Tiểu Dự án Thoát nước Đà Lạt giai đoạn 2: Liệu có hoàn tất trong năm nay?

08:05, 29/05/2017

Tiểu Dự án thoát nước thành phố Đà Lạt giai đoạn 2 đã được triển khai từ giữa năm 2014, theo kế hoạch hoàn tất trong năm 2016 vừa qua nhưng vì nhiều lý do đã bị chậm lại.  

Tiểu Dự án thoát nước thành phố Đà Lạt giai đoạn 2 đã được triển khai từ giữa năm 2014, theo kế hoạch hoàn tất trong năm 2016 vừa qua nhưng vì nhiều lý do đã bị chậm lại.  
 
Nhiều hạng mục mới được xây dựng để nâng công suất hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt. Ảnh: V.Trọng
Nhiều hạng mục mới được xây dựng để nâng công suất hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt.
Ảnh: V.Trọng
Có hoàn tất trong cuối năm nay? 
 
Theo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, đơn vị quản lý dự án, Tiểu Dự án thoát nước thành phố Đà Lạt giai đoạn 2 này chỉ là một trong 2 hợp phần của một dự án lớn hơn, đó là Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống Cấp thoát nước Đà Lạt. 
 
Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước Đà Lạt này có tổng giá trị trên 767 tỷ đồng, trong đó, trên 615 tỷ đồng được vay từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), phần còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án này chia thành 2 hợp phần gồm Tiểu Dự án cấp nước và Tiểu Dự án thoát nước. Tiểu Dự án cấp nước có vốn đầu tư 382,7 tỷ đồng, Tiểu Dự án thoát nước có kinh phí 384,5 tỷ đồng. Mục tiêu chung của dự án là mở rộng cấp nước máy cho người dân đồng thời mở rộng việc thu gom nước thải trên địa bàn để đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt. Đây là một trong 7 dự án trong nước (mỗi dự án đều có 2 hợp phần cấp và thoát) được vay vốn từ Ngân hàng Thế giới trong đợt này.   
 
Bắt đầu khởi công từ giữa năm 2014, Tiểu Dự án thoát nước Đà Lạt theo kế hoạch sẽ phải hoàn tất mọi việc trong cuối năm 2016, nhưng đến nay, theo ông Hà Ngọc Quế - Giám đốc Quản lý dự án thuộc Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, dự án mới chỉ hoàn thành cơ bản việc lắp đặt đường ống, cụ thể đã đào và lắp xong khoảng 100 km đường ống gom nước thải trên 52 tuyến đường chính, lắp 5 trạm bơm nâng để đẩy nước thải về nhà máy đồng thời mở rộng và nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt.
 
Cũng cần nói thêm rằng, trước đây, với sự tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, thành phố Đà Lạt đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải đồng thời lắp đặt đường ống thu gom nước thải của khoảng 7.000 hộ dân về xử lý tại đây. Tuy nhiên, việc thu gom trong giai đoạn 1 này mới chỉ tập trung ở một phần khu vực phía tây thành phố tại các phường 1, 2, 5, 6, 7. Trong giai đoạn 2 này, dự án sẽ mở rộng việc thu gom thêm khoảng 6.500 hộ tại địa bàn phía đông và nam thành phố ở các phường 3, 4, 7, 8, 9, 10; đồng thời, nâng cấp công suất Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt từ 7.400 m3/ngày đêm lên 12.400 m3/ngày đêm. 
 
Trong quá trình thi công đường ống, theo ông Quế hiện vẫn còn một số vướng mắc khiến tiểu dự án này bị chậm lại, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng tại Khu qui hoạch tái định cư Phạm Hồng Thái. Công tác giải phóng mặt bằng này do Trung tâm Phát triển hạ tầng thành phố Đà Lạt cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện. “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị này và với thành phố Đà Lạt để thúc đẩy nhanh các thủ tục để có mặt bằng thi công” - ông Quế cho biết. 
 
