Một lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài kêu cứu

08:03, 24/03/2017

Bà Lê Thị Lai (61 tuổi, ngụ tại Thôn 4, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) - mẹ chị Bùi Thị Thân (25 tuổi, đang đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út) cho biết, đã gần 1 tháng nay kể từ ngày chị Thân gọi điện về, bà luôn đứng ngồi không yên và đã nhiều lần đi nhờ sự trợ giúp từ xã đến huyện vì lo lắng cho con gái đang "sống dở chết dở" ở xứ người.

Bà Lê Thị Lai (61 tuổi, ngụ tại Thôn 4, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) - mẹ chị Bùi Thị Thân (25 tuổi, đang đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út) cho biết, đã gần 1 tháng nay kể từ ngày chị Thân gọi điện về, bà luôn đứng ngồi không yên và đã nhiều lần đi nhờ sự trợ giúp từ xã đến huyện vì lo lắng cho con gái đang “sống dở chết dở” ở xứ người.
 
Bà Lê Thị Lai (mẹ chị Thân) trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: H.Đường
Bà Lê Thị Lai (mẹ chị Thân) trình bày sự việc với phóng viên. Ảnh: H.Đường

 
Cách đây gần 1 tháng, từ Ả Rập Xê Út, con Thân có gọi điện về khóc lóc với tôi và nói ở bên đó nó bị gia chủ bóc lột sức lao động. Nó nói, mỗi ngày bị chủ nhà bắt làm việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, nhưng ăn uống bữa đói, bữa no; đặc biệt cuối tuần phải bán sức lao động đến 2 - 3 giờ sáng mới được cho đi nghỉ. Qua bên đó đã 2 lần cháu Thân bị chủ bán, nên không còn cách nào khác nó phải chạy trốn tới Đại sứ quán Việt Nam bên đó để cầu cứu. Nó bảo giờ chỉ muốn nhanh chóng trở về Việt Nam để sum họp với gia đình chứ ở bên đó khổ quá không chịu nổi” - bà Lê Thị Lai lo lắng. 
 
Theo lời bà Lai: “Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên gia đình mới đồng ý cho con đi xuất khẩu lao động. Tôi cứ tưởng cho con đi lao động xuất khẩu sẽ giúp nó kiếm được ít vốn về phát triển kinh tế gia đình sau này. Ai ngờ qua bên đó, phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm mà ăn không đủ no, mặc không đủ ấm”.
 
Bà Lai cho biết thêm, con bà đi xuất khẩu lao động qua Ả Rập Xê Út đã hơn 6 tháng nay, nhưng chưa gửi được đồng nào về cho gia đình. Giờ lại gọi điện về bảo bị bóc lột sức lao động như vậy khiến gia đình rất lo lắng, bất an. “Tôi mong cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng can thiệp để con gái tôi được trở về sum họp với gia đình trong thời gian sớm nhất” - bà Lai vừa nói vừa gạt nước mắt. 
 
Trao đổi với chúng tôi về trường hợp của chị Bùi Thị Thân, ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Chủ tịch xã Quốc Oai (huyện Đạ Tẻh) cho biết: “Tháng 8/2016, được sự cho phép của UBND huyện Đạ Tẻh, Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long (Hà Nội) đã cử người đến xã, nhờ Hội Phụ nữ giới thiệu để họ tư vấn và tuyển lao động đi làm giúp việc gia đình tại Ả Rập Xê Út. Sau đó, chị Thân đã đăng ký đi xuất khẩu lao động. Vào ngày 22/8/2016, phía Công ty Cổ phần Đầu tư và Hợp tác quốc tế Thăng Long có làm thủ tục hộ chiếu, khám sức khỏe ban đầu và đưa chị Thân ra Hà Nội. Nhưng không hiểu sao sau đó, chị Thân lại sang Công ty cổ phần Thương mại và Cung ứng Việt Lực (Hà Nội) để đi Ả Rập Xê Út giúp việc nhà?”.
 
Theo ông Trọng thì gia đình chị Thân thuộc diện hoàn cảnh khó khăn và được chính quyền địa phương hỗ trợ thường xuyên; trong đó, có việc xây nhà tình thương. “Sau khi nhận được đơn cầu cứu của gia đình chị Thân, chúng tôi đang báo cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền của huyện xác minh vụ việc và tìm mọi cách để giúp đỡ chị Thân sớm được về nhà” - ông Trọng cho biết thêm.
 
Theo UBND xã Quốc Oai, những năm 2008 - 2009, được sự cho phép của UBND huyện Đạ Tẻh, các doanh nghiệp tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động đến xã tuyển lao động rất nhiều. Thời điểm đó, xã Quốc Oai có 9 người đăng ký đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Trong đó, 8 người đi lao động tại Malaysia và 1 lao động đi Đài Loan. Tuy nhiên, khi trở về nhà, hầu như các lao động (nhất là đi Malaysia) đều phải gánh nợ thêm vì không trả được tiền vay vốn ngân hàng. Có trường hợp phải trả nợ trong nhiều năm mới xong.
 
HẢI ĐƯỜNG