Rừng Tôn K'Long đang "rỉ máu"

09:06, 28/06/2017

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Lệnh đóng cửa rừng vào tháng 6/2016, nhưng thực tế thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng tự nhiên tại Tiểu khu 543 (thuộc Tôn K'Long, xã Quảng Trị) đang bị tàn phá, xâm lấn không thương tiếc và rừng đang ngày đêm "rỉ máu" nghiêm trọng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Lệnh đóng cửa rừng vào tháng 6/2016, nhưng thực tế thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng tự nhiên tại Tiểu khu 543 (thuộc Tôn K’Long, xã Quảng Trị) đang bị tàn phá, xâm lấn không thương tiếc và rừng đang ngày đêm “rỉ máu” nghiêm trọng.
 
Hàng ngàn cây gỗ bị đốn hạ nằm la liệt. Ảnh: Khánh Phúc
Hàng ngàn cây gỗ bị đốn hạ nằm la liệt. Ảnh: Khánh Phúc
Cả ngàn cây gỗ bị đốn nằm la liệt
 
Từ trung tâm huyện Đạ Tẻh, chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ đi xe máy quấn xích vào bánh, băng qua con đường “độc đạo” dốc đứng, lầy lội chỉ lọt đúng bánh xe mới đến được Tiểu khu 543 - nơi những quả đồi vừa mới bị lâm tặc cạo trọc. Men theo con đường lầy lội này, chúng tôi được chứng kiến cảnh nhiều đoạn đường bị lâm tặc lấy gỗ rào chắn ngổn ngang để phòng khi có “biến”. Theo lời kể của người dẫn đường, tại Tiểu khu 543 có 3 quả đồi bị lâm tặc đốn hạ không thương tiếc. Quả thực, hiện trường chúng tôi tiếp cận đầu tiên là 2 quả đồi thuộc khoảnh 3 của Tiểu khu 543. Tại đây, gỗ bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang, cây nọ chồng lên cây kia trải rộng gần 6 ha. Trong đó, có những cây gỗ to có đường kính lên tới gần cả mét.
 
Tương tự tại khoảnh 8 (Tiểu khu 543) có một quả đồi rộng hơn 1 ha cũng bị lâm tặc đốn hạ trọc lóc không còn bóng dáng của rừng. Bao quanh khu vực là cả ha rừng bị đốn hạ, chúng tôi phát hiện nhiều tàn thuốc lá, vỏ chai nhớt, vỏ lon nước ngọt, bia do lâm tặc để lại còn nằm vương vãi khắp nơi. Theo kinh nghiệm của người dẫn đường, điều này chứng tỏ để đốn hạ cả cánh rừng rộng hàng ha này thì băng nhóm phá rừng phải có nhiều đối tượng cùng tham gia. Chúng đã bàn bạc, thống nhất phương án rồi dùng máy cưa xăng triệt hạ trong nhiều ngày mới làm được. Theo một người dân địa phương cho biết, khu rừng bị phá chỉ nằm cách chốt Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của huyện Đạ Tẻh ở Tôn K’Long khoảng 1,5 km (theo đường chim bay) nhưng họ không hề hay biết. Khi chúng tôi hỏi anh có biết ai cầm đầu băng nhóm phá rừng này không, người này e dè: “Ở đây phức tạp lắm, có biết tôi cũng chẳng giám tiết lộ vì sợ họ trả thù. Rừng ở đây “kiến” chui không lọt, chứ “voi” thì chui lọt thường xuyên”. Tốt nhất các anh cứ tự mà tìm hiểu rồi sẽ rõ”.
 
Đại tá Đinh Quang Trung, Trưởng Công an huyện Đạ Tẻh cho biết: “Sau khi nắm được vụ phá rừng tại Tiểu khu 543, Công an huyện cùng các cơ quan chức năng địa phương đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (PC46) Công an tỉnh Lâm Đồng tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ việc. 
 