Riêng công trình mở rộng và nâng cấp Nhà máy xử lý nước thải Đà Lạt trị giá 126 tỷ đồng, như ông Huỳnh Công Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý nước thải, đơn vị quản lý nhà máy cho biết, việc xây dựng khá đảm bảo tiến độ. Đến nay, Nhà máy đã xây mới thêm nhiều hạng mục như thêm 1 bể ABR, lắp đặt các trang thiết bị, cải tạo lại bể lắng cát, xây mới 2 bể lắng 2 vỏ, xây 2 bể lọc sinh học kỵ khí… Dự kiến trong cuối tháng 8 đến các công trình tại đây sẽ hoàn tất.
 
Một công việc quan trọng khác, đó là đấu nối các hộ dân vào hệ thống, nhưng đến nay theo ông Quế, vẫn còn rất chậm. Hiện Ban Quản lý dự án đang cho đấu thầu việc đấu nối này để thúc đẩy tiến độ nhanh hơn. 
 
“Theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đã đồng ý để dự án được gia hạn đến cuối năm 2017 và đây là thời hạn cuối nên chúng tôi phải hết sức cố gắng và hy vọng mọi việc sẽ hoàn tất trong cuối năm nay” - ông Quế khẳng định.    
 
Những vấn đề đặt ra
 
Trước nhất là việc hoàn trả mặt đường như nguyên trạng ban đầu sau khi đào lắp ống. Vẫn còn rất nhiều con đường tại Đà Lạt sau khi đơn vị thi công rút đi dù đã san lấp lại nhưng vẫn còn lổn nhổn ổ gà mất mỹ quan, gây nguy hiểm cho xe cộ qua lại. “Chúng tôi đã lưu ý với các đơn vị thi công các con đường này, từ nay đến cuối năm khi các hạng mục hoàn tất, các đơn vị này có trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ như ban đầu” - ông Quế khẳng định.
 
Một vấn đề khác chính là tình trạng nước thải ồ ạt trào ra khỏi đường ống trong những ngày có mưa lớn trên rất nhiều tuyến đường, đặc biệt là các con đường thấp như Phan Đình Phùng, Tô Ngọc Vân… như hiện nay. Theo Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng, tình trạng này là do trong giai đoạn 1 khi thi công người dân thay vì tách nước mưa ra khỏi hệ thống nước thải gia đình đã nhập chung cả 2 hệ thống này vào thành một và nối vào hệ thống thu gom nước thải thành phố, khiến đường ống thu gom này bị quá tải trong những ngày mưa lớn, đẩy bật nắp và tràn ra đường. Nhiều năm nay, Xí nghiệp Quản lý nước thải đã phải vất vả để đối phó bằng nhiều giải pháp nhưng không thể giải quyết triệt để được. Nhiều ý kiến cho rằng, số nước thải tràn ra đường trong những đợt mưa lớn như thế sẽ bị hòa vào nước tự nhiên nhưng về lâu dài điều này cần được nhanh chóng khắc phục để tránh gây nguy hại cho môi trường của một thành phố du lịch như Đà Lạt và cả cho các vùng phụ cận xung quanh dưới hạ lưu. 
 
Vậy thì liệu trong giai đoạn 2, lần đấu nối này có tránh được tình trạng như trên? “Hầu hết hệ thống nước thải của người dân được đưa về phía sau nhà, đường ống thu gom chính lại ở phía trước, nhiều nhà thấp hơn mặt đường nên chúng tôi sẽ cố gắng trong mức có thể. Trong lần đấu nối này, chúng tôi sẽ phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động người dân cùng tham gia, kiểm tra kỹ việc tách nước mưa ra khỏi hệ thống trước khi đấu nối vào tuyến chính” - ông Quế cho biết.
 
Một vấn đề khác cũng cần nói đến là chuyện xử lý mùi hôi tại Nhà máy xử lý nước thải. Lâu nay, Xí nghiệp Quản lý nước thải đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý mùi hôi nhằm tránh lây lan ra khu vực dân cư chung quanh, tuy nhiên, với lượng nước thải lớn hơn đổ về đây khi giai đoạn 2 hoàn tất sẽ gây không ít khó khăn cho nhà máy. “Tất nhiên sẽ cần nhiều hóa chất, nhiều kinh phí hơn để xử lý nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mức” - ông Khánh cam kết.
 
VIẾT TRỌNG