Xung quanh cái chết của thai nhi tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng

08:05, 08/05/2017

Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Nghĩa Bình (1988) ở Phường 7, TP Đà Lạt phản ánh: Vợ ông là sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy mang thai 36,5 tuần tuổi, vào lúc 7h30 sáng ngày 12/4/2017 chuyển dạ, người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và được các y, bác sỹ tại Khoa sản thăm khám xác định: Thai nhi bình thường, đủ tiêu chuẩn đẻ dưới...

Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Nghĩa Bình (1988) ở Phường 7, TP Đà Lạt phản ánh: Vợ ông là sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy mang thai 36,5 tuần tuổi, vào lúc 7h30 sáng ngày 12/4/2017 chuyển dạ, người nhà đưa lên Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và được các y, bác sỹ tại Khoa sản thăm khám xác định: Thai nhi bình thường, đủ tiêu chuẩn đẻ dưới. Vào 20h30’ cùng ngày, sản phụ được đưa vào phòng sinh, các y, bác sỹ làm các thủ tục để sinh thường, nhưng đến 21h, thì các y, bác sỹ gọi người nhà vào trong tình trạng căng thẳng, do sản phụ và thai nhi có những biểu hiện nguy kịch. Sau một thời gian áp dụng nhiều biện pháp “khẩn cấp” đưa được thai nhi ra khỏi bụng mẹ và chuyển gấp đến Khoa Nhi cấp cứu, khoảng 24h người nhà được thông báo là thai nhi đã bị chết.
 
Tiếp xúc với sản phụ vào ngày 18/4/2017, sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Quá trình “vượt cạn” của bản thân rất khó khăn, nguy kịch, phải nhờ đến sự hỗ trợ của các y, bác sỹ nhồi bụng, ép thai nhi và cuối cùng phải dùng kẹp đưa vào cửa mình hỗ trợ kéo thai nhi ra ngoài. Trong quá trình nhồi bụng đã có thời điểm sản phụ bị bất tỉnh. Sau khi thai nhi bị chết, sản phụ được chuyển đến phòng hậu sản nằm 1,5 ngày nhưng không hề được y, bác sỹ nào đến thăm hỏi. Mãi đến khi người nhà đến bệnh viện yêu cầu làm rõ cái chết của thai nhi, mới có người đến thăm hỏi và sau khi Cảnh sát điều tra, Công an TP Đà Lạt thành lập Hội đồng khám nghiệm tử thi thai nhi vào ngày 14/4/2017, Bệnh viện đã cử cán bộ đến nhà thăm hỏi, động viên và hứa sẽ miễn viện phí.
 
Chiều 26/4/2017, làm việc với chúng tôi, BSCKII Trần Văn Thích - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cho biết: Sản phụ Nguyễn Thị Bích Thủy mang thai 36,5 tuần tuổi sinh thường là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, đến 21h ngày 12/4/2017, khi cổ tử cung mở trọn, ngôi đầu + 2, tim thai 155-183 lần/phút, mẹ rặn không chuyển, nên phải chỉ định sinh theo phương pháp Forcps (trợ giúp của y, bác sỹ bằng cách ép bụng, xẻ rộng cửa mình, dùng kẹp hỗ trợ đưa thai nhi ra ngoài) là hoàn toàn đúng. Sau khi đưa được thai nhi ra khỏi bụng mẹ, vì thai nhi quá yếu phải chuyển đến Khoa Hồi sức cấp cứu, nhưng thai nhi không qua khỏi, đã qua đời. Việc sau khi gia đình yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Lạt “vào cuộc”, khám nghiệm tử thi thai nhi, Bệnh viện đã tổ chức cán bộ, y, bác sỹ đến nhà thăm hỏi, động viên, hứa sẽ miễn viện phí là xuất phát từ tinh thần nhân ái “thương người như thể thương thân” chứ hoàn toàn không phải sợ trách nhiệm do làm sai quy trình kỹ thuật khám, đỡ đẻ…
 
Trả lời câu hỏi do chúng tôi đưa ra: Tại sao khi sản phụ không thể đẻ thường được, các y, bác sỹ không kịp thời áp dụng kỹ thuật mổ đẻ, bác sỹ Trần Văn Thích cho hay: Không thể tiến hành cho mổ đẻ được, bởi lúc đó thai nhi đã chúc đầu xuống dưới để đẻ thường, nên không thể quay đầu lên trên để mổ đẻ được. Như vậy, cái chết của thai nhi là hoàn toàn nằm trong tiên liệu của các y, bác sỹ; các y, bác sỹ của ca trực, cũng như của Khoa Sản đã làm hết mình, nhưng không cứu sống được thai nhi. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Lạt đã lấy mẫu thai nhi đưa đi giám định pháp y để kết luận nguyên nhân gây ra cái chết của thai nhi nên phải chờ kết luận của Hội đồng giám định pháp y để làm sáng tỏ nguyên nhân.       
 
PHÒNG BẠN ĐỌC