Đúng, sai từ hai nội dung đơn kiến nghị

09:05, 04/05/2017

Ông Nguyễn Hữu Thu (SN 1928, cán bộ tham gia cách mạng thời chống Pháp và chống Mỹ, nay đã nghỉ hưu, thường trú tại nhà số 78, đường Trần Phú, tổ dân phố 16, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) đã có đơn kiến nghị gửi Báo Lâm Đồng về 2 nội dung liên quan đến chính sách cựu chiến binh.

Ông Nguyễn Hữu Thu (SN 1928, cán bộ tham gia cách mạng thời chống Pháp và chống Mỹ, nay đã nghỉ hưu, thường trú tại nhà số 78, đường Trần Phú, tổ dân phố 16, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) đã có đơn kiến nghị gửi Báo Lâm Đồng về 2 nội dung liên quan đến chính sách cựu chiến binh.
 
Nội dung đơn kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Thu đề cập: “Theo chính sách của Nhà nước, cán bộ có thời gian liên tục chiến đấu trong quân đội đủ 30 năm trở lên, khi về nghỉ hưu thì được hưởng chế độ đãi ngộ là cứ 2 năm được đi an dưỡng 1 lần. Như vậy, theo quy định thì tôi đủ điều kiện được hưởng chế độ ưu đãi đó. 
 
Trước đây, cơ quan quân sự huyện Di Linh còn quản lý, thì cứ đến thời hạn, đơn vị cử cán bộ mang phiếu an dưỡng đến tận nhà. Nhờ vậy, tôi đã nhiều lần đi an dưỡng tại Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu. Nhưng từ năm 2007 đến nay, cán bộ thuộc diện nói trên chuyển sang Hội Cựu chiến binh huyện quản lý, từ đó đến nay, không cho tôi đi nữa. Vậy chính sách ưu đãi có thay đổi gì không? Tôi đã trực tiếp hỏi Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Di Linh, nhưng việc trả lời không được thỏa đáng!”. 
 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết là chính sách ưu đãi đó không có gì thay đổi. Ông Nguyễn Hữu Chính, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Di Linh cho chúng tôi biết: “Hàng năm, Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng đều có công văn gửi về Hội Cựu chiến binh huyện đề nghị lập danh sách mời cán bộ quân đội nghỉ hưu đi an điều dưỡng. Tuy nhiên, do số lượng cán bộ được đi nghỉ dưỡng hàng năm rất ít, nên Hội phải xem xét lần lượt. Riêng trong năm 2017 này (đã triển khai xong), huyện Di Linh chỉ được cử 5 cán bộ quân đội nghỉ hưu từ 2013 trở về trước. Ưu tiên là cán bộ có tuổi quân cao, có nhiều cống hiến, đã tham gia 2 cuộc kháng chiến; số cán bộ ở vùng sâu, vùng xa chưa được đi nghỉ dưỡng. Trong khi đó, huyện Di Linh có tới 130 cán bộ quân đội tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nên Hội lần lượt xem xét, giải quyết”. 
 
Theo đơn kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Thu: “Vợ tôi là bà Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1930, quê ở Hải Dương, tham gia kháng chiến thời chống Pháp, là hội viên Hội Cựu chiến binh. Theo chế độ quy định hiện hành, khi vợ tôi chết thì được hưởng tiền trợ cấp mai táng phí là 10 tháng lương (theo mức lương cơ bản). Tuy nhiên, sau khi vợ tôi chết, gia đình có làm đơn đề nghị tiền trợ cấp mai táng phí, nhưng không được giải quyết vì lý do là không đủ tiêu chuẩn. Vậy, tiêu chuẩn đó như thế nào?”. 
 
Qua xác minh vụ việc, nội dung đơn kiến nghị của ông là không đúng thực tế, bởi vì tiền trợ cấp mai táng phí của bà Nguyễn Thị Hiền đã được giải quyết thỏa đáng. Khi chúng tôi làm việc với Hội Cựu chiến binh huyện Di Linh thì được trả lời: “Bà Nguyễn Thị Hiền là hội viên Hội Cựu chiến binh. Khi bà Hiền mất, Hội đã ký xác nhận vào đơn xin trợ cấp mai táng phí của gia đình là đủ điều kiện và chuyển Phòng Lao động - Thương binh Xã hội huyện đề nghị UBND huyện Di Linh xem xét giải quyết được hưởng chế độ tiền trợ cấp mai táng phí theo quy định hiện hành”. 
 
Còn ông Vũ Quang Huy, Phó Phòng Lao động - Thương binh Xã hội huyện Di Linh cho chúng tôi biết: “Theo đề nghị của phòng tại Tờ trình số 216/TTr-LĐTBXH ngày 31/7/2015, ngày 6/8/2015, UBND huyện Di Linh đã ra Quyết định số 1249/ QĐ-UBND về việc trợ cấp mai táng phí đối với thân nhân bà Nguyễn Thị Hiền, thuộc đối tượng cựu chiến binh tham gia kháng chiến trước 30/4/1975, đã từ trần ngày 30/10/2013. Theo Quyết định 1249/QĐ-UBND, người nhận tiền trợ cấp là ông Nguyễn Anh Tuấn (con bà Nguyễn Thị Hiền) thường trú tại tổ dân phố16, thị trấn Di Linh. Số tiền trợ cấp là 10 tháng x 1.150.000 đồng = 11.500.000 đồng”. 
 
XUÂN LONG