"Con đường đau khổ"

08:09, 22/09/2017

"ÐH93 từng được xem là một trong những tuyến đường liên xã đẹp nhất huyện Cát Tiên. Nhưng khoảng 2 năm nay, tuyến đường này trở thành "con đường đau khổ" với vô số ổ gà, ổ voi dày đặc và thậm chí còn xuất hiện những hố sâu... 

“ÐH93 từng được xem là một trong những tuyến đường liên xã đẹp nhất huyện Cát Tiên. Nhưng khoảng 2 năm nay, tuyến đường này trở thành “con đường đau khổ” với vô số ổ gà, ổ voi dày đặc và thậm chí còn xuất hiện những hố sâu... Hàng ngày, cung đường này đang phải gồng mình “gánh” vô số xe quá tải lưu thông từ các huyện Ðạ Huoai, Ðạ Tẻh và Cát Tiên qua huyện Bù Ðăng (Bình Phước) và ngược lại.
 
Đường ĐH93 bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hải Ðường
Đường ĐH93 bị xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Hải Ðường

Gồng mình “gánh” xe quá tải
 
Đường ĐH93 nối từ Tổ dân phố 2 (thị trấn Cát Tiên) đến trung tâm xã Phước Cát 1, có tổng chiều dài hơn 8 km được đầu tư xây dựng từ năm 2011 với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Đây là tuyến liên xã có vị trí vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương huyện Cát Tiên như thị trấn Cát Tiên, xã Đức Phổ, Phước Cát 1 và Phước Cát 2... Theo thiết kế, đường ĐH93 có trọng tải 8 tấn và tấm biển báo tải trọng được gắn ngay 2 đầu tuyến đường này để cấm các xe tải trọng lớn. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm trước, xe có tải trọng trên 8 tấn cùng các loại xe khách lưu thông theo hướng từ Quốc lộ 20 qua các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên tới xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) ra Quốc lộ 14 và ngược lại đều lưu thông theo Tỉnh lộ 721. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, kể từ khi cầu Hai Cô (trên Tỉnh lộ 721 thuộc thị trấn Cát Tiên) bị xuống cấp, buộc các ngành chức năng phải hạn chế trọng tải để đảm bảo an toàn giao thông. Cũng từ đó, mặc cho tấm biển cảnh báo hạn chế trọng tải đã được gắn, hàng ngày có hàng trăm lượt xe trọng tải lớn (chủ yếu là xe chở vật liệu xây dựng và nông sản) vẫn cứ bon bon trên đường ĐH93. 
 
Bà Giang Thị Luyến, người bán quán nước giải khát trên đường ĐH93, cho biết: “Trước đây, tuyến đường này chỉ có xe máy, xe con, xe máy cày và xe tải nhỏ qua lại nên mặt đường láng bóng đẹp lắm. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, hàng ngày, có hàng trăm lượt xe có trọng tải lớn qua lại làm cho đường ĐH93 xuống cấp nhanh chóng”.
 
Tại thời điểm chúng tôi có mặt, theo quan sát, chỉ trong vòng khoảng 30 phút, có ít nhất 15 lượt xe chở vật liệu xây dựng và nông sản có trọng tải trên 15 tấn trở lên lưu thông trên tuyến đường này. Đi hết tuyến đường, chúng tôi đếm được ít nhất gần 10 hố sâu do xe quá tải tạo thành nằm bao trùm cả mặt đường. Còn ổ gà, ổ voi thì xuất hiện dày đặc từ đầu đến cuối đường. 
 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho hay: “Kể từ ngày cầu Hai Cô bị hạn chế trọng tải thì hầu hết các phương tiện, đặc biệt là xe có trọng tải lớn đều lưu thông trên đường ĐH93. Chính quyền địa phương vẫn biết, ĐH93 là đường liên xã phục vụ mục đích đi lại và sản xuất của người dân tại địa phương. Hơn nữa, theo thiết kế, tuyến đường này chỉ cho phép xe có trọng tải dưới 8 tấn lưu thông. Tuy nhiên, thời gian qua, do xe trọng tải lớn không thể đi qua cầu Hai Cô nên buộc phải đi qua đường ĐH93. Vì vậy, địa phương không thể cấm xe trọng tải lớn lưu thông trên tuyến đường này. Việc xe trọng tải lưu thông quá nhiều là nguyên nhân dẫn đến đường ĐH93 bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay”.
 
