Thực trạng các doanh nghiệp thuê rừng ở Bảo Lâm

09:02, 22/02/2017

Bảo Lâm là huyện có số lượng doanh nghiệp thuê rừng nhiều nhất. Theo Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bảo Lâm, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã có tới 57 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đầu tư các dự án bảo vệ rừng, trồng rừng (gọi chung là thuê rừng). Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp này như thế nào? 

Bảo Lâm là huyện có số lượng doanh nghiệp thuê rừng nhiều nhất. Theo Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bảo Lâm, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã có tới 57 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép đầu tư các dự án bảo vệ rừng, trồng rừng (gọi chung là thuê rừng). Thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp này như thế nào? 
 
Một góc rừng thông (địa bàn xã Lộc Ngãi) bị chết dần do bị “ken” gốc (rừng thông này đã giao cho 1 doanh nghiệp thuê). Ảnh: X.Long
Một góc rừng thông (địa bàn xã Lộc Ngãi) bị chết dần do bị “ken” gốc
(rừng thông này đã giao cho 1 doanh nghiệp thuê). Ảnh: X.Long

Theo Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bảo Lâm, 57 doanh nghiệp hiện được giao và cho thuê 16.417 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, 16 doanh nghiệp thuê rừng để triển khai dự án trồng cao su (diện tích 9.176 ha); 26 doanh nghiệp thuê rừng để trồng rừng kinh tế (diện tích 5.480 ha); 5 doanh nghiệp thuê rừng để sản xuất nông lâm kết hợp (diện tích 633,84 ha); 3 doanh nghiệp thuê rừng để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái (diện tích 223 ha); 3 doanh nghiệp thuê rừng để nuôi cá nước lạnh (diện tích 43,76 ha); 4 doanh nghiệp thuê rừng để triển khai các dự án khác (diện tích 860 ha). 
 
Từ ngày được cấp phép thuê rừng đến nay, các doanh nghiệp chỉ mới trồng rừng và trồng cây cao su được trên 3.000 ha, mới đạt gần 30%. Qua kiểm tra của các ngành chức năng cho thấy, hiện chỉ có một số doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và triển khai các hạng mục đầu tư theo phương án đã được phê duyệt, ít để xảy ra mất rừng và góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ rừng. Những doanh nghiệp tiêu biểu này được kể đến là Công ty cổ phần Cao su Bảo Lâm, Công ty TNHH Tân Liên Thành, Công ty TNHH Lê Dương, Công ty TNHH ván ép Trung Nam, Công ty cổ phần Cao Nguyên, Công ty TNHH Minh Tú, Doanh nghiệp Tư nhân Hành Phát…
 
Tuy nhiên, “phần lớn các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc phương án đã được phê duyệt, chưa triển khai tổ chức trồng rừng; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên lâm phần đơn vị mình quản lý”. Theo đánh giá, nhận xét của Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bảo Lâm. 
 
Trong số 57 doanh nghiệp thuê rừng, hiện chỉ có 16 doanh nghiệp đã thực hiện dự án đạt tiến độ trên 70%; 29 doanh nghiệp thực hiện chậm, tiến độ chỉ mới đạt từ 5 đến 40%; các doanh nghiệp còn lại chưa triển khai dự án. Qua kiểm tra và đề xuất của các ngành chức năng, UBND huyện Bảo Lâm đã kịp thời xử lý và kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng thu hồi dự án của 17 doanh nghiệp do vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; để rừng bị phá, lấn chiếm đất lâm nghiệp; triển khai dự án quá chậm hoặc không triển khai đầu tư các hạng mục theo phương án đã được phê duyệt. Trong số các doanh nghiệp đã bị thu hồi dự án, có 11 doanh nghiệp bị thu hồi toàn bộ diện tích dự án (1.409 ha); 6 doanh nghiệp bị thu hồi một phần diện tích dự án (823 ha). 
 
Do buông lỏng việc quản lý, nhiều doanh nghiệp để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn, tại các tiểu khu 466, 469 (xã Lộc Tân) đã xảy ra tình trạng chặt phá rừng; tình trạng đục đẽo, “ken” cây, đổ hóa chất để cây chết dần (nhằm lấn chiếm đất để canh tác, trồng cà phê) tại rừng thông trên địa bàn xã Lộc Phú, Lộc Ngãi và tại các tiểu khu 613, 614, 442, 443 (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam Bri, Công ty TNHH Khang Thịnh, Công ty TNHH Hà Phong, Công ty TNHH An Nguyễn quản lý)… 
 
Một thực tế phát sinh là các doanh nghiệp thuê rừng không triển khai dự án hoặc triển khai chậm là do thiếu vốn, không đủ năng lực tài chính; có dấu hiệu sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép… dẫn đến buông lỏng quản lý, tạo sơ hở để rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
 
Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng; chưa phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuần tra, kiểm soát trên diện tích rừng được giao. 
 
Trước thực trạng nói trên, ngoài biện pháp thu hồi dự án, Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng huyện Bảo Lâm đã tăng cường chỉ đạo và nhắc nhở các doanh nghiệp phải tích cực phối hợp với các ngành và địa phương để quản lý diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao; giao cho các ngành tổ chức giải tỏa, kiên quyết thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để trồng lại rừng và xử lý nghiêm những vụ việc vi phạm. Riêng tại địa bàn xã Lộc Bảo, diện tích rừng bị phá trước năm 2009 tại tiểu khu 373 và 374 (thuộc lâm phần Công ty Cao su Bảo Lâm quản lý), huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng vận động bà con trả lại diện tích đất rừng đã lấn chiếm trái phép và giao lại cho Công ty Cao su Bảo Lâm tổ chức ký kết với dân trồng lại rừng.
 
Năm 2012 - 2014, các hộ dân thôn 2 và thôn 3 (xã Lộc Bảo) phá rừng tại tiểu khu 375 và 389, huyện đã kịp thời đề nghị UBND tỉnh giao 679 ha rừng tại tiểu khu 375 (thuộc lâm phần Công ty Cao su Bảo Lâm và Công ty Chấn Lập quản lý) cho bà con nhận quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng; đồng thời, bố trí đất cho những hộ còn thiếu đất sản xuất... Nhờ vậy, tình trạng phá rừng ở những khu vực này giảm đáng kể. 
 
Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Bảo Lâm đã và đang được tăng cường. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn khá phức tạp, kể cả diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho các doanh nghiệp thuê. Trong giai đoạn 2008 - 2015, Huyện ủy Bảo Lâm đã có Nghị quyết số 08 - NQ/HU và trong giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Bảo Lâm tiếp tục có Nghị quyết số 03 - NQ/HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Nội dung Nghị quyết số 03 - NQ/HU ghi rõ: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm cao nhất trước UBND tỉnh và UBND huyện về diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, được thuê. Chủ rừng nào nếu để rừng, đất lâm nghiệp bị thiệt hại thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và phải bồi thường thiệt hại về giá trị tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp; đồng thời, bị xem xét thu hồi dự án”. 
 
XUÂN LONG