Đà Lạt: Cảnh giác sạt lở đất, taluy trong mùa mưa

09:08, 02/08/2017

Những ngôi nhà tọa lạc dưới bờ taluy tồn tại cả chục năm nay tại TP Đà Lạt đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đặc biệt là trong mùa mưa kéo dài kèm gió lớn.

Những ngôi nhà tọa lạc dưới bờ taluy tồn tại cả chục năm nay tại TP Đà Lạt đang tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, đặc biệt là trong mùa mưa kéo dài kèm gió lớn.
 
Rất nhiều taluy trên địa bàn TP Đà Lạt không được người dân gia cố, tu sửa dẫn tới sạt lở khi mùa mưa về. Ảnh: C.Thành
Rất nhiều taluy trên địa bàn TP Đà Lạt không được người dân gia cố, tu sửa dẫn tới sạt lở khi mùa mưa về. Ảnh: C.Thành
Chưa chú ý gia cố taluy
 
Vụ việc liên quan tới sạt lở, nứt đất, tường nhà và taluy đáng chú ý nhất là khu dân cư nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định (Phường 2, TP Đà Lạt) vào những ngày cuối tháng 4. Thời điểm này thời tiết đang giao mùa (mùa mưa từ tháng 5 tới tháng 10 hằng năm) nên xuất hiện nhiều trận mưa lớn. Do vị trí xảy ra sự cố nằm tại trung tâm thành phố nên các cấp, ngành đã khẩn trương tạm di dời 15 hộ dân với 58 nhân khẩu ra khỏi khu vực để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng. Mặc dù chưa có tai nạn đáng tiếc về người nhưng vụ việc nghiêm trọng trên đã làm nhiều hộ dân bị ảnh hưởng sinh hoạt cuộc sống thường nhật. UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, nguyên nhân chính của hiện tượng sụt lún đất, bờ tường, taluy… là do địa hình của đường Nguyễn Văn Trỗi nằm ở khu vực sườn đồi và chênh lệch độ cao lớn (khoảng 20 m) so với đường Phan Đình Phùng. Trong quá trình đô thị hóa khu vực này, đã làm cho các dòng chảy tự nhiên trước đây bị bồi lấp, nền đất yếu do qua một thời gian dài ngậm nước, gây sụt lún.
 
Ở mức độ nhỏ hơn, mới đây nhất, ngày 25/7, một bờ taluy bê tông cao 5 m, dài 6 m phía sau căn nhà A39 (đường Tô Hiến Thành, Phường 3) bất ngờ sạt lở kéo theo căn nhà bên dưới đổ theo, đồng thời gây nứt tường, nền của căn nhà số A38 liền kề. Người nhà cụ Nguyễn Văn Châu (81 tuổi), người bị kéo trôi cùng căn nhà xuống phía vực phải nhập viện cấp cứu cho biết: Nếu không nhờ may mắn, cụ Châu đã phải bỏ mạng vì bức taluy đè lên ngôi nhà chỉ trong tích tắc, sẽ không ai kịp thoát nếu ở trong nhà thời điểm đó. Và cũng cuối tháng 7, tại khu vực đường Lữ Gia (Phường 9), một bờ taluy cao ngất ngưởng gần 9 m, dài gần 20 m cũng bất ngờ đổ sập đè bẹp một ngôi nhà cấp 4 phía dưới. Rất may vụ việc trên không có thương vong về người nhưng làm tài sản một hộ dân bị hư hỏng nặng nề. Ngoài ra, còn cả chục vụ sạt lở đất, taluy khác xảy ra rải rác tại nhiều vị trí trên địa bàn thành phố.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay tại khu vực Suối Cát - Xuân An (Phường 3), đường Đào Duy Từ, Gio An (Phường 4), đường Khe Sanh (Phường 10)… người dân thường sinh sống bên cạnh những taluy, bờ đất cao từ 3 tới 10 m. Điều đáng ngại là nhiều bờ tường, taluy có tuổi đời sử dụng cả chục năm nhưng việc tu sửa lại chưa được quan tâm đúng mức. Một số người dân cho biết, chỉ tiến hành gia cố khi thấy taluy xuống cấp, thấy có dấu hiệu lún, nứt được nhận biết bằng mắt thường.
 