Nhiều hệ lụy!
 
Với việc hàng ngày phải gồng mình “gánh” hàng trăm lượt xe quá tải khiến đường ĐH93 bị xuống cấp nhanh chóng như hiện nay là điều không thể tránh khỏi. Chính điều này đã kéo theo những hệ lụy xấu mà người dân đang hàng ngày phải đối diện khi đi trên tuyến đường này. Bà Nguyễn Thị Thủy, một người dân sống bên cạnh đường ĐH93 (ngụ thôn Cát Điền, xã Phước Cát 1), phản ánh: “Từ đầu năm 2017 đến nay, vào những lúc trời mưa, hầu như ngày nào cũng có xe tải, xe khách, xe con bị mắc lầy ở hố sâu trước cửa nhà tôi. Có những lúc xe mắc lầy cả 2 - 3 tiếng đồng hồ khiến giao thông trên tuyến đường này bị tê liệt, xe cộ nối đuôi nhau nhiều km. Đặc biệt, nhiều đêm xe mắc lầy rú ga ầm ầm khiến người dân chúng tôi mất ngủ cả đêm rất khổ sở...”.
 
Theo người dân địa phương, việc tuyến đường này bị xuống cấp khiến trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì lầy lội đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. 
 
Ông Nguyễn Kế Tùng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Cát Điền (xã Phước Cát 1) cho biết: “Trong 2 năm qua, đường xuống cấp khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân chúng tôi gặp muôn vàn khó khăn. Khổ nhất là các cháu học sinh đi học hầu như phải xuống xe đạp dắt bộ. Người đi xe máy, đặc biệt là phụ nữ tay lái yếu thì bị té ngã liên tục, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy tay chân và thậm chí tử vong. Từ năm 2016 đến nay, do đường xuống cấp khiến 2 người đi xe máy bị té tử vong trên tuyến đường này. Nói thật, người dân chúng tôi sống ở đây đi quen đường còn biết mà tránh, nhưng người ở nơi khác tới thì nguy hiểm lắm. Bà con mong muốn, cơ quan chức năng cần có phương ánh để nhanh chóng nâng cấp, sửa chữa lại tuyến đường; đồng thời, có biện pháp quản lý nhằm hạn chế xe trọng tải lớn để bảo vệ tuyến đường giúp bà con đi lại an toàn”.
 
Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, dự án nâng cấp cầu Hai Cô được triển khai từ năm 2011, nhưng do vướng mắc trong công tác đền bù giải tỏa đối với 2 hộ dân nên đến nay vẫn chưa hoàn thành là nguyên nhân chính tác động trực tiếp làm đường ĐH93 bị xuống cấp. Hiện, địa phương đã giải quyết đơn của người dân và đang lập phương án cưỡng chế theo quy định của phát luật để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công sớm hoàn thành cầu Hai Cô đưa vào sử dụng. “Trước mắt huyện đã bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa lại các đoạn bị hư hỏng, xuống cấp trên đường ĐH93 nhằm đảm bảo an toàn cho việc đi lại của người dân và các phương tiện. Về lâu dài, huyện sẽ có báo cáo trình UBND tỉnh xin chủ trương để đầu tư, nâng cấp lại đường ĐH93; đồng thời, xây dựng các quy định nhằm hạn chế trọng tải để bảo vệ tuyến đường này” - ông Phúc cho biết thêm.
 
HẢI ÐƯỜNG