Khu du lịch hồ Tuyền Lâm và công tác quản lý, bảo vệ rừng

08:03, 02/03/2017

Ngày 15/2/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 205/QĐ-TTg công nhận Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm với tổng diện tích 2.830 ha rừng, đất lâm nghiệp và mặt nước; 37 dự án đã được chấp thuận đầu tư du lịch. Qua đó, đặt ra thử thách không hề nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở đây.   

Ngày 15/2/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 205/QĐ-TTg công nhận Khu du lịch (KDL) quốc gia hồ Tuyền Lâm với tổng diện tích 2.830 ha rừng, đất lâm nghiệp và mặt nước; 37 dự án (DA) đã được chấp thuận đầu tư du lịch. Qua đó, đặt ra thử thách không hề nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QLBV&PTR) ở đây.   
 
Nếu để tài nguyên rừng bị xâm hại, khu du lịch - nghỉ dưỡng tại hồ Tuyền Lâm này sẽ không còn giá trị. Ảnh: M.Đạo
Nếu để tài nguyên rừng bị xâm hại, khu du lịch - nghỉ dưỡng tại hồ Tuyền Lâm này sẽ không còn giá trị. Ảnh: M.Đạo

Hầu hết dự án du lịch dưới tán rừng 
 
Theo số liệu mà Phó Hạt Kiểm lâm Đà Lạt Đặng Quốc Thái Bình cung cấp: Trên địa bàn thành phố Đà Lạt có 114 DA với 3.274,525 ha đất lâm nghiệp được giao, cho thuê. Trong số 73 DA về du lịch sinh thái (2.318,256 ha), đơn vị chủ rừng là Ban quản lý (BQL) KDL hồ Tuyền Lâm có số lượng tổ chức tham gia đầu tư nhiều nhất: 43 tổ chức được giao, thuê, trong đó 37 DA liên quan đến lĩnh vực kinh tế du lịch. Về tiến độ, đã thực hiện 4 DA, đang thực hiện 33 và chưa thực hiện 6 DA. Hai doanh nghiệp được giao, thuê sớm nhất là ngày 13/2/2006 (Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Ha Co, Công ty cổ phần XNK Hà Anh), đều là du lịch sinh thái; gần đây nhất là ngày 29/6/2015 thuộc Công ty cổ phần du lịch Lâm Đồng, mục tiêu DA là bãi đậu xe dưới tán rừng. Cũng theo thống kê của Hạt, hầu hết diện tích giao, cho thuê tại KDL Tuyền Lâm thuộc trạng thái rừng xung yếu và rừng phòng hộ. 
 
Tuy nhiên, làm việc với lãnh đạo chủ rừng (BQL KDL hồ Tuyền Lâm), ông Phạm Văn Dân - Phó BQL cho biết: Tổng diện tích hiện chủ rừng này quản lý là 2.830 ha; trong đó tỉnh đã cho chủ trương và chấp thuận đầu tư 37 DA với 32 nhà đầu tư đã được giao đất lâm nghiệp với tổng diện tích là 1.396 ha; còn 5 DA chưa được giao. Hiện chủ rừng đang quản lý 1.433 ha. Theo ông Dân, phần diện tích chưa giao cho nhà đầu tư có 1.136 ha đất lâm nghiệp, còn lại là mặt nước hồ. 
 
Nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng như thế nào?
 
KDL hồ Tuyên Lâm là công trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, do đó những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo, không những về chính sách thu hút đầu tư mà còn việc kiểm soát chặt chẽ đến môi trường và hệ sinh thái. Vì vậy, chủ rừng đã thành lập đội QLBV&PTR gồm 5 người và 5 kiêm nhiệm; xây dựng phương án PCCCR hàng năm… Để hướng dẫn và kiểm tra giám sát công tác QLBV&PTR, PCCCR, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt cử 2 kiểm lâm địa bàn KDL. Ông Phạm Văn Dân cho biết, từ năm 2009 đến nay, tại KDL đã trồng được 153,8 ha rừng tập trung và cây phân tán; trong đó trồng rừng thay thế năm 2015 được 39,7 ha và 2016 được 57 ha, riêng Anh Đào 25,97 ha và trồng rừng, cây xanh 31,18 ha. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong KDL đã trồng phân tán được 35.000 cây Anh Đào. Hàng năm, tại KDL hồ Tuyền Lâm, BQL được giao 858 ha rừng theo chính sách dịch vụ chi trả môi trường rừng, phân bổ khoảng 200 triệu đồng phục vụ PCCCR…
 
