Kiên quyết xử lý dứt điểm và đẩy nhanh tiến độ

08:08, 22/08/2017

"Dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Ðà Lạt" (trong bài ghi tắt là DA) mặc dù được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo sát, nhưng đến nay tình trạng đang như không mong muốn.

“Dự án thoát nước, thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Ðà Lạt” (trong bài ghi tắt là DA) mặc dù được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và thường xuyên chỉ đạo sát, nhưng đến nay tình trạng đang như không mong muốn. Vì vậy, chiều ngày 16/8, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Yên tiếp tục triệu tập cuộc họp giữa chủ đầu tư cùng các sở, đơn vị liên quan và UBND thành phố Ðà Lạt để quán triệt. 
 
Tuyến đường Trần Quốc Toản và Lê Đại Hành có công trình của Dự án. Ảnh: Ðạo Phan
Tuyến đường Trần Quốc Toản và Lê Đại Hành có công trình của Dự án. Ảnh: Ðạo Phan

Chỉ đạo từ rất sớm
 
Đây là tiểu DA thuộc DA Đầu tư xây dựng hệ thống cấp thoát nước Đà Lạt. Tổng mức đầu tư tiểu DA 384 tỷ đồng, bao gồm vốn vay WB và đối ứng của Chính phủ Việt Nam; chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng (gọi tắt là Công ty CTN Lâm Đồng). Tiểu DA triển khai thi công từ tháng 6/2014, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thi công chậm; còn một số tồn tại về chất lượng công trình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, sự chỉ đạo của UBND tỉnh rất sớm. Ví dụ, ngày 19/9/2013, tại Văn bản số 5564/UBND-GT “V/v chỉ đạo triển khai thực hiện các DA cấp, thoát nước đô thị sử dụng vốn ODA trên địa bàn tỉnh”, UBND tỉnh kết luận: “rất chậm về tiến độ và thiếu tập trung trong công tác tổ chức thực hiện. Yêu cầu đơn vị chủ DA nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, yếu kém; các ngành chức năng và địa phương cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện”. Cùng đó, UBND tỉnh đề nghị Công ty CTN Lâm Đồng “chủ động lập kế hoạch triển khai công việc hàng tháng, quý, lập tiến độ cụ thể của từng DA”. Còn UBND thành phố Đà Lạt (TPĐL) “phối hợp với Công ty CTN Lâm Đồng triển khai công tác thu hồi đất, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện DA nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước TPĐL và DA xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TPĐL đảm bảo hoàn thành theo tiến độ đề ra”.  
 
Ngày 2/6/2017, UBND tỉnh tiếp tục có Văn bản số 3402/UBND-XD2 “V/v đôn đốc tiến độ thực hiện DA đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước (vay vốn WB) trên địa bàn TPĐL”. Sau khi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan và chủ đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các đơn vị, địa phương nói trên kiểm tra, rà soát và đánh giá việc thực hiện nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2730/UBND-XD2 ngày 8/5/2017 và các văn bản chỉ đạo trước đây để tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt...”. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị và địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm và cụ thể, đặc biệt đối với chủ đầu tư cần rà soát khối lượng các hạng mục; phối hợp các sở và TPĐL hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; khẩn trương hỗ trợ nhà thầu gặp khó khăn,vướng mắc... Văn bản cũng nêu việc đẩy nhanh tiến độ gói thầu xây dựng mạng lưới thu gom và trạm bơm nâng nước thải (gói DLWW - 04A) hoàn thành trước ngày 20/6/2017; trường hợp không hoàn thành tiến hành chấm dứt thi công để lựa chọn nhà thầu khác. 
 
Ngày 25/7, UBND tỉnh lại tiếp tục “đôn đốc” bằng Văn bản số 4801/UBND - XD­2 sau khi có kết quả kiểm tra của Sở Xây dựng theo chỉ đạo. UBND tỉnh yêu cầu Công ty CTN Lâm Đồng “phối hợp với đơn vị thi công và các đơn vị có liên quan khẩn trương có biện pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình hoàn nguyên các tuyến đường. Thay các nắp hố ga bằng bê tông của tuyến ống dịch vụ, đấu nối hộ gia đình lắp đặt trên mặt đường bằng nắp gang để đảm bảo khả năng chịu lực”... Đối với UBND TPĐL, UBND tỉnh giao tăng cường công tác hậu kiểm; chỉ đạo kiểm tra, giám sát thi công. “Khi phát hiện chủ đầu tư, nhà thầu thi công không tuân thủ các nội dung theo giấy phép, không hoàn nguyên mặt đường đảm bảo chất lượng thì đình chỉ thi công, không nghiệm thu hạng mục công trình; kịp thời xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm, không thực hiện việc hoàn nguyên và các nội dung theo yêu cầu giấy phép theo đúng quy định”, văn bản ghi rõ. 
 
