Giải pháp giúp nông dân phòng chống, xử lý dịch bệnh trên cây trồng

08:08, 25/08/2017

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri Đà Lạt về việc thời gian qua dịch bệnh trên cây trồng có chiều hướng diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho người nông dân, vì vậy, phía cơ quan chức năng của thành phố đã trực tiếp giải trình và có biện pháp hướng dẫn giúp nông dân phòng chống, xử lý dịch bệnh. 

Trên cơ sở kiến nghị của cử tri Đà Lạt về việc thời gian qua dịch bệnh trên cây trồng có chiều hướng diễn biến phức tạp gây thiệt hại cho người nông dân, vì vậy, phía cơ quan chức năng của thành phố đã trực tiếp giải trình và có biện pháp hướng dẫn giúp nông dân phòng chống, xử lý dịch bệnh. 
 
Cà phê và rau, hoa là cây trồng chủ lực của Đà Lạt nên việc phòng chống dịch bệnh là khâu quan trọng.  Ảnh: N.Thu
Cà phê và rau, hoa là cây trồng chủ lực của Đà Lạt nên việc phòng chống dịch bệnh là khâu quan trọng.
Ảnh: N.Thu

Từ đầu năm đến nay, do thời tiết bất thường, đặc biệt là giai đoạn tháng 4, tháng 5 do mưa nhiều, mưa to, biên độ nhiệt chênh lệch giữa ngày và đêm lớn, sáng sớm và chiều tối thường có sương mù nhẹ, ẩm độ không khí cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho một số nấm bệnh, sâu hại phát triển và mức độ gây hại có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ năm trước.
 
Cụ thể, bệnh sưng rễ, cháy lá trên bắp cải; ruồi đục lá trên khoai tây, rau hoa; mốc sương trên khoai tây; phấn trắng hại hoa hồng; thối quả, xì mủ lá trên dâu tây; rỉ sắt trên hoa cúc, cà phê… Bên cạnh đó, một số đối tượng côn trùng chích hút như bọ xít muỗi hại cà phê; bọ trĩ, bọ phấn, ruồi hại lá trên hoa cúc tăng nhanh và gây hại trên nhiều diện tích làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân.
 
Theo báo cáo của Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt, năm 2016 tổng diện tích cà phê chè bị sâu hại trên toàn thành phố là 900 ha, sau công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc phòng chống dịch, một phần do trong năm mùa mưa kéo dài đã hạn chế sự phát sinh và gây hại của sâu. Tính đến tháng 5/2017 diện tích cà phê bị sâu đục thân hại giảm đáng kể, còn 290 ha.
 
Để giữ vững diện tích và năng suất cà phê cho người  dân, Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đã khẩn trương, tích cực giúp nông dân  bằng cách cấp phát thuốc phòng chống dịch tại Phường 10 và Phường 4 với tổng diện tích 3.202 ha. Tổ chức 15 lớp tập huấn quy trình phòng chống dịch sâu đục thân, cấp phát 10 ngàn tờ rơi tại Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành,Tà Nung và phường 10. Bàn giao 35 máy bơm thuốc cao cấp cho UBND phường 10 và phường 4, xây dựng 5 mô hình điểm phòng chống dịch sâu đục thân tại các xã để nhân rộng ra toàn thành phố. Ngoài thuốc Diazan 50EC hỗ trợ nông dân bằng nguồn vốn của thành phố thì hiện nay Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt đang tiếp tục tham mưu UBND thành phố xin hỗ trợ thêm 6 tấn thuốc Basitox dạng hạt từ nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh của tỉnh cấp cho diện tích cây trồng còn bị hại.
 
Đối với loại bệnh bọ xít muỗi, theo thống kê, chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2017 đã có 520 ha diện tích cây trồng bị bọ xít muỗi gây hại, đến tháng 6/2017 đã tăng lên 950 ha bị gây hại. 
 
Trả lời cho cử tri về nguyên nhân của bệnh bọ xít muỗi, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết: Do tình hình khí hậu biến đổi, thời tiết mưa kéo dài,độ ẩm cao, cùng với việc nông dân trồng cà phê với mật độ dày nhưng chưa chú trọng đến việc cắt tỉa cành hợp lý, phát quang cỏ dại thông thoáng vườn cũng như các biện pháp phòng trừ bọ xít muỗi trong giai đoạn cà phê phát triển nhiều chồi, búp non đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúng phát sinh và gây hại trên nhiều diện tích cà phê canh tác trong rừng hoặc dưới thung lũng. Phía Trung tâm cũng đã triển khai các biện pháp chủ yếu là tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn việc phun thuốc phòng chống dịch sâu đục thân để phòng trừ bọ xít muỗi và làm giảm một phần mật độ của chúng trên đồng ruộng so với thời điểm tháng 5.
 
Riêng bệnh gây hại trên cây atiso xuất hiện vào thời điểm tháng 5 - 6/2017, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra xác định bệnh là do virus thâm nhập. Còn bệnh héo vàng trên hoa cúc sau khi nghiên cứu, kiểm tra thì cơ quan chức năng xác định bệnh do giống cúc tại một số vườn ươm có nhiễm bệnh, Trung tâm đã tiến hành tiêu hủy giống tại một số cơ sở vườn ươm có phát hiện.
 
Để tiếp tục tăng cường biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, nhiệm vụ giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới, theo Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt Nguyễn Thị Mỹ Hạnh: Bên cạnh các nhiệm vụ kỹ thuật chuyên môn thì sắp tới chúng tôi tiếp tục đề nghị UBND thành phố, Phòng Kinh tế phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành kiểm tra vườn ươm giống và cơ sở cấy mô trên địa bàn để có chế tài xử phạt nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh ra diện rộng toàn thành phố, ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây trồng, gây thiệt hại kinh tế của người dân.        
                     
NGUYỆT THU