Đưa hàng Việt về nông thôn: Thêm một góc nhìn

09:06, 21/06/2017

Qua 8 năm, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức của người Việt đối với hàng Việt. Cùng đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người dân...

Qua 8 năm, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ít nhiều đã làm thay đổi nhận thức của người Việt đối với hàng Việt. Cùng đó, các doanh nghiệp Việt cũng đã chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày một cao của người dân. Tuy nhiên, để hàng Việt tạo được chỗ đứng vững chắc ở thị trường nông thôn, các nhà tổ chức chương trình này cần có những giải pháp căn cơ hơn. 
 
Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được mở tại thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: Trịnh Chu
Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được mở tại thị trấn Đạ Tẻh. Ảnh: Trịnh Chu
Thành công bước đầu
 
Trong Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại huyện Cát Tiên từ ngày 11 đến ngày 13/5, bà Cao Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: “Nếu như trước đây, nói đến áo pull, nhiều người sẽ cho rằng áo pull phải của Thái Lan sản xuất thì mới đẹp, mới tốt. Nhưng giờ đây, suy nghĩ đó đã dần thay đổi, áo pull sản xuất trong nước chất lượng và mẫu mã không thua kém những chiếc áo pull được sản xuất tại Thái Lan. Tương tự, mặt hàng trái cây của Việt Nam đã ngày càng phong phú về mẫu mã, giá cả”.
 
Theo bà Thanh, đó là những thay đổi dễ nhận thấy nhất và là tín hiệu tích cực đối với hàng Việt ở thị trường nông thôn. Còn ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho rằng: Từ những phiên chợ này, người dân khu vực nông thôn đã có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, người dân có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng ngoại được bày bán trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ trên thị trường. “Các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn nữa về vấn đề chất lượng, mẫu mã, giá cả để thu hút nhiều người dân tới tham quan, mua sắm. Giải quyết được vấn đề chất lượng sẽ nâng cao uy tín của hàng Việt đối với người dân khu vực nông thôn, bằng không lần sau có tổ chức phiên chợ thì người dân sẽ không đến phiên chợ nữa”, ông Phúc cho biết. 
 
Ông Đỗ Hữu Dự, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên) trao đổi: “Ở Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn được Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức lần đầu tiên tại thị trấn Cát Tiên vào năm 2014, các mặt hàng đưa về đây đã bị “cháy” hàng. Nguyên nhân là vì các mặt hàng được bày bán tại phiên chợ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo nên các chủ tiệm tạp hóa trên địa bàn thị trấn Cát Tiên đến mua sỉ đem về tiệm bán lại kiếm lời”.
 
Thực tế cho thấy, việc mở phiên chợ không chỉ người dân khu vực nông thôn được hưởng lợi, mà bản thân các doanh nghiệp Việt cũng nhận được nhiều lợi ích từ chương trình này. 
 
Thứ nhất, việc tham gia phiên chợ giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tiếp cận được thị trường nông thôn rộng lớn. Thứ nữa, phiên chợ là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn; từ đó, đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn với thực tế...
 
Sau phiên chợ này, Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng tiếp tục mở Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) từ ngày 15 đến ngày 17/5.
 
Một vài tồn tại
 
Mặc dù Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn tại 2 địa phương trên (Cát Tiên và Đạ Tẻh) đã đem lại không ít những hiệu ứng tích cực, như làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho hàng Việt chiếm lĩnh thị trường trong nước, song, trên thực tế, việc tổ chức phiên chợ vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Số lượng các doanh nghiệp có các điểm bán hàng tại phiên chợ chưa nhiều. Ở huyện Cát Tiên, chỉ có 35 doanh nghiệp tham gia phiên chợ, bày bán gần 40 gian hàng. Tại huyện Đạ Tẻh, con số các doanh nghiệp tham gia phiên chợ cũng chỉ 35 doanh nghiệp, bày bán 42 gian hàng. 
 
Mặt khác, các mặt hàng được bày bán tại đây chưa thật sự phong phú, vẫn chỉ loanh quanh ở quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Thêm nữa, địa điểm tổ chức phiên chợ lại nằm ngay ở thị trấn. “Nói là đưa hàng Việt về nông thôn nhưng trên thực tế thì hàng Việt mới đưa về đến... thị trấn”, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) hóm hỉnh. 
 
Theo ông Tuấn, đấy là một bất cập trong khâu tổ chức. Bởi, chỗ cần đến thì chưa đến, chỗ vốn đã sẵn hàng hóa như thị trấn thì lại tổ chức mở Phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn. “Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn là để người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số... - những người ít có cơ hội tiếp cận và sử dụng hàng Việt, chứ không phải là người dân thị trấn”, ông Tuấn kết luận.  
 
TRỊNH CHU