Theo UBND TP Đà Lạt, tính từ cuối tháng 4 tới hết tháng 7/2017, thành phố có 17 vụ sạt taluy, bờ tường từ nhẹ cho tới nặng, gây thiệt hại đáng kể về tài sản của người dân.
 
Quản lý không dễ...
 
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thông tin, hiện nay hầu hết những công trình nhà, biệt thự, cầu đường... tại TP Đà Lạt đều có hệ thống taluy từ thấp tới cao, chiếm khoảng 60-70%. Đây được coi là nét đặc trưng trong kiến trúc xây dựng của thành phố vì địa hình đồi núi dốc, quanh co bắt buộc khi xây dựng phải có taluy, bờ tường kè chắn công trình.
 
Như công trình công cộng có taluy lớn tại khu Hòa Bình (Phường 1, có taluy có độ cao gần 15 m và kéo dài 400 - 500 m) đều có đơn vị chức năng bảo dưỡng, xem xét tác động sửa chữa định kỳ nên về cơ bản là an toàn. Tuy nhiên, với hàng nghìn công trình taluy của người dân, việc quản lý các nguy cơ trước tác động của con người, khí hậu mưa lớn kéo dài không phải dễ dàng. Về mặt quản lý nhà nước cũng có một số vướng mắc. Ví dụ như việc cơ quan chức năng cấp phép cho xây dựng, nhưng nhà thầu thi công không đúng kỹ thuật. Trong khi đó, khâu hậu kiểm, giám sát hiệu quả còn chưa cao.
 
Thực tế là tại các khu vực như Phường 7, Phường 3, Phường 4... (TP Đà Lạt), người dân xây dựng nhà ở ngay tại nơi có độ dốc lớn, dưới chân núi cao chỉ có taluy bằng đất không có kè chắn hay lưới mắt cáo làm lực giằng. Như tại khu vực Suối Cát Xuân An (Phường 3), nhiều vị trí taluy đất cao tới 20 m nhưng người dân vẫn sinh hoạt dưới mối nguy hiểm tiềm ẩn hằng ngày. Theo Sở Xây dựng, ở những nơi như vậy, người dân thường chủ quan không thường xuyên khơi thông khe rãnh thoát nước trên bề mặt taluy khiến nước ứ đọng, xói mòn mất ổn định, tạo sức nặng lên taluy rất nguy hiểm. Ngoài ra, vết nứt taluy nguy hiểm chỉ vài milimet thường bị rong rêu bám lên che khuất nên người dân khó phát hiện để kịp thời khắc phục.
 
Phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt cho biết, địa hình đặc trưng các khu dân cư thuộc các Phường 3, 4, 6, 10,… có độ dốc lớn, những khu vực khe dốc ở dưới các thung lũng thường có địa chất yếu, để xây dựng công trình dân sinh, người dân buộc phải xây dựng bờ kè taluy. Tuy nhiên, quá trình bồi lắng đất khiến nền đất nhiều nơi bị yếu, nếu chỉ dùng cây cừ tràm đóng cọc xây móng thì về sau dễ dẫn tới sụt lún đất. 
 
Trước nhiều sự cố sụt, lún đất gần đây, UBND TP Đà Lạt đang khẩn trương cùng các ban, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình tầng hầm, tường chắn đất, đập và nhà kính trên địa bàn. Trong đó có kiểm tra, rà soát các công trình có tường chắn đất, taluy từ khả năng chịu lực của tường, biện pháp thi công lấy đất, kiểm tra độ dốc thoát nước trong phạm vi xây dựng tầng hầm, tầng chắn... Tuyệt đối không cấp phép cho các công trình nằm trong phạm vi cung trượt, nguy cơ sợt lở cao trong tương lai.
 
C.THÀNH