Ngôi nhà chung của những người già không nơi nương tựa

08:05, 03/05/2017

Ở đây mỗi người đều có một số phận đặc biệt, có người thì bị tàn tật không có khả năng tự lập, có người vì tuổi tác hay vì bị một cú sốc tinh thần mà mất đi trí nhớ thường bỏ nhà đi lang thang. Cũng có người vì cuộc sống mưu sinh vất vả phải lặn lội bươn chải, lang thang kiếm sống lâu dần chẳng còn nhớ nổi đường về...

Ở đây mỗi người đều có một số phận đặc biệt, có người thì bị tàn tật không có khả năng tự lập, có người vì tuổi tác hay vì bị một cú sốc tinh thần mà mất đi trí nhớ thường bỏ nhà đi lang thang. Cũng có người vì cuộc sống mưu sinh vất vả phải lặn lội bươn chải, lang thang kiếm sống lâu dần chẳng còn nhớ nổi đường về. Khi được người dân phát hiện và đưa đến Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) Lâm Đồng, đa phần đều không có người thân đến nhận.
 
Cuộc sống các cụ có thêm niềm vui và cảm thấy yêu đời hơn. Ảnh: Đ.Q
Cuộc sống các cụ có thêm niềm vui và cảm thấy yêu đời hơn. Ảnh: Đ.Q
Như bà Đỗ Thị Tây, 87 tuổi, tâm sự, cuộc sống trước đây của bà khá vất vả, đến khi về già lại không có con cháu bên cạnh săn sóc nên bà luôn cảm thấy tủi thân. Sức khỏe ngày càng yếu, không còn làm được những việc nặng nhọc, bà chỉ biết quanh quẩn trong nhà, lủi thủi một mình. Hàng xóm người ta thương thì nay cho bát cháo, mai lo cho bó rau sống qua ngày. 5 năm trước bà bị tai biến, liệt nửa người, tay phải không cử động được, những việc sinh hoạt trước đây tưởng như đã rất quen thuộc thì giờ đây với bà lại trở nên vô cùng khó khăn.
 
Những ngày đó, bà Tây chỉ biết nằm một chỗ, tự nhủ cuộc đời này vậy là hết. Nhưng rồi bà như một lần nữa được sống lại khi được chuyển vào Trung tâm BTXH Lâm Đồng. Ở đây, bà được nhân viên Trung tâm chăm sóc hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh... Đồng thời, bà còn được các nhân viên y tế hướng dẫn thực hiện các bài tập vật lý trị liệu, nhờ vậy đến nay, bà đã có thể tự mình ngồi xe lăn đi dạo hai buổi sáng, chiều mỗi ngày. Cuộc sống của bà từ đó như có thêm niềm vui, bà cũng cảm thấy yêu đời hơn.
 
Cũng là một người kém may mắn, ông Đặng Văn Nhường, 68 tuổi mới chuyển đến Trung tâm hơn một năm nhưng đã khẳng định “nơi đây chính là nhà”. 
 
Ông Nhường bị mắc bệnh sa sút trí nhớ ở tuổi già, nên ban ngày thường đi lang thang, ai cho gì ăn nấy, chẳng biết nắng mưa là gì, tối đến lại tìm đến công viên nơi có những chiếc ghế đá để ngủ. Có những lần vì mải đi xa quá tối không tìm được đường về công viên, ông phải ngủ lại trước mái hiên của một nhà bên đường. Khi được người dân địa phương phát hiện và đưa đến Trung tâm, hỏi con cháu ông đâu, nhà ông ở chỗ nào, quê quán ở đâu… ông đều lắc đầu rồi nói không nhớ. 
 
Tuy gắn bó với trung tâm chưa lâu, nhưng ông Nhường vốn là người cởi mở, hoạt bát nên ngay từ những ngày đầu mới đến, ông đã được người ở Trung tâm yêu quý.
 
Tính đến tháng 3 năm 2017, Trung tâm BTXH Lâm Đồng đang nhận nuôi 58 đối tượng tàn tật, cô thân, cơ nhỡ. Phần lớn họ đã trên 60 tuổi lại mang nhiều bệnh tật trong người. 
 
Cụ thể, có 27 người tàn tật dưới 60 tuổi, 31 người già cơ nhỡ trên 60 tuổi, trong đó có 6 người mất khả năng tự phục vụ, sinh hoạt hằng ngày phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc chuyên môn.
 
Là người phụ trách công tác chăm sóc cho các cụ già, chị Trần Thị Thanh, cán bộ chuyên môn Trung tâm cho biết: “Chăm sóc người già rất vất vả, nhất là những cụ mất khả năng tự phục vụ hay các cụ gặp khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, đi lại, vệ sinh cá nhân,... Cũng có cụ khi mới vào đã có những biểu hiện bệnh như: thần kinh, tâm lý không ổn định… nên thường xuyên la hét, quát tháo, không cho cán bộ tiếp cận”. Nhưng với sự nhẫn nại và lòng yêu mến, các nhân viên ở đây đã vượt qua những khó khăn ấy để khi nhìn thấy các cụ ngày một khỏe lại, sống vui vẻ hơn thì “lòng mình cũng cảm thấy vui hơn”. 
 
Tuy nhiên, điều làm cho Trung tâm lo lắng nhất là việc đảm bảo được sức khỏe của người già trong điều kiện thời tiết lạnh của Đà Lạt, vì vậy, theo chị Thanh, đã tăng cường đội ngũ cán bộ y tế thường xuyên theo dõi, tập vật lý trị liệu, tập dưỡng sinh và tập những bài yoga cơ bản, đồng thời thường xuyên đưa các cụ đi khám bệnh định kỳ tại bệnh viện tỉnh để kịp thời phát hiện bệnh, có biện pháp điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt văn nghệ, “hát cho nhau nghe”. Trong các ngày lễ, tết và các đợt sinh nhật của các cụ, Trung tâm tạo môi trường sinh hoạt chung nhằm giúp người già nơi đây vơi đi những thiệt thòi, mất mát trong cuộc sống. 
 
Nhờ chăm sóc tận tình chu đáo, tuổi thọ của những người lớn tuổi sống ở đây đã ngày càng được nâng lên, nhiều người trong đó có tuổi thọ trên 80 tuổi, như bà Nguyễn Thị Năm chẳng hạn, năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, còn chăm sóc bữa ăn được cho những người cùng phòng yếu hơn mình.
 
Theo ông Đỗ Văn Cường - Phó Giám đốc Trung tâm, hơn 20 năm hoạt động, Trung tâm đã trở thành ngôi nhà chung cho tất cả những người già cơ nhỡ. “Mặc dù mỗi người đều có nỗi đau riêng, nhưng ở nơi đây họ lại chung nhau một niềm vui đó là mái nhà, là người thân, là bạn bè và tình thương”.
 
Vâng, chính ở đây họ đã tìm được một chỗ nương tựa, bù đắp cho nhau, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện vui, buồn trong những năm tháng cuối đời.
 
ĐÌNH QUANG