Xây nhà trên bờ taluy, cần giải pháp thiết kế từ đầu

08:09, 12/09/2017

Trong kết cấu xây dựng tại TP Ðà Lạt là có tới trên 60% nhà ở, công trình có hệ thống taluy, kè chắn từ thấp tới cao. Trong khi đó, quá trình xây dựng nhiều người dân thường không để ý tới các giải pháp thiết kế chịu lực nhà ở xây dựng trên bờ taluy ngay từ đầu.

Trong kết cấu xây dựng tại TP Ðà Lạt là có tới trên 60% nhà ở, công trình có hệ thống taluy, kè chắn từ thấp tới cao. Trong khi đó, quá trình xây dựng nhiều người dân thường không để ý tới các giải pháp thiết kế chịu lực nhà ở xây dựng trên bờ taluy ngay từ đầu. Nhiều vụ việc khi có khiếu nại, cơ quan chức năng buộc phải tạm đình chỉ xây dựng nhà vì nguy cơ gây ảnh hưởng tới các công trình lân cận.
 
“Trong GPXD UBND TP Đà Lạt cấp về mặt kết cấu chịu lực chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Theo đó, trường hợp nhà ở riêng lẻ xin cấp GPXD có tổng diện tích xây dựng sàn lớn hơn 250 m 2, từ 3 tầng trở lên thì hồ sơ thiết kế nhà ở, khả năng chịu lực ngôi nhà phải do tổ chức, cá nhân có tư cách pháp nhân hành nghề thiết kế và đủ điều kiện năng lực hoạt động thiết kế xây dựng thực hiện. Chủ đầu tư phải ký xác nhận thống nhất nội dung bản vẽ và chịu trách nhiệm về hồ sơ thiết kế, kết cấu chịu lực theo quy định của pháp luật”.
Ông Nguyễn Dương Trung Hữu - Phó Phòng QLÐT TP Ðà Lạt
Đó là trường hợp gia đình bà Đinh Thị Thúy và chồng là ông Bùi Văn Lượng (địa chỉ thửa 204, đường Đa Minh, Phường 5, TP Đà Lạt). Theo thông tin bà Thúy cung cấp, vào đầu tháng 2/2017, gia đình bà mua miếng đất tại thửa 204, đường Đa Minh để xây nhà ở diện tích sàn rộng 119,1 m 2 gồm 3 tầng (1 bán hầm, 1 trệt, 1 lầu). Tới ngày 1/3, UBND TP Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng số: 158/GPXD. Trước khi cấp giấy phép Phòng quản lý đô thị (QLĐT) thành phố đã tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng thửa đất cụ thể và được duyệt trong hồ sơ taluy hiện hữu cao 3 m phía trước nhà với tổng lượng bê tông cốt thép (BTCT) xây kè chắn đất là 30,7 m 3
 
Sau khi bắt tay vào xây dựng nhà được khoảng hơn 1 tháng, gia đình bà Trần Nhược Uyên (41 tuổi, trú tại 33, nhà ở phía dưới nhà bà Thúy), do lo sợ ngôi nhà 3 tầng đè lên bờ taluy phía sau nhà bà Thúy cao 4,5 m gây nguy hiểm cho gia đình nên làm đơn khiếu nại lên UBND Phường 5 và TP Đà Lạt. Tới giữa tháng 5/2017, qua kiểm tra hiện trạng và nội dung làm việc với gia đình bà Đinh Thị Thúy và Trần Nhược Uyên, UBND TP Đà Lạt đã đánh giá: Sau khi công trình nhà 3 tầng của bà Thúy hoàn thành sẽ có tải trọng tương đối lớn, có khả năng gây ảnh hưởng và mất ổn định cho taluy đá (xây từ năm 2009), gây nguy hiểm cho các công trình lân cận. Chính vì vậy, thành phố yêu cầu bà Thúy thương lượng với hộ bà Uyên để lập phương án thiết kế, cải tạo bờ taluy hiện trạng. Đồng thời, gia đình bà Thúy phải tạm thời dừng thi công tới khi có giấy phép mới.
 
Theo hướng dẫn của thành phố, bà Trần Nhược Uyên làm đơn đồng ý nhượng lại 2 m 2 đất, trị giá 20 triệu đồng để bà Thúy xây dựng taluy chắn đất và đã được cấp Giấy phép xây dựng số 975/GPXD ngày 30/6/2017. Tới ngày 17/7/2017 gia đình bà Thúy, ông Lượng lấy nguyên vật liệu (xi măng, cát, đá, sắt) nhân công... để thi công nhưng bà Uyên không đồng ý với lý do: trong giấy phép xây dựng Công ty tư vấn thiết kế xây dựng A.M thiết lập cho gia đình bà Thúy, việc gia cố taluy chỉ tăng cường khả năng chịu lực ổn định, hoàn toàn không tính toán đến tải trọng và áp lực khác tác động lên taluy. Và chỉ vì giấy phép gia cố taluy chịu lực cho ngôi nhà không đúng quy định, gia đình bà Thúy bị tạm đình chỉ xây dựng tới thời điểm này chưa thể thi công, gây tổn thất về thời gian, kinh tế gia đình không nhỏ.
 
Ông Hữu cho biết thêm, như vậy, chiếu theo trường hợp nhà bà Đinh Thị Thúy GPXD không có phương án thiết kế chịu lực cho taluy thứ 2, giáp nhà bà Uyên ngay từ đầu. Tới khi bà Uyên khiếu nại lên cơ quan chức năng mới liên hệ đơn vị thiết kế gia cố khả năng chịu lực taluy thì tiếp tục sai sót dẫn tới kéo dài thời gian thi công. Cũng theo ông Hữu, việc thi công taluy, nhà ở của gia đình bà Thúy phức tạp do Công ty tư vấn thiết kế xây dựng thiết kế hồ sơ taluy thiếu trách nhiệm dẫn tới việc xây dựng kéo dài một phần. Cụ thể, sau khi tư vấn được duyệt giấy phép ngày 30/6, tới ngày 20/7 công ty tư vấn gửi văn bản đính chính thông tin với nội dung: thiết kế taluy BTCT cho gia đình bà Thúy chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng chịu lực ổn định và mang lại mỹ quan cho kè hiện hữu. Trong giải pháp thiết kế không tính tới tải trọng và áp lực khác tác động lên kè. “Hiện chúng tôi đang liên hệ Trung tâm kiểm định và tư vấn xây dựng - Sở Xây dựng Lâm Đồng để làm hồ sơ thiết kế taluy chịu lực cho gia đình bà Thúy. Sau khi có hồ sơ đầy đủ, chúng tôi sẽ duyệt cấp phép lại để gia đình thi công taluy, nhà ở trong thời gian sớm nhất” - ông Hữu cho biết.
 
Theo UBND TP Đà Lạt, hằng năm thành phố đều định kỳ cùng các ban, ngành liên quan tăng cường quản lý chất lượng xây dựng công trình tầng hầm, tường chắn đất, đập và taluy trên địa bàn từ khả năng chịu lực của tường, biện pháp thi công lấy đất, kiểm tra độ dốc thoát nước trong phạm vi xây dựng tầng hầm, tầng chắn... Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, rà soát thành phố cũng phát hiện một số hộ dân chưa liên hệ công ty thiết kế có chức năng thiết kế taluy, kè chắn đảm bảo khả năng chịu tải công trình xây dựng trên đất.                  
 
C.THÀNH