Bảo vệ môi trường - thách thức và giải pháp

08:10, 02/10/2017

Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, đòi hỏi có sự nhận thức và tham gia của toàn xã hội; đồng thời là quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân...

Bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách, đòi hỏi có sự nhận thức và tham gia của toàn xã hội; đồng thời là quyền lợi, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân. Với tỉnh Lâm Ðồng, chất lượng môi trường (MT) chưa bị ô nhiễm trên diện rộng, nhưng một số vị trí, khu vực đã bị ô nhiễm cục bộ. Với xu hướng phát triển kinh tế như hiện nay, nếu việc quản lý và đầu tư cho BVMT không tương xứng sẽ là mối lo ngại và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (ONMT) trong tương lai. 
 
Sự ô nhiễm của bãi rác Phú Hội tiếp tục được cử tri kiến nghị với các đại biểu Quốc hội vào ngày 26/9. Ảnh: M.Ð
Sự ô nhiễm của bãi rác Phú Hội tiếp tục được cử tri kiến nghị với các đại biểu Quốc hội vào ngày 26/9. Ảnh: M.Ð

Từ những thực trạng chung 
 
Song song với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Lâm Đồng cũng như các địa phương khác, đứng trước khó khăn thách thức do các vấn đề ô nhiễm và suy thoái chất lượng MT. Nguyên do: tăng cường khai thác, sử dụng tài nguyên có phần làm nảy sinh các nguy cơ tiềm ẩn cũng như gây sức ép tới MT như các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, chế biến lâm sản, công nghiệp thủy điện, xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc phát triển không đồng bộ, ồ ạt các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng cũng như việc đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí nhưng chưa có bài toán cụ thể về vấn đề BVMT sinh thái và thiếu sự thanh kiểm tra của các ngành chức năng đã gây tác động xấu đến MT sinh thái. Trong phát triển nông nghiệp, khi số lượng nhà kính nhà lưới tăng nhanh chóng đã làm phá vỡ cảnh quan và làm tăng nguy cơ xói mòn, bồi lắng và gia tăng hiện tượng lũ cuốn, lũ quét; hoặc sử dụng ngày càng nhiều lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nhưng chưa được thu gom, xử lý theo quy định; canh tác trên đất quá dốc; hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... 
 
Chất lượng nước sông, suối, hồ chứa còn luôn chịu sự tác động của các yếu tố tự nhiên như các chế độ mưa, nhiệt độ, lượng bốc hơi nước bề mặt; các đặc điểm về địa hình, địa chất - thủy văn, thổ nhưỡng và thảm phủ thực vật tự nhiên. Yếu tố nhân tạo như sự gia tăng dân số và đô thị hóa; đặc biệt ở đô thị do phần lớn là các khách sạn, nhà hàng chưa xây dựng đầy đủ hệ thống thoát nước bẩn, nước thải chỉ được xử lý qua hệ thống tự hoại hoặc bán tự hoại, có nơi còn xả thẳng xuống sông, suối, ao, hồ (ngoại trừ một số phường trên địa bàn Đà Lạt được đấu nối đưa về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung). Chất thải ở các bệnh viện, các cơ sở y tế cũng là những nguồn gây ô nhiễm đáng kể đối với MT. Công nghiệp hóa với mức độ tập trung cao kéo theo sự ô nhiễm cục bộ MT nước tại các KCN... Đó còn là, giá trị ĐDSH đang đứng trước nguy cơ suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, mà chủ yếu do khai thác quá mức và thiếu các chính sách về bảo tồn.
 
Tóm lại, kết quả quan trắc những năm gần đây cho thấy, chất lượng nước mặt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có dấu hiệu ô nhiễm, một vài thông số vượt quy chuẩn cho phép, đặc biệt là các thông số ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng. 
 
Ngoài ra, chất lượng MT không khí tuy chưa vượt quy chuẩn cho phép, nhưng thành phần các chất ô nhiễm cũng tăng theo năm. Các chất thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt không qua xử lý hoặc xử lý không đạt yêu cầu xả thải ra MT không những làm biến đổi thành phần MT mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các hệ sinh thái tự nhiên. 
 
Ðến những giải pháp cụ thể 
 
Thời gian qua, với chủ trương phát triển bền vững, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đi đôi với việc tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên MT, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tập trung ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, khắc phục suy thoái, phục hồi và nâng cao chất lượng MT, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để từng bước hiện thực hóa mục tiêu kế hoạch đề ra trong công tác BVMT. Đó là hoàn thiện dần bộ máy tổ chức quản lý; điều chỉnh thể chế chính sách; tăng cường tài chính, đầu tư cho công tác BVMT; các hoạt động giám sát, quan trắc, cảnh báo ONMT; nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng cùng các hoạt động khác... 
 
Tuy nhiên, so với yêu cầu chưa thể đáp ứng được như mong muốn. Vì vậy, cần tiếp tục tăng cường đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: kế hoạch phát triển nguồn nhân lực phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển ở cấp huyện và cấp xã. Các giải pháp như: chính sách, thể chế, luật pháp liên quan; tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm; tài chính, đầu tư cho BVMT. Tăng cường các hoạt động giám sát chất lượng, quan trắc và cảnh báo ONMT; tăng cường sự tham gia của cộng đồng BVMT. Các giải pháp về quy hoạch phát triển; về công nghệ và kỹ thuật...
 
Theo Sở TN&MT, quản lý MT tại Lâm Đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần hướng tới mục tiêu kiểm soát, hạn chế về cơ bản mức độ gia tăng ONMT, suy thoái tài nguyên và suy giảm ĐDSH; tiếp tục cải thiện chất lượng MT sống; nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu trên, có 13 nhiệm vụ trọng tâm như: Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ONMT; Kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm; Cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về MT; Thực hiện khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH; Tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; Tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm về BVMT; Hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về BVMT; Nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ về BVMT; Phát triển ngành kinh tế MT để hỗ trợ các ngành kinh tế khác giải quyết các vấn đề MT; Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư cho BVMT; Hợp tác quốc tế về BVMT. 
 
Tại Báo cáo MT đô thị năm 2016 của Bộ TN&MT vừa công bố, những giải pháp đưa ra cũng có thể vận dụng linh hoạt ở địa bàn Lâm Đồng. Đó là: Nạo vét, khơi thông dòng chảy các sông, kênh mương và tăng cường xử lý nước thải; Từng bước quy hoạch phát triển đô thị đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và kiểm soát ô nhiễm...     
 
MINH ÐẠO