Phòng chống tham nhũng từ chính biện pháp ngăn ngừa tại cơ sở

08:09, 15/09/2017

Phòng ngừa tham nhũng là một nội dung trụ cột của Luật Phòng, chống tham nhũng. Ðối tượng phạm tội tham nhũng phần lớn là những người có chức vụ, quyền hạn, quan hệ xã hội rộng, có điều kiện để thực hiện hành vi tham nhũng và che giấu tội phạm tham nhũng. 

Phòng ngừa tham nhũng là một nội dung trụ cột của Luật Phòng, chống tham nhũng. Ðối tượng phạm tội tham nhũng phần lớn là những người có chức vụ, quyền hạn, quan hệ xã hội rộng, có điều kiện để thực hiện hành vi tham nhũng và che giấu tội phạm tham nhũng. 
 
Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh góp ý về những vướng mắc, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật với Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: N.Thu
Đại diện Tòa án nhân dân tỉnh góp ý về những vướng mắc, hạn chế trong công tác phòng chống tội phạm,
vi phạm pháp luật với Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: N.Thu

Phần lớn hành vi tham nhũng thường xảy ra một thời gian khá lâu mới bị phát hiện nên đối tượng đã cất giấu, hợp lý hóa hoặc đã tiêu hủy tài liệu dẫn đến việc thu thập tài liệu gặp khó khăn. Điều này đã tạo áp lực tâm lý cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, gây cản trở trong công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng. Đó là nguyên nhân của những vướng mắc, hạn chế trong công tác phát hiện xử lý hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh và khối cơ quan Nội chính phân tích, báo cáo với Đoàn Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong thời gian vừa qua. 
 
Thời gian qua, UBND tỉnh đã có sự chỉ đạo cụ thể, thường xuyên trong thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng. Hầu hết các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc với các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai các quy định này một cách công khai, minh bạch.
 
Trong đó, biện pháp được người đứng đầu các cơ quan, đơn vị áp dụng nhằm phòng ngừa tham nhũng từ cơ sở đó là ban hành Kế hoạch phòng chống tham nhũng hàng năm nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, biện pháp phòng chống tham nhũng gắn với chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị. Tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị về các quy định của pháp luật, thực hiện quy chế văn hóa công sở, quy chế hoạt động với đảng ủy cơ sở, công đoàn cơ sở, quy chế dân chủ, quy chế chi tiêu nội bộ, ban hành tiêu chí đánh giá cán bộ công chức hàng năm… Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng.
 
Các giải pháp đổi mới công nghệ quản lý, hạn chế tiêu dùng tiền mặt, trả lương qua tài khoản, công khai minh bạch trong mua sắm tài sản công, xây dựng cơ bản… cũng là một trong những biện pháp được tỉnh chỉ đạo triển khai tại tất cả các đơn vị, địa phương trong nhiều năm qua. Thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức tại những bộ phận thường xuyên tiếp xúc làm việc trực tiếp với nhân dân, có điều kiện dễ phát sinh tiêu cực. Theo thống kê, từ tháng 8/2016 đến tháng 8/2017, các huyện, thành phố, sở, ngành đã thực hiện chuyển đổi công tác đối với 211 lượt cán bộ, công chức, viên chức theo quy định nhằm phòng ngừa tham nhũng. Qua thanh tra các cấp đã phát hiện 3 vụ việc, 4 cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng tại huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đam Rông. Qua đơn thư tố cáo, phát hiện 1 vụ việc với 1 cá nhân liên quan đến hành vi tham nhũng tại huyện Di Linh.
 
UBND tỉnh cũng chỉ đạo, quán triệt đối với các vụ việc qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu tham nhũng thì ngay lập tức củng cố hồ sơ và chuyển cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuy vậy trên địa bàn vẫn để xảy ra một số vụ việc liên quan đến tham nhũng.
 
Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, trong năm qua  không có vụ việc nào bị truy tố, xét xử. Tuy nhiên, hiện có 3 vụ việc với 4 cá nhân liên quan tại huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng được chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra chưa có kết luận, 1 vụ việc tại Đức Trọng đã được xử lý hành chính với 3 cá nhân bị kỷ luật.
 
Những khó khăn, vướng mắc được các ngành liên quan nêu ra, đó là công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật phòng chống tham nhũng ở một số đơn vị, cơ sở chưa đạt yêu cầu, chất lượng kiểm tra, thanh tra chưa sâu, khả năng tự phát hiện tham nhũng trong đơn vị chưa cao. Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng như Thanh tra, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát về cung cấp thông tin và tiến độ xử lý tham nhũng còn chậm, kéo dài.
 
Mối quan hệ phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chưa rõ nét, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp để việc phòng chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn. Công tác công khai, minh bạch tài sản thu nhập tại một số cơ quan, đơn vị còn thiếu sót như không lập phiếu giao nhận, kê khai sai mẫu, công khai không đúng thời gian quy định.
 
Để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng trong giai đoạn hiện nay, biện pháp được các cơ quan chức năng và UBND tỉnh đưa ra đó chính là việc cần thiết phải công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là biện pháp quan trọng đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng. Công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân cũng như toàn xã hội tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Với việc công khai minh bạch trong hoạt động tại các cơ quan nhà nước, người dân sẽ dễ dàng nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật cũng như đòi hỏi cơ quan Nhà nước và các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định, bởi mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý. “Công khai và minh bạch là những chìa khóa then chốt nhằm bảo đảm đấu tranh chống tham nhũng thành công”.  
 
NGUYỆT THU