Thống kê, toàn tiểu khu này có tới gần 7 ha rừng bị lâm tặc triệt phá. Qua kiểm đếm, có hơn 1.400 cây gỗ lớn, nhỏ bị triệt hạ và tất cả đều đang nằm tại hiện trường. Khối lượng gỗ bị thiệt hại là hơn 440 m 3, gỗ chủ yếu thuộc từ nhóm 5 đến nhóm 8. 
 
Qua xác minh, toàn bộ diện tích rừng bị phá thuộc sự quản lý, bảo vệ của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh. Đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn huyện Đạ Tẻh. Đến hiện tại, cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được các đối tượng đã triệt hạ khu rừng này. Hiện, vụ việc đã được Công an huyện chuyển hồ sơ để Công an tỉnh Lâm Đồng thụ lý, điều tra theo thẩm quyền”.
 
Xem clip: Rừng Tôn K'Long đang "rỉ máu"
https://youtu.be/vYaLXYYVDOw
 
Trách nhiệm thuộc về ai?
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Khai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh thừa nhận: “Hiện tại, ở Tôn K’Long (thuộc địa phận 2 xã Quảng Trị và Đạ Pal), Công ty đang nhận quản lý, bảo vệ gần 3.900 ha rừng tự nhiên. Để bảo vệ rừng ở Tôn K’Long, huyện Đạ Tẻh đã thành lập chốt QLBVR với các thành phần tham gia như kiểm lâm, cán bộ Công ty và Ban Lâm nghiệp 2 xã Quảng Trị và Đạ Pal túc trực 24/24h. Khu vực rừng bị triệt hạ thuộc địa phận xã Quảng Trị do Công ty chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ. Hiện, khu vực này, Công ty đã giao khoán cho 13 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Đạ Tẻh nhận khoán quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, để xảy ra mất rừng, chúng tôi xác định trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ rừng chính là Công ty. Vì vậy, sau khi vụ việc được phát hiện, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường để nắm tình hình và cung cấp những thông tin cần thiết cho cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ”.
 
Ông Khai cho biết thêm: “Ngay sau khi vụ việc xảy ra, phía Công ty đã nghiêm khắc kiểm điểm và yêu cầu 9 cá nhân của Công ty viết bản tường trình vụ việc, gồm: 6 tiểu khu trưởng trực chốt ở Tôn K’Long cùng 1 cụm trưởng, 1 trưởng phòng và 1 phó phòng”.
 
Cũng theo người đứng đầu Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh, hiện tình trạng phá rừng ở Tôn K’Long đang diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh việc lâm tặc vào rừng khai thác gỗ trái phép, thì tình trạng người dân phá rừng để lấn chiếm đất sản xuất ở đây đang có chiều hướng gia tăng và rất khó xử lý triệt để. Liên quan đến vụ việc trên, chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Quốc - Chủ tịch UBND xã Quảng Trị để nắm thêm thông tin thì bị từ chối khéo! Ông Quốc lấy lý do: “Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, nên tôi không thể trả lời cho các anh được. Khi có kết luận cuối cùng về vụ việc từ cơ quan điều tra, chúng tôi sẽ trả lời các anh sau”.
 
Trong khi đó, ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh khẳng định: “Đây là vụ phá rừng hết sức nghiêm trọng, nên huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm đến nơi, đến chốn. Sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với Công an tỉnh tiến hành khám nghiệm, bảo vệ hiện trường. Quan điểm của huyện là, cơ quan công an cần sớm khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra, xác minh làm rõ vụ việc một cách sớm nhất có thể. Trước mắt cần quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là chốt QLBVR ở Tôn K’Long và chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Đạ Tẻh để mất rừng. Sau khi có kết quả điều tra, huyện kiên quyết sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan”.
 
Như vậy, những gì chúng tôi được “mục sở thị” tại Tiểu khu 543 (thuộc Tôn K’Long, xã Quảng Trị) với hàng ngàn cây gỗ lớn, nhỏ bị đốn hạ vô tội vạ, không thương tiếc cho thấy tình trạng phá rừng ở đây đang diễn ra rất nghiêm trọng, đi ngược lại với mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ đóng cửa rừng nhưng rừng đang ngày đêm vẫn  “rỉ máu”.                      
 
HẢI ĐƯỜNG