghèo và DTTS 265.373 người; cận nghèo 32.698 người; trẻ em 143.320 người; hộ gia đình 128.369 người. Một số huyện đã thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao năm 2016 là: Đam Rông, Đạ Huoai, Lâm Hà, Đơn Dương. Một số địa phương tỉ lệ đạt còn thấp so với chỉ tiêu giao như: Bảo Lộc 57,9% (chỉ tiêu 68,1%), Đà Lạt 65,1% (giao 72,5%), Di Linh 63,8% (giao 69%), Đức Trọng 65,4% (giao 70%), Bảo Lâm 64,4% (giao 69%). Tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân năm 2016 chưa đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao 72%. Kế hoạch năm 2017 ngành Y tế Lâm Đồng phấn đấu đạt 77,8% tỉ lệ dân số tham gia BHYT. 
 
Hiện cả nước vẫn còn gần 18,2% dân số (khoảng 17 triệu người) chưa có BHYT. Số này bao gồm cả số chưa tham gia BHYT theo lộ trình do luật quy định và có cả số phải tham gia nhưng không tham gia đầy đủ như: còn khoảng 3 triệu người lao động trong các doanh nghiệp; 0,4 triệu người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT. Đặc biệt, mới có 74.028 người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình được cấp thẻ BHYT, chiếm 4,5% so với tổng số người thuộc nhóm đối tượng này. Nguyên nhân do tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị, doanh nghiệp chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, trong khi đó công tác thanh tra chuyên ngành về thu BHXH, BHYT chưa được kịp thời triển khai do hệ thống các văn bản pháp quy về thanh tra chuyên ngành của BHXH Việt Nam còn đang được hoàn thiện; sự phối hợp của các sở, ngành tại một số địa phương trong việc triển khai, áp dụng, thực hiện quy trình lập danh sách cấp thẻ BHYT chưa chặt chẽ... nên công tác phát triển và mở rộng đối tượng tham gia BHYT vẫn còn một số mặt hạn chế.
 
Thực hiện khám chữa bệnh BHYT
 
Cùng với việc gia tăng đối tượng tham gia BHYT cả nước thì quỹ BHYT cũng tăng đáng kể. Năm 2011, tổng thu BHYT đạt 31.829 tỷ đồng, năm 2015 đạt 59.621 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2016 là 45.221 tỷ đồng, ước cả năm 2016 số tiền thu BHYT đạt 71.422 tỷ đồng, quỹ khám chữa bệnh BHYT tương ứng là 64.280 tỷ đồng.
 
Trong các năm từ 2010 (bắt đầu thực hiện Luật BHYT) đến năm 2015, quỹ BHYT luôn đảm bảo cân đối và có kết dư. Tuy nhiên, tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT 9 tháng đầu năm 2016 đã bắt đầu mất cân đối. Ước tính tổng chi khám chữa bệnh BHYT năm 2016 là 69.410 tỷ đồng và quỹ khám chữa bệnh BHYT trong năm đã bội chi 5.130 tỷ đồng.
 
Có một số nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối quỹ BHYT năm 2016 đó là: thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc; thực hiện lộ trình áp dụng giá dịch vụ y tế mới tại 36 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lạm dụng quỹ BHYT tại một số địa phương (lợi dung thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện tuyến huyện để thu dung người bệnh BHYT; sử dụng thuốc có hàm lượng, dạng đóng gói không phổ biến dẫn đến giá cao bất hợp lý; chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh dẫn đến gia tăng chi phí, đặc biệt là các dịch vụ xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, nội soi, chụp CT-Scanner, MRI...); tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh ...
 
Quyền lợi về khám chữa bệnh của người tham gia BHYT tương đối toàn diện, bao gồm khám chữa bệnh (kể cả bệnh bẩm sinh, khám và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS…), phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh. Nhiều loại dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn theo danh mục Bộ Y tế quy định (đặt Stent, mổ tim, chạy thận nhân tạo…) cũng được BHYT chi trả. Hầu hết các loại thuốc, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật đang được thực hành tại các bệnh viện đều thuộc phạm vi chi trả từ quỹ BHYT. Người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ y tế ở tất cả các tuyến. Trong đó, gần 70% số lượt khám chữa bệnh được thực hiện tại các cơ sở tuyến huyện và xã. Đồng thời, cũng đã có 4,8% số bệnh nhân đã được các bệnh viện tuyến Trung ương khám và điều trị. Tính đến hết năm 2016, ngành BHXH và Y tế đã phục vụ trên 144 triệu lượt người khám chữa bệnh và thanh toán chi phí BHYT, tăng 14 triệu lượt người (10,8%) so với năm 2015.
 
Ðể phát triển bền vững theo lộ trình BHYT toàn dân
 
Để đạt mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHYT tiến tới BHYT toàn dân, cụ thể: năm 2017 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 82,2 % dân số, đến năm 2020 đạt tỷ lệ bao phủ trên 90% dân số có BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo và tiếp tục mở rộng quyền lợi người tham BHYT; tăng cường kiểm soát để đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; thực hiện cân đối quỹ, ổn định chính sách BHYT, BHXH Việt Nam đề xuất một số giải pháp: đối với Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT đối với các tỉnh có tỷ lệ bao phủ dưới 80%. Đối với Chính phủ cần chỉ đạo các tỉnh thực hiện và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ mức đóng cho hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; chỉ đạo các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp quản lý quỹ BHYT; nâng mức hỗ trợ các nhóm: Hộ cận nghèo lên 100%; Hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp lên 50%; Học sinh, sinh viên lên 50%. Đối với Bộ Y tế cần phối hợp BHXH Việt Nam triển khai thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg; chỉ đạo Sở Y tế và các bệnh viện kiểm soát chi phí khám chữa bệnh; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện việc liên thông dữ liệu, chuẩn hóa các danh mục dùng chung toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các Bộ, ngành khác: Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của y tế học đường, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện BHYT cho cán bộ chiến sỹ quân đội, công an theo Luật BHYT. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao; chỉ đạo Sở Y tế, các bệnh viện tăng cường công tác quản lý quỹ BHYT; không để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT xảy ra tại địa phương.
 
AN NHIÊN