Vẫn có nhà đầu tư vi phạm
 
Rừng ở KDL hồ Tuyền Lâm thuộc trạng thái rừng xung yếu, rừng phòng hộ, hầu hết các dự án đầu tư du lịch đều triển khai thực hiện dưới tán rừng. Vì vậy, vấn đề vi phạm Luật BV&PTR ở đây dĩ nhiên sẽ xảy ra, từ chính nhà đầu tư và cả du khách khi đến thụ hưởng. Dĩ nhiên, trong quá trình lập dự án, thẩm định hồ sơ, trong đánh giá tác động môi trường, nhà đầu tư phải có cam kết về trách nhiệm QLBV&PTR. Ông Dân thừa nhận, các đơn vị chậm về tiến độ đầu tư thường triển khai công tác QLBV&PTR kém. Mặt khác, cũng có nhà đầu tư vi phạm như san ủi đất lâm nghiệp làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Vì lợi nhuận vẫn còn doanh nghiệp đầu tư đã chặt hạ cây trái pháp luật. Những vi phạm này đã được Hạt Kiểm lâm Đà Lạt phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm. Mặt khác, là điểm du lịch tập trung lượng du khách đến nhiều, nhất là mùa cao điểm, hàng chục ngàn lượt người vào ra, do đó sẽ không tránh khỏi có du khách thiếu ý thức đã xâm hại đến tài nguyên đa dạng sinh học của rừng như vặt bẻ cây xanh hay gây ra cháy cục bộ….
 
Rõ ràng trách nhiệm về công tác QLBV&PTR của chủ rừng luôn cần được chú trọng. So với các chủ rừng khác, BQL KDL hồ Tuyền Lâm thuận lợi là các nhà đầu tư tập trung vào một khu vực. Vì vậy, chủ rừng nên tổ chức sự liên kết phối hợp giữa các nhà đầu tư với BQL trong công tác QLBVR thành một hệ thống chặt chẽ, từ khâu cảnh giới, tuần tra đến truy quét và xử lý sự cố khi xảy ra… Có cam kết này, ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp càng được nâng lên trong quá trình khai thác du lịch và cả trong nhiệm vụ tuyên truyền đến mỗi khách hàng của mình. 
 
KDL hồ Tuyền Lâm luôn là một trọng điểm thách thức nhiệm vụ đối với ngành Kiểm lâm. Hạt Kiểm lâm Đà Lạt đã tham mưu nhiều văn bản cho UBND thành phố và Thành ủy. Mới nhất là Nghị quyết 02-NQ/TH.U ngày 14/6/2016 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác QLBV&PTR trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, các đơn vị chủ rừng xác định nhiệm vụ QLBV&PTR là nhiệm vụ chính của chủ rừng; tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia BVR và PCCCR, cam kết không phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án QLBVR và PCCCR; thực hiện tốt công tác lâm sinh, chăm sóc rừng, trồng rừng tập trung; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất rừng được giao quản lý. Chủ động tổ chức bố trí lực lượng tập trung tuần tra, kiểm tra rừng thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện, ngăn chặn…; tiến hành truy quét tại những điểm nóng…
 
Làm việc với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Hạt trưởng Võ Thanh Sơn cho biết, thực hiện Quyết định 1976 của UBND tỉnh về thành lập Đoàn công tác liên ngành kiểm tra các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp, Hạt cử Hạt phó làm thành viên tham gia tổ kiểm tra. Kết thúc, cuối năm 2016, Hạt đã có ý kiến đối với BQL KDL hồ Tuyền Lâm “giải quyết dứt điểm” một số nội dung, bao gồm: làm rõ việc giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng cho các DA đã ứng tiền đền bù; lối vào ranh đất cho các DA; việc xây dựng các hạng mục công trình ngoài quy hoạch như các quán, nhà tạm tại chân đập, quán ven hồ Tuyền Lâm; quản lý chặt chẽ về xây dựng tại các DA như các hạng mục công trình không có trong quy hoạch tổng thể của DA đầu tư. Tại báo cáo công tác thực hiện nhiệm vụ QLBVR tháng 2/2017 của Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cũng có một nội dung liên quan đến chủ rừng BQL KDL hồ Tuyền Lâm, đó là kiểm tra, ngăn chặn xử lý tình hình phá rừng, san ủi lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp tại khu vực xung quanh sân golf Sacom (Văn bản 58/KL-TTPC 10/2/2017). 
 
Trao đổi những nội dung trên với Phó BQL KDL hồ Tuyền Lâm Phạm Văn Dân, ông cho biết: Đã đền bù 715 trường hợp với khoảng 500 ha, đang phối hợp chính quyền và ngành liên quan kiểm định, lập hồ sơ đối với khoảng 45 hộ dân còn lại; các hạng mục liên quan đến đập, ven hồ thuộc Chi cục Thủy lợi, Sở NN&PTNT quản lý cho thuê (?); vấn đề xâm hại đất rừng khu vực sân golf Sacom (dự án nằm trong KDL hồ Tuyền Lâm) nhưng phần đất san ủi thuộc lâm phần BQL RPH Đại Ninh quản lý… Được biết, khu vực giáp sân gofl có đất nông nghiệp của người dân đã được cấp sổ, tuy nhiên, người dân đã san ủi và xâm phạm vào một phần đất lâm nghiệp.
 
Qua những vấn đề nêu trên, cho thấy, bên cạnh các DA du lịch đưa lại nhiều lợi ích kinh tế cho xã hội, vẫn luôn tiềm ẩn những thách thức không nhỏ trong công tác QLBV&PTR. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm trong công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ DA, cũng như sau khi DA đi vào hoạt động, luôn luôn là nhiệm vụ thường xuyên và nghiêm túc. 
 
MINH ÐẠO