Dốc sức lực và quyết liệt 
 
Ngày 16/8, UBND tỉnh tiếp tục triệu tập cuộc họp với chủ đầu tư và các sở liên quan như Xây dựng, TN&MT, UBND TPĐL, đơn vị Điện lực, Viễn thông... để nắm tình hình và chỉ đạo tháo gỡ. Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên, đơn vị này đã khảo sát, kiểm tra và kết quả hiện nay việc hoàn nguyên chậm so với tiến độ chung; chất lượng hoàn nguyên cục bộ một số đoạn, khu vực chưa đạt như lún, sụt; một số hố ga cao hoặc thấp hơn mặt đường... Nguyên nhân chính do thi công và giám sát không tốt. Sở GTVT cho rằng, để đảm bảo yếu tố kỹ thuật của đường, cần cắt mặt đường đến đâu thi công ngay đến đó và không để xe chở vật liệu quá tải lưu thông những điểm đang thi công. 
 
Đại diện chủ đầu tư, ông Võ Quốc Trang - Chủ tịch Công ty CTN Lâm Đồng cho biết do nhà thầu liên doanh Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi 1 Nghệ An và Tổng Công ty Bạch Đằng (Hải Phòng) thực hiện thi công không đảm bảo chất lượng và tiến độ nên đã chấm dứt hợp đồng từ ngày 31/12/2016.  
 
Qua khảo sát thực địa và nắm thông tin từ cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên khẳng định với PV Báo Lâm Đồng: thực tế không phải cả 14 tuyến đường đều phải đào lên như một số báo đưa tin mà chỉ là những đoạn đường từ mấy chục mét đến hơn 100 mét hoặc một số khu vực chất lượng thi công DA chưa đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật theo quy định. Tuy nhiên, tại kết luận, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên đã chỉ đạo quyết liệt với nhiều nội dung cụ thể đối với từng sở liên quan và UBND TPĐL, đặc biệt là chủ đầu tư. Cần dứt điểm hoàn nguyên những vị trí không đạt yêu cầu về chất lượng, hết thời hạn cần chấm dứt hợp đồng với nhà thầu và theo đó chủ đầu tư chủ động tìm đối tác khác triển khai ngay. Hoàn nguyên đến đâu nghiệm thu, ghi nhận khối lượng cụ thể và thanh toán đến đó. Phần thanh toán này trừ vào tổng kinh phí hợp đồng với nhà thầu cũ. “Phải dứt khoát về mặt phương pháp. Nếu thời tiết thuận lợi cần giải quyết việc khắc phục dứt điểm trong tháng 8”, ông Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh. 
 
Đối với 2 đoạn đường Trần Phú và Lê Đại Hành không thi công trên vỉa hè mà triển khai tại lòng đường giáp vỉa hè. Theo đó, cần nghiên cứu biện pháp thi công vào ban đêm và thứ bảy, chủ nhật với tinh thần an toàn, chất lượng và nhanh gọn. Đối với khu vực thượng lưu đường Phạm Hồng Thái cần tiến hành cắm mốc ngay trong ngày 18/8, dứt điểm các phần việc còn lại trong tháng 8 để thi công trong tháng 9. Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu cần có thông tin cụ thể đến cộng đồng qua phương tiện truyền thông như Đài PTTH Lâm Đồng và Báo Lâm Đồng để nhân dân nắm rõ kế hoạch thi công và đồng lòng phối hợp. Chủ đầu tư cần rút kinh nghiệm từ nhà thầu cũ, có bàn bạc kỹ lưỡng, có giám sát, nghiệm thu, phối kết hợp chặt chẽ để cùng tháo gỡ. 
 
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên cũng giao Sở GTVT thường xuyên làm tốt công tác thanh tra và xử lý nghiêm những vi phạm. Sở Xây dựng tiếp tục theo dõi giám sát chất lượng công trình; nếu phát hiện báo ngay cho chủ đầu tư và báo cáo với Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên trực tiếp qua điện thoại để xử lý ngay. Đối với UBND TPĐL, cần lưu ý trong cấp phép phải ghi rõ điều khoản về thời hạn mới đẩy nhanh được tiến độ thi công các công trình. Cùng đó, cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân để phối hợp, nhất là thi công đấu nối... Hai đơn vị Điện lực và Viễn thông phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư rà soát, khảo sát cụ thể những vị trí liên quan đến thi công.
 
ÐẠO